Từ tháng 7, một số chính sách mới liên quan mật thiết đến đời sống xã hội sẽ chính thức có hiệu lực. Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, lương hưu, cùng những quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng, hình sự… sẽ được áp dụng.
Tăng lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Từ 1-7, hai nghị định của Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ chính thức có hiệu lực.
Nghị định 38 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có hiệu lực nêu rõ các đối tượng này sẽ được hưởng mức lương cơ sở cao hơn mức lương hiện tại 100.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở mới được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng.
Nghị định 44 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng chính thức quy định tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2019 đối với các đối tượng như cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng…
Vợ sinh con, chồng được nghỉ thai sản
Nghị định 38 của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản đối với lao động nam sẽ có nhiều thay đổi từ ngày 1-7. Theo đó, khi vợ sinh con, chồng sẽ được hưởng các chế độ thai sản tương đương như hưởng trợ cấp một lần khi sinh con với mức trợ cấp 2.980.000 đồng (2 lần mức lương cơ sở)/con. Ngoài ra, khi vợ sinh con, chồng cũng được nghỉ làm trong các trường hợp cụ thể.
Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày sinh được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì cha sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Đối với trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Đối với trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Điều kiện vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đáp ứng các điều kiện như:
– Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ hoặc công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới;
– Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;
– Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay.
Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa là 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm.
Dưới 15 tuổi được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng
Từ 5-7, Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cũng theo thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm; việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền nhưng lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Làm từ thiện để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp là phạm tội Rửa tiền
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ra Nghị quyết 03 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội Rửa tiền.
Theo đó, người thực hiện một trong các hành vi cụ thể nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền sẽ bị coi là phạm tội Rửa tiền.
Các hành vi đó gồm trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng; trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch khác như chơi, kinh doanh casino, trò chơi có thưởng, mua bán cổ vật; dùng tiền, tài sản để thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi;
Người dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác cũng phạm tội Rửa tiền.
Giá vé máy bay hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng
Có hiệu lực từ 1-7, Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, giá vé hạng phổ thông cơ bản cho một chiều đi như sau: Đường bay có khoảng cách dưới 500km thuộc nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng.
Đường bay 500 – 850km giá tối đa 2,2 triệu đồng; 850 – 1.000km giá tối đa 2,790 triệu đồng; 1.000 – 1.280km giá tối đa 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá tối đa 3,75 triệu đồng.
Mức vé tối đa quy định trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ các khoản thu sau: Thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh; khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm…