Tuy chậm hơn so với thời điểm dự tính ngày 9-7-2013, nhưng cuối cùng bộ máy nhân sự của Công ty mua bán nợ và quản lý tài sản (VAMC) cũng được bổ nhiệm. Liệu VAMC có “đại phẫu” được “khối u” nợ xấu và giúp kinh tế tăng trưởng trở lại?
Làm khối băng chuyển động
VAMC không phải đôi đũa thần, không phải chuyển toàn bộ nợ sang VAMC là hết nợ xấu – một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chủ lực chung tay góp sức “đẻ” ra VAMC nói. Theo ông, mấu chốt của VAMC là tạo thanh khoản cho khối nợ, giúp nó chuyển động, lưu thông, nhờ đó khối băng nợ có thể rã phần nào.
Thực ra người ta hiểu rất rõ vấn đề gốc của nợ xấu không nằm ở VAMC như một giải pháp tháo gỡ, mà nằm ở sức khỏe nền kinh tế. Nền kinh tế phải được cấu trúc lại, sức mua được cải thiện, sản xuất có đầu ra, thì dòng tiền sẽ chảy vào doanh nghiệp và từ đây nợ xấu được giải quyết.
Nhìn một cách cụ thể, thí dụ tổng dư nợ của một ngân hàng là 100 tỉ đồng, nợ xấu 20%. Điều đó có nghĩa 20 tỉ đồng đang nằm dưới dạng nợ xấu trong các doanh nghiệp (người vay) mà không sinh lời. Do không sinh lời, doanh nghiệp không có nguồn để trả nợ. Ngân hàng không thu được tiền (ở đây chỉ nói tiền gốc), trong khi vẫn phải trả chi phí cho số tiền đã huy động đó. Nợ xấu càng nhiều, giá thành huy động vốn của ngân hàng càng cao. Đã thế, khi vướng phải cục nợ, các chỉ số tài chính trở nên xấu hơn, ngân hàng hạn chế cho vay tiếp. Tín dụng vì thế gần hai năm nay chỉ chực âm. Lúc nào mà dương được cỡ 1%/tháng là người ta đã dùng từ “đột biến” để bình luận. Vietcombank – một trong những ngân hàng hàng đầu của ViệtNam, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay âm là một minh chứng rõ nét.
Ai sẽ bỏ tiền ra ôm đống nợ xấu bây giờ? Các nước mang đống nợấy ra bán đấu giá, nhưng ViệtNamchưa có thị trường giao dịch nợ, nên không biết bán ở đâu. Nhà nước có bỏ tiền ra mua không? Tất nhiên là không rồi. Vai trò của VAMC là ở đây. Thay bằng mua nợ, trả tiền cho ngân hàng, nay VAMC trả cho người bán nợ trái phiếu. Trái phiếu ấy có tính chất nhất định như được cầm cố, giao dịch trên thị trường mở, chiết khấu thành tiền theo một tỷ lệ quy định nào đó.
Thành ra, với việc đổi nợ lấy trái phiếu, VAMC tạo cơ hội cho các chủ nợ ngân hàng vay tiền. Đổi lại ngân hàng được dãn tiến độ xử lý nợ 1-2 hoặc lâu hơn 3-4 năm, và có thể đưa vốn ra thị trường, cung ứng cho doanh nghiệp. Nhờ cho vay, ngân hàng có lợi nhuận, một phần lợi nhuận này sẽ dành để xử lý nợ xấu, như trích lập dự phòng rủi ro.
Không phải ai cũng thích vay tiền để tiêu
Theo thông tư về cơ cấu tổ chức và hoạt động của VAMC, thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người có quyền quyết định sau cùng mua nợ của ai, số lượng, giá trị bao nhiêu, tỷ lệ chiết khấu của trái phiếu thế nào.
Giả sử ngân hàng có 100 đồng nợ xấu, đáp ứng được các tiêu chuẩn của VAMC và mang đến bán cho VAMC. Công ty này có thể trả lời đồng ý mua với giá, chẳng hạn, 30 đồng. Trên thị trường tài chính quốc tế, cách này là mua đứt bán đoạn. Người bán cầm 30 đồng về và hạch toán lỗ trên sổ sách tức thì.
Cứ theo cách quốc tế làm, thì các ngân hàng ViệtNambán nợ cho VAMC xong, sẽ hạch toán lỗ hàng loạt. Sẽ không có nhiều ngân hàng can đảm chịu nhận và công khai lỗ như thế, nhất là các ngân hàng niêm yết, bị cổ đông săm soi kỹ càng.
VAMC vì thế sẽ khác. Ngân hàng nhận được 30 đồng giống như mượn được tiền để tiêu, còn khoản nợ vẫn là của ngân hàng, vẫn do ngân hàng quản lý, quan hệ của ngân hàng với người vay vẫn y nguyên. Trước pháp luật, người vay và ngân hàng vẫn chịu trách nhiệm về khoản nợ liên quan.
Tuy nhiên không phải ai cũng thích vay tiền để tiêu. VAMC cho vay năm năm, mỗi năm ngân hàng phải trả 20% số vay. Thu được 100 đồng nợ, ngân hàng phải trả cho VAMC 40 đồng. Còn không thu được nợ, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro và cứ 100 đồng trích dự phòng, phải trả cho VAMC 40 đồng. Kiểu được vay mượn tiền này “đắng” lắm. Có ý kiến lo ngại rằng chắc gì VAMC sẽ mua được nợ, chắc gì các ngân hàng chịu mang nợ đến bán cho VAMC. Lo ngại thế cũng không thừa, nên trong các quy định pháp lý về VAMC mới có thêm câu: các tổ chức tín dụng có nợ xấu từ 3% trở lên, thì mức trên 3% phải bắt buộc bán cho VAMC.
VAMC có mua nợ mãi?
Trong tài liệu gửi các đại biểu Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết toàn hệ thống đã cơ cấu được 284.400 tỉ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu được cơ quan này công bố là 4,6% tổng dư nợ, tương ứng số tuyệt đối 140.000 tỉ đồng nếu căn cứ vào dư nợ hiện hành của tất cả các ngân hàng là 3 triệu tỉ đồng. Nếu tính cả nợ đã cơ cấu, con số nợ xấu tới 420.000 tỉ đồng.
VAMC không thể nào mua hết số nợ khổng lồ như vậy. Trả lời Quốc hội, người đứng đầu ngành ngân hàng nói năm nay VAMC có khả năng xử lý được 40.000-80.000 tỉ đồng nợ xấu. Con số nợ VAMC xử lý năm sau chưa biết bao nhiêu.
VAMC cũng không thể mua nợ mãi. Nếu nền kinh tế không phục hồi, tăng trưởng GDP không tốt lên, thì nợ xấu không có cách gì giải quyết căn bản được. Có thể hình dung VAMC là một cánh tay khỏe, cơ bắp, chung sức đẩy cỗ xe GDP trong lúc khó khăn. Nếu xe chạy không nói làm gì. Song nếu xe không chạy như mong muốn, liệu điều gì sẽ xảy ra?
Có một kịch bản mà giới quan sát đang băn khoăn: mục đích của VAMC suy cho cùng là rã băng nợ xấu, tạo điều kiện để ngân hàng cho vay. Bằng các biện pháp, kể cả hành chính, như Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng phải đạt chỉ tiêu tín dụng 12% của năm nay, và thị trường như tạo vốn rẻ thông qua lãi suất thấp, Nhà nước đang thúc ép tăng trưởng. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ doanh nghiệp có hấp thụ được vốn không. Tiền đây, lãi suất thấp đây, nhưng doanh nghiệp không biết vay để làm gì, vì càng sản xuất càng lỗ và bán hàng không có người mua.
Những đồng tiền ít rủi ro
VAMC là giải pháp tiền tệ, nó không phải là giải pháp tăng trưởng. Giải pháp tăng trưởng là đầu tư công, thuế má, cải cách doanh nghiệp quốc doanh… Dư luận đang phân vân mở rộng đầu tư công có khiến lạm phát quay trở lại. Hơn nữa tiền đâu tăng đầu tư công khi thu ngân sách sáu tháng đầu năm đang ở mức thấp nhất so với dự toán nhiều năm nay. Bộ Tài chính đang lo “vỡ túi tiền” quốc gia, trong khi chính sách miễn giảm thuế mới chỉ là tính toán trên giấy tờ, chứ doanh nghiệp chưa hưởng được là mấy.
Xuất phát từ đây, VAMC là phép thử mang tính nặng nề hơn nhiều so với mường tượng ban đầu. Từ trước đến nay, người ta vẫn nghĩ giải quyết được nợ xấu, ngân hàng sẽ cho vay, tín dụng sẽ tăng, nền kinh tế sẽ cải thiện. Bây giờ mới vỡ ra tiền rẻ, vốn rẻ chưa chắc tháo gỡ được mọi khó khăn. Phải có cơ chế kích thích tiêu dùng và xây dựng niềm tin để người ta tiêu dùng. Cái này xem ra VAMC không gánh vác được.
Khoan nói đến việc để xử lý nợ xấu qua VAMC, dù có đong đo giá trị và thời lượng, Nhà nước vẫn phải đưa tiền ra, liệu việc này có “nâng đỡ” lạm phát? Sự thành bại của VAMC không chỉ phụ thuộc vào Nhà nước, mà còn vào chính các ngân hàng. Để lại đống nợ sau lưng, các ngân hàng có rút kinh nghiệm, có thận trọng hơn với những đồng tiền cho vay mới? Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đặt câu hỏi: “Lấy gì đảm bảo những phần trăm tăng trưởng tín dụng tới đây của các ngân hàng sẽ không có nợ xấu?”. Nợ xấu cũ chưa giải quyết hết, nhưng nguy cơ nợ xấu mới xuất hiện không phải không có. Trong trường hợp không thẩm định kỹ dự án, kiểm soát đường đi của đồng vốn cho vay, lựa chọn khách hàng, thì dư nợ mới sẽ là một yếu tố cấu thành của một chu kỳ nợ xấu mới.
Hiện tại với bộ máy nhân sự đã có, cả xã hội đang chờ thời điểm VAMC triển khai mua nợ. Trong nhân sự của VAMC, có những người từng nhiều năm chuyên về thanh tra, giám sát; có lãnh đạo các ngân hàng đã từng trực tiếp xử lý nợ. Với kinh nghiệm thực tế họ đã trải qua, có lẽ VAMC sẽ không quá nhọc nhằn khi định giá một khoản nợ. Quan trọng là người bán sẽ sử dụng tiền có được từ bán nợ ra sao cho hiệu quả. Cái này, thêm một lần nữa, ngoài tầm với của VAMC.
Hải Lý