Với sự hợp tác của nhà nhân học hình ảnh Catherine de Clippel và chuyên gia thiết kế trưng bày và đồ họa Patrick Hoarau, 27 hiện vật, 63 bức ảnh, năm phim video cùng hệ thống các bài viết đã mang tới cho công chúng một nét sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo của người Mali (Tây Phi). Các mặt nạ, vật thờ và các hình ảnh thực về lễ hội, thợ săn, thầy phù thủy… được lựa chọn để khắc họa những nghi lễ quan trọng trong chu kỳ đời người của nam giới Bamana. Các hình thức hội kín và sinh hoạt tôn giáo của họ, đặc biệt là nghi lễ thành đinh và nghi lễ gia nhập hội kín để tăng cường vị thế, quyền lực của mỗi người… Ntomo và Korè là những nghi lễ thành đinh tập thể, tất cả nam giới Bamana đều phải trải qua để được coi là trưởng thành. Trong lễ thành đinh, mỗi người thụ lễ được nhập một vai, thể hiện qua chiếc mặt nạ động vật (khỉ, linh cẩu, sư tử, chó, ngựa…). Các mặt nạ này là những vật thiêng, chỉ thợ rèn mới được tạc và chỉ những người thụ lễ mới được đeo và biểu diễn với mặt nạ. Điều đặc biệt là tất cả các mặt nạ ở nghi lễ này đều không có miệng – điều này ngầm có ý rằng, trở thành người lớn thì “lời ăn tiếng nói” phải được hết sức coi trọng, không thể phát ngôn bừa bãi như trẻ nhỏ. Các hội kín như Ciwara, Komo, Kono, Manan, Nya, Nankon cũng như các phường săn là những hội mà đàn ông Bamara tự nguyện gia nhập để tăng cường quyền lực xã hội. Các đệ tử phải theo học một thầy – vừa là thầy cúng, thầy bói, người nắm giữ các tri thức bí ẩn, tạo và nuôi dưỡng các vật thờ điều khiển quyền lực (boliw). Các hội này tạo thành những mạng lưới liên làng. Lễ thành đinh và nghi lễ gia nhập hội kín là những nét văn hóa đầy huyền bí và đặc sắc của người châu Phi mà đến giờ vẫn còn được người dân lưu giữ và thực hành ở nhiều nơi, tuy rằng nó không còn mang nhiều tính thiêng như xưa nữa.
Mặt nạ Ngon đi trước để báo tin sự xuất hiện của các mặt nạ mãnh thú trong lễ hội Kono
Người chủ lễ
Cũng cần nói thêm về tác giả của cuộc trưng bày độc đáo này. Những hình ảnh được trưng bày và các video ở triển lãm do chính Catherine de Clippel thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước, do vậy, nó mang đến người xem sự huyền bí gần như nguyên vẹn trong văn hóa truyền thống của người bản địa. Catherine cũng là nhiếp ảnh gia, đạo diễn và là nhà sản xuất phim tài liệu. Bà làm việc chủ yếu ở Tây Phi và đã quay rất nhiều phim về nghi lễ tâm linh ở châu lục này. Bà đã tổ chức triển lãm ảnh của mình ở Pháp và nhiều nước cũng như hợp tác với các bảo tàng xuất bản nhiều công trình nghiên cứu của mình.