Kỷ niệm chín mươi năm tuổi thọ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1) đã tổ chức triển lãm chuyên đề về ông như “một lời tri ân đối với người nghệ sĩ đã tham gia hai cuộc kháng chiến và dành trọn cuộc đời mình để sáng tạo nghệ thuật” (*). Triển lãm khai mạc ngày 19-4 và sẽ kéo dài suốt một tháng.
Triển lãm giới thiệu với công chúng hơn 60 tác phẩm hội họa, 10 tranh cổ động, khoảng 100 ký họa và bảy tượng, là một phần rất nhỏ trong gia tài nghệ thuật mà vị họa sĩ lão thành đã thực hiện trong suốt cuộc đời nghệ thuật gần bảy mươi năm của ông, khởi đầu từ khi theo học Trường Mỹ thuật Gia Định đầu thập niên 1940.
Dù triển lãm “Họa sĩ Huỳnh Phương Đông – một đời sáng tạo nghệ thuật” cho thấy sự đa dạng trong hoạt động sáng tác không ngừng của ông nhưng thành tựu lớn nhất của lão họa sĩ chính là kho tàng ký họa mà ông đã miệt mài vẽ trong những tháng năm chiến tranh và từ sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước cho đến tận hôm nay. Hình ảnh họa sĩ Huỳnh Phương Đông với xấp giấy trắng, chiếc bút chì hay mẩu chì than luôn sẵn sàng ký họa chân dung, từ những nhân vật nổi tiếng cho tới những con người bình thường đã in đậm dấu ấn nơi những ai từng biết ông.
Họa sĩ cho biết ông đã vẽ tới 20.000 ký họa trong chiến tranh và sau hòa bình, một con số không chỉ cho thấy niềm đam mê vẽ ký họa của ông mà còn thể hiện một sức mạnh tinh thần và lao động nghệ thuật đáng kinh ngạc, đáng kính phục nơi ông. Những ký họa trong chiến tranh được ông gìn giữ cẩn thận trong phòng làm việc của mình và chúng nhiều đến mức choán hết chỗ để kê bàn ghế.
Họa sĩ đã lưu giữ những tác phẩm trực họa đó hết sức trân trọng vì theo ông đó là những kỷ niệm về sự hy sinh, mất mát to lớn của cả một thế hệ: “Những bức ký họa, phác thảo đó vô giá vì chúng được vẽ bằng máu của chúng tôi”.
Năm 2007, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn phối hợp với tổ chức Indochina Arts Partnership (Mỹ) đã ấn hành tập sách song ngữ Anh – Việt với tựa Huỳnh Phương Đông – góc nhìn chiến tranh và hòa bình, qua đó giới thiệu tương đối đầy đủ về cuộc đời và hành trình sáng tác của người họa sĩ – chiến sĩ. Trong tập sách đó, nhà sử học nghệ thuật tiến sĩ Johanna Branson viết: “Có thể nói loại tranh mà ông Đông gắn bó nhất trong suốt cuộc đời nghệ thuật đó là chân dung.
Đến tận bây giờ, ông vẫn không lúc nào rời cây bút chì và mảnh giấy khỏi tay, và mỗi cuộc trò chuyện không chỉ được thực hiện bằng lời, mà bằng tranh và đáp lời cũng bằng tranh. Rất nhiều chân dung ông vẽ trong thời gian chiến tranh đã tạo thành một bộ sưu tập riêng biệt về thể loại này…” và “Các tác phẩm của ông Đông cho thấy ông là người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời mình để khẳng định rằng những sự kiện đáng nhớ mà ông đã trải nghiệm sẽ còn mãi”.
Tại triển lãm “Họa sĩ Huỳnh Phương Đông – một đời sáng tạo nghệ thuật”, có khoảng 40 ký họa trên chiến trường và bộ sưu tập 60 ký họa chân dung nhân vật được vẽ từ năm 1975 đến nay. Bên cạnh đó còn có loạt ký họa những danh thắng châu Âu và Bắc Mỹ mà ông có dịp đến thăm những năm gần đây với sắc màu tươi tắn.
Ngày khai mạc triển lãm còn là ngày tác giả gặp lại những người bạn, đồng đội và những học trò của ông thời họa sĩ Huỳnh Phương Đông phụ trách tiểu ban hội họa của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam (R). Đặc biệt là gallery 333 ở Bangkok (Thái Lan) – mà chủ nhân là nhà sưu tập nổi tiếng Tira Vanichteeranont – đã tài trợ cho triển lãm này. Ông Tira Vanichteeranont hiện sở hữu một khối lượng lớn các ký họa Việt Nam được vẽ trong nhiều thời kỳ: kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn (nghệ danh Huỳnh Phương Đông là tên con trai ông), sinh năm 1925 tại Bình Hòa, Gia Định, nguyên quán ở Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Từ 1940-1945, ông theo học Trường Mỹ thuật Gia Định. Năm 1945, khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra ở Nam bộ, ông trở về Sóc Trăng tham gia cách mạng.
Sau hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Từ 1957-1963, ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1963 ông về lại miền Nam, năm 1971 là trưởng phòng Hội họa Giải phóng, ông vừa đào tạo các lớp họa sĩ trẻ kế thừa vừa tham gia chiến đấu.
Đã có tranh tham dự triển lãm tại các nước Đông Âu từ 1957-1975. Triển lãm tại Cuba năm 1977, tại Ba Lan năm 1986. Các giải thưởng: giải nhất tranh cổ động toàn quốc năm 1975; giải nhất tranh ký họa Côn Đảo và Ba Son tại triển lãm mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1979; huy chương bạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1985; huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990; Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Có tranh trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội…
(*) Lời bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh