Trong thời Chiến tranh lạnh, Albania được coi là quốc gia bị cô lập nhất ở châu Âu. Do lo sợ bị kẻ thù bên ngoài xâm lược bất cứ lúc nào, Enver Hoxha – nhân vật được cho là có đầu óc “hoang tưởng” lãnh đạo Albania từ năm 1944 cho đến khi qua đời vào năm 1985 – ra lệnh xây dựng phức hợp bunker tuyệt mật dưới lòng đất. Ngày nay, khu phức hợp bunker này trở thành một điểm du lịch thu hút sự tò mò của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Phức hợp bunker được ngụy trang hết sức kín đáo đến mức khó thể phát hiện khi quan sát từ con đường bên ngoài. Lối đi duy nhất dẫn vào bên trong bunker là con đường hầm dài được đào xuyên qua sườn đồi ngay phía trước. Đây không phải là nơi du khách có thể dễ dàng lang thang ngó nghiêng ngó dọc được bởi vì đó là lối vào căn cứ quân sự tuyệt mật. Đường hầm – gần gấp đôi chiều dài sân bóng đá – có bầu không khí mát mẻ hơn bên ngoài.
Dễ nhìn thấy những vũng nước đọng rải rác khắp nơi trên nền đất. Khi tiến gần đến trung tâm phức hợp bunker, du khách sẽ nghe được âm thanh êm ái càng lúc càng vang lên rõ hơn. Lối đi bộ dài tổng cộng 198 mét cần phải vượt qua trước khi đến được khu vực đậu xe trông không có gì nổi bật ở cuối đường hầm. Bất ngờ một tòa nhà xám xịt hiện lên từ phía trên – đó là khu vực gọi là Bunk’Art 1, và chịu khó đi bộ thêm vài phút nữa theo con đường bên cạnh dẫn đến một trong những khu hầm ngầm trú ẩn tránh bom hạt nhân bí mật nhất thời Chiến tranh lạnh.
Artemisa Muco cho rằng đây là địa điểm lý tưởng nhất ở Tirana – thủ đô Albania – trong những ngày hè nóng nực khi nhiệt độ lên tới 40oC. Muco – nữ sinh viên 24 tuổi tốt nghiệp khoa lịch sử văn hóa – là một trong các hướng dẫn viên du lịch làm việc tại khu vực bí mật của Bunk’Art 1 có tên mã là “Cơ sở 0774”. Sau khi Chiến tranh thế giới lần hai kết thúc và cho đến giữa thập niên 1980, Enver Hoxha quyết tâm biến Albania thành quốc gia độc lập theo kiểu “tự lực tự cường” và hiện đại. Trong chiến tranh, Enver Hoxha là quân du kích cầm súng chiến đấu chống lại Đức Quốc xã.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Hoxha bỗng nhiên mắc chứng “hoang tưởng” và đầu óc lúc nào cũng tin rằng kẻ thù từ cả phía Đông và phía Tây đều có kế hoạch xâm chiếm đất nước Albania nhỏ bé nằm ở vùng núi. Đó là căn nguyên thúc đẩy Enver Hoxha ra lệnh tiến hành chương trình khổng lồ – xây dựng phức hợp bunker ngầm cho phép công dân Albania dễ dàng tiến hành cuộc chiến tranh du kích từ mạng lưới rộng lớn những công sự bằng bê tông. Dĩ nhiên, trong lúc cuộc chiến diễn ra ác liệt, Hoxha cùng với phần còn lại của giới lãnh đạo sẽ phối hợp chỉ huy cuộc kháng chiến từ phức hợp bunker ngầm. “Cơ sở 0774” là bằng chứng của rối loạn hoang tưởng kỳ quặc của Enver Hoxha.
Được xây dựng trong thời gian vào khoảng giữa năm 1972 và năm 1978, phức hợp bunker ngầm bao gồm hơn 300 căn phòng trải dài qua 5 tầng và phần lớn luồn sâu trong những ngọn đồi thấp dưới chân núi thuộc dãy Mali I Dajtit phía đông thủ đô Tirana. Phức hợp ngầm không cửa sổ và tù túng được coi là chứng tích thời Chiến tranh Lạnh. Giả như, Albania bị xâm lược từ phía Tây hay phía Đông, “Cơ sở 0774” sẽ trở thành khu vực cực kỳ náo động, nghĩa là toàn bộ hoạt động quốc phòng của đất nước sẽ được tổ chức từ dưới lòng đất – nơi dự kiến đủ chứa khoảng 300 con người, bao gồm đội ngũ tướng lĩnh.
Nữ hướng dẫn viên Artemisa Muco tiết lộ: “Trong “Cơ sở 0774” được dự trữ đầy đủ thực phẩm, nước uống và gồm cả nhiên liệu cho phép con người sống bên trong một cách an toàn suốt cả năm”. Phức hợp bunker ngầm được xây dựng trong bí mật hoàn toàn. Trên một bức tường là ảnh hình ảnh nhà lãnh đạo “hoang tưởng” Enver Hoxha viếng thăm vào ngày khánh thành. Trước khi qua đời năm 1985, Enver chỉ lưu lại trong bunker chỉ có vài đêm. Mặc dù vậy, Enver Hoxha vẫn có “phòng ốc” riêng bao gồm: chiếc giường sang trọng, phòng làm việc dành cho thư ký riêng, phòng tắm trang bị vòi sen hẳn hòi vận hành bằng dầu diesel.
Phòng riêng của Hoxha được bọc lót bằng vật liệu giống như loại gỗ sẫm màu nào đó. Artemisa Muco giải thích với du khách: “Đó là vật liệu chống cháy. Trong khi toàn bộ các phòng còn lại – ví dụ như phòng dành cho thủ tướng – được làm bằng loại gỗ thông thường. Chỉ có duy nhất căn phòng của Hoxha được sử dụng loại gỗ chống cháy”. Năm 1991, Albania bắt đầu tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội và sau đó đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn với nhiều biến động dữ dội.
- Xem thêm: Những điều chưa biết về bức tường Berlin
Năm 1997, chính phủ sụp đổ sau dẫn đến cuộc xung đột khiến cho khoảng 2.000 người bị chết cùng với nhiều căn cứ quân sự bị cướp phá – trong đó gồm cả “Cơ sở 0774”. Khu hầm được quân đội Albania sử dụng lần cuối cùng với mục đích huấn luyện là vào năm 1999, rồi sau đó bị bỏ hoang hoàn toàn. Mãi đến 2014, khu hầm mới được mở cửa lại nhờ vào nỗ lực của Carlo Bollino – người muốn đưa khu di tích bunker trong quá khứ của đất nước Albania bị cô lập với thế giới đến với công chúng.
Carlo Bollino là nhaà báo Ý sở hữu một phương tiện truyền thông và người sáng lập Report TV cũng như báo mạng Shqiptarja.com. Bollino từng làm phóng viên cho hãng thông tấn ANSA của Ý đặt chi nhánh tại Albania năm 1993. Carlo Bollino phát biểu: “Tôi quyết định mở khu Bunk’Art 1 vào năm 2014, khi Bộ Văn hóa Albania phát động chương trình đóng góp ý tưởng nhân dịp kỷ niệm 70 đất nước này giành độc lập. Trước đó, không hề có bất cứ địa điểm nào cho phép du khách, hay thậm chí cả người dân Albania tìm hiểu về những bí mật của thời Chiến tranh lạnh”.
Phóng viên Carlo Bollino cho biết cảm xúc cá nhân trong lần đầu tiên đến tham quan phức hợp bunker chống bom hạt nhân: “Tôi xúc động ghê gớm khi may mắn có được cơ hội khám phá một khu vực tối tăm, bí hiểm chứa đựng dấu tích lịch sử”. Chỉ trong vòng một tháng sau khi mở cửa chào đón công chúng vào năm 2014, phức hợp bunker ngầm thu hút đến khoảng 70.000 người Albania đến tham quan. Artemisa Muco cho biết: “Người Albania biết về sự tồn tại của bunker, nhưng chúng ta lại không hề biết về nó trong rất nhiều năm.
Thậm chí có nhiều người sinh sống quanh khu vực này, nhưng khi họ cũng phải há hốc mồm kinh ngạc khi đến thăm bunker. Họ thật sự ấn tượng khi nhìn thấy cả một khu nhà được xây luồn bên trong núi như thế”. Không chỉ cố gắng cải tạo bunker một bảo tàng, Carlo Bollino còn thêm thắt một số thứ khác nữa. Ví dụ: một số căn phòng biến thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Mỗi phòng trong số đó thể hiện một khía cạnh khác nhau của quá khứ hoặc cố gắng mô tả môi trường khắc nghiệt xung quanh khu hầm ngầm.
Các phòng trong khu phức hợp lắt léo như mê cung của bunker được bố trí lại với đủ loại đồ nội thất và đồ dùng ngày xưa. Hiện nay, nhóm chuyên gia đã cải tạo xong hơn 100 căn phòng trong khu hầm. Trong khi đó, hầu hết các phần còn lại của phức hợp bunker vẫn chưa được cải tạo có lẽ đã vượt quá giới hạn được phép cải tạo – một căn cứ quân sự đang hoạt động ở gần đó và phần còn lại trong khu vực bunker hiện vẫn còn nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng Albania.
Bollino thừa nhận nỗ lục nghiên cứu cải tạo bunker của Hoxha là thách thức hết sức to lớn: “Nếu nhìn từ khía cạnh hậu cần thì đây là công việc hết sức khó khăn bởi vì nơi này rất ẩm ướt và bất kỳ vật thể nào bị phơi ra trong vài ngày là sẽ bị nấm mốc tấn công. Nhưng khó khăn lớn nhất là vấn đề văn hóa: công việc khôi phục tư liệu cũng như mọi đồ vật từ thời quá khứ xa xôi đòi hỏi rất nhiều thời gian”.
Theo Carlo Bollino, có một số chi tiết biến cải mang tính siêu thực. Những thứ trông giống như giỏ đựng giấy vụn được trang trí với các ngôi sao màu đỏ thật ra là các máy lọc bớt lượng khí carbon dioxide tích tụ trong bunker. Những mặt nạ chống khí độc do Liên Xô thiết kế đặc biệt để cung cấp cho Albania được gắn dọc hành lang nhầm trấn an du khách nếu có tình trạng xấu bất ngờ thì bunker có thể trở thành nơi trú ngụ tạm thời cho khoảng 300 người. Khu phức hợp bunker gói gọn trong phạm vi nhất định, nhưng không hề nhỏ.
Ở trung tâm là hội trường đủ sức chứa hàng trăm người tham dự cùng lúc. Đây chính là nơi mà Enver Hoxha và giới chức cao cấp của ông đọc những bài phát biểu cho những người ở bên trong khu vực chống hạt nhân này. Ngày nay, hội trường được cải tạo thành sân khấu dùng để tổ chức các buổi biểu diễn nhạc rock và jazz (2 thể loại âm nhạc bị cấm dưới thời Enver Hoxha), với quán bar nhỏ nằm trên lối đi. Kế hoạch tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc độc đáo như thế giúp cho bunker ngầm nhanh chóng trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Albania.
Carlo Bollino tiết lộ đội ngũ chuyên gia của ông còn có các kế hoạch khác nữa: “Kế hoạch tiếp theo liên quan đến một trong những hành lang phía nam của Bunk’Art 1, nơi dự kiến sẽ tổ chức triển lãm những hình ảnh về cuộc sống hàng ngày của thời Enver Hoxha. Đây là cơ hội để giới thiệu du khách đến một phần khác của đất nước mà ngày nay đã lùi sâu vào dĩ vãng.
Ngoài ra, tôi sẽ thử nghiệm một kiểu nhà hát chìm. Tức là, các nhân vật trong quá khứ sẽ được tái sinh trong hành lang khu Bunk’Art cho phép du khách cơ hội nhìn ngắm và tương tác. Đây là bước đầu tiên hướng đến một dự án đầy tham vọng hơn liên quan đến nghiên cứu thiết kế các nhân vật dựa trên thực tế ảo”.
Senada Murati, một trong những nhóm điều hành khu phức hợp bunker ngầm, cho biết nơi đây nhận được rất nhiều sự quan tâm từ du khách đến từ Anh và Mỹ, thậm chí xa xôi như New Zealand. Artemisa Muco bình luận: “Tôi cho rằng bảo tàng bunker thực sự nhạy cảm bởi vì nơi đây cho phép du khách tìm hiểu mọi mặt của thời Enver Hoxha và từ đó có thể tự đưa ra nhận định. Một số du khách đến với một bức hình Hoxha để trong túi”.