Dù trong thời đại văn minh hiện tại, nhiều cộng đồng ở những nơi hẻo lánh của Nigeria (Tây Phi) vẫn còn thực hành hủ tục sát hại trẻ sinh đôi. Người ta tin chúng không phải con người mà là quỷ dữ, sẽ trở thành kẻ giết cha mẹ, hủy hoại cộng đồng.
Trong căn phòng dành nuôi trẻ sơ sinh sinh đôi tại Abuja, thủ đô Nigeria, Nhà Vine Heritage, tiếng khóc của 30 (hoặc hơn) đứa trẻ lấp đầy mọi ngóc ngách. Steven Olusola cùng với vợ, bà Chinwe, cẩn thận kiểm tra mỗi chiếc nôi, xem có bé nào bị bệnh. “Chúng thường đau ốm vì không được bú sữa mẹ. Ngôi nhà này là nơi cưu mang chúng, những đứa trẻ may mắn được cứu thoát từ các vùng xa xôi nhất của Nigeria”.
Rất ít người Nigeria hiện nay nhận ra hủ tục giết trẻ sinh đôi vẫn tiếp tục. Theo Dioka Bridget, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Igbo, Đại học Nigeria, tập quán này chỉ được thực hiện trong bí mật. Năm 1996, Chinwe Olusola nghe đồn có trẻ em bị hiến tế để cầu mùa màng tươi tốt.
“Tôi cầu xin họ đừng giết đứa bé và họ cho phép tôi mang nó đi”, Chinwe kể. “Nhưng rồi số lượng những đứa trẻ bất hạnh cứ lớn dần. Căn hộ hai phòng ngủ của tôi không thể đủ chỗ. Trách nhiệm chăm sóc bọn trẻ cũng đè bẹp tôi, buộc tôi phải bỏ việc giảng dạy tại Đại học Abuja”.
Theo vợ chồng Olusola, việc giết hại trẻ sơ sinh, thường là các cặp sinh đôi, vẫn tồn tại trong bộ tộc Bassa Komo. Quan niệm cổ hủ của họ cho rằng trẻ sinh đôi là “quỷ hút máu”, “mang số mệnh giết cha, mẹ hoặc cả hai”. Rất khó để thuyết phục cha mẹ có con sinh đôi chống đối hủ tục, cái đã được thực hành hàng trăm năm qua.
Thuyết phục pháp sư, người có quyền thi hành hủ tục lại càng khó hơn. Mỗi khi biết làng nào có bà mẹ đang cho con bú qua đời hoặc cặp song sinh bị kết án, “chúng tôi theo dõi chặt chẽ, tiến hành thương thảo với tộc trưởng. Thấy họ dao động, chúng tôi liền hứa sau này sẽ trả lại đứa trẻ”, Olusola kể.
“Đôi khi, dù đã cầu xin, nói chuyện phải trái, cả đe dọa, cộng đồng vẫn không trao đứa trẻ. Chúng tôi biết số phận đứa bé ấy đã kết thúc. Một số bé còn chết trên đường đến Vine Heritage. Nhiều khi cả vài tuần không trẻ sơ sinh nào được đưa đến nhưng, cũng có lúc 7 đứa được nhận vào chỉ trong một tuần. Hiện nay, Vine Heritage đang chăm sóc cho 116 trẻ em”.
Cách Abuja nhộn nhịp một giờ xe là ngôi làng xinh đẹp Ubo Saidu của một bộ lạc thuộc bộ tộc Bassa Komo. Trên bầu trời, đám sẻ lông xám quét cánh qua đồng ngô xanh dịu. Khói bếp lan vào chiều. “Mảnh đất này nếu chỉ nhìn từ bên ngoài luôn hết sức bình yên”, một cư dân địa phương dấu tên bộc bạch.
“Nhưng tín ngưỡng của chúng tôi lại tin trẻ song sinh không phải là con người. Chúng chỉ là mối nguy hại. Tổ tiên truyền lại, trẻ sinh đôi có quyền năng kỳ lạ. Chúng giống như thần thánh hoặc ác quỷ giữa loài người. Ngay khi chúng chào đời, cả làng được cảnh báo một mối hiểm họa đang tới, một thứ quái ác vừa được đầu thai”.
Theo tục lệ, khi một cặp song sinh chào đời, pháp sư sẽ đọc thần chú, bỏ bùa, sau đó cho chúng uống loại chất lỏng bí ẩn được chuẩn bị sẵn. Ông ta nói đó là nước thánh, có tác dụng giữ linh hồn của đứa trẻ ở lại với người nhà, còn cái chết là do các vị thần quyết định. Sự thật, thứ nước đó là thuốc độc. Đôi khi, ngay các bà mẹ sinh đôi cũng bị coi là ô uế, vì đã sinh ra “quái vật”.
“Cộng đồng tôi tin cặp song sinh rất mạnh”, một thanh niên của bộ tộc Bassa Komo cho biết. “Sức mạnh của chúng vượt qua cả pháp sư, tộc trưởng. Vì thế, các pháp sư không ngần ngại giết chúng còn các tộc trưởng thì đồng tình tiếp tay. Tin vào điều này là điều rất lạ nhưng chúng tôi đã luôn sống với nó hàng trăm năm qua”.
Năm 2013, chính phủ Nigeria mở cuộc điều tra. Xác nhận trẻ sinh đôi vẫn đang bị giết, Cơ quan Định hướng Quốc gia Nigeria (National Orientation Agency) lập tức lên và thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức, nâng cao hiểu biết về quyền trẻ em và chấm dứt thực hành hủ tục. Đã có ngôi làng dành nhiều điều kiện chăm sóc tốt cho trẻ em sinh đôi. Đáng tiếc là chiến dịch bị bỏ ngang do thiếu ngân quỹ.
Josephine Alumanah, giáo sư Đại học Nigeria, cho rằng vẫn phải cần nhiều thời gian hơn nữa. “Vấn đề nằm ở chỗ pháp luật không hề có tác dụng. Bạn không thể bắt người khác thay đổi phong tục hàng trăm năm chỉ trong vòng vài tuần”.