Một số gia vị thông thường như củ hành, gừng, nghệ… không chỉ mang lại hương vị đặc trưng cho các món ăn, chúng còn có tác dụng phòng ngừa bệnh rất hiệu quả, nhất là vào mùa lạnh.
Nghệ có vị cay, hơi đắng nhưng không gây độc, tính ôn hòa. Nghệ có ác dụng giúp cải thiện hoạt động của hệ tim mạch, làm tan máu bầm, chảy máu cam, tiểu ra máu, làm liền sẹo cũng như một số bệnh lý có liên quan đến bao tử của nghệ luôn mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh. Thông thường, củ nghệ được dùng như bài thuốc dưới hình thức sắc củ nghệ còn tươi hay sau khi phơi khô thành nước để uống, làm gia vị ăn kèm các món ăn trong ngày hoặc vùi trong than cho chín để ăn kèm với muối…Với người có thể trạng nóng, cần hạn chế ăn nhiều nghệ. Có thể dùng nghệ trong các món canh, cá kho, thịt rang hay các món cà ri…
Gừng có tác dụng chống lạnh, trị ho, đau tức ngực, trừ độc, nhờ đặc tính cay và giữ ấm…Đặc biệt, gừng tươi khi chưa gọt vỏ giúp giữ ấm cơ thể và đề phòng cảm lạnh. Vị cay của gừng khi tiếp xúc với niêm mạc sẽ không gây phồng rộp. Ngoài ra, vị cay từ gừng tươi còn giúp chống lại quá trình ôxy hóa chất béo trong cơ thể, ngừa lão suy, điều hòa thân nhiệt cơ thể như hạ sốt, chống lạnh và đổ mồ hôi. Có thể ngậm gừng tươi để ngừa cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, làm khỏe dạ dày …Hơn nữa, các hợp chất tìm thấy trong gừng còn giúp giảm đau các khớp, và hiệu quả không kém các loại tân dược khác. Uống trà gừng hoặc đập một củ gừng tươi nhỏ cho vào các món rau xào như cải bẹ xanh hoặc canh cũng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người mắc bệnh về chảy máu như chảy máu cam, băng huyết, ho ra máu, sốt xuất huyết… không nên dùng gừng tươi (hoặc khô).
Củ hành có vị cay nồng, tính bình lại không gây độc. Không chỉ có công dụng ngừa một số bệnh lý thông thường như cảm gió, nhức mỏi mắt, đau bụng, đau đầu…thường xuyên ăn củ hành còn giúp phòng bệnh loãng xương, nhờ trong hành có chứa thành phần gamma glutamyl peptide. Ngoài ra, ăn củ hành cũng ngăn ngừa bệnh viêm khớp, viêm khớp mạn tính, hen suyễn gây tắt nghẽn hô hấp, và bệnh cảm thông thường, nhờ trong củ hành có chứa các tác nhân chống viêm tấy.
Ớt có vị cay nồng, có tác dụng làm ấm bụng và kích hoạt tiêu hóa. Khi dùng với liều lượng vừa phải, ớt giúp tăng hiệu quả trong việc phòng bệnh. Người lớn có thể sử dụng mỗi ngày khoảng 10g ớt.
Hạt tiêu có vị cay nồng, tính nóng và không độc. Khi ăn, hạt tiêu giúp tiêu hóa tốt, tiêu trừ độc tố trong cơ thể, tiêu đàm, trị đầy hơi và tiêu chảy. Có thể dùng hạt tiêu còn tươi hoặc khô, đều tốt.
Tỏi. Không chỉ là gia vị quen thuộc trong mỗi bữa ăn, tỏi còn có tác dụng kháng khuẩn và vi rút, nhất là chống nhiễm trùng phổi. Để đạt được hiệu quả nhất nên ăn tỏi sống với một lượng lớn (0,5kg/tuần hay 1/3 thìa bột tỏi/ngày). Khi được nghiền hoặc nhai sống, tỏi tạo ra hợp chất allicin, có đặc tính kháng sinh và giúp cơ thể trong việc chống lại cảm lạnh và cúm.
Sả có vị cay nồng, mùi thơm và không độc. Lá sả tươi dùng để nấu nước xông chữa bệnh cảm sốt, củ sả phơi khô sắc nước để uống chữa ói mửa, giữ ấm bụng, giảm đau nhức cơ thể…Khi kết hợp với một số thảo dược khác, sả còn giúp chữa chứng sình bụng, đầy hơi…
Quế có nhiều tác dụng với sức khỏe như: giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu nên trị được bệnh tiểu đường tuýp 2, phòng chống bệnh ung thư, sạch miệng, ngừa sâu răng, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, giảm viêm trong cơ thể…Tuy nhiên, có lợi cho sức khỏe không có nghĩa là có thể ăn bao nhiêu quế tùy ý. Sử dụng quế an toàn cũng đồng nghĩa với việc không lạm dụng loại gia vị này, vì nếu dùng quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.