Từ tháng 3 vừa qua, việc Việt Nam có nên xin rút đăng cai ASIAD 18 hay không đã trở thành đề tài tranh luận nóng trong công luận. Để có cơ sở ra quyết định quan trọng này, ngày 17-4, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận Việt Nam rút đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019 và sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Sân vận động Mỹ Đình vắng vẻ sau SEA Games 22
Còn nhớ, ngày 7-6-2011, Việt Nam công bố quyết định chạy đua đăng cai ASIAD 18. Đến ngày 8-11-2012, Hà Nội được Hội đồng Olympic châu Á chọn là địa điểm tổ chức sự kiện với số phiếu là 29, bỏ xa đối thủ duy nhất là Surabaya (Indonesia) chỉ được 14 phiếu. ASIAD 18 dự kiến diễn ra vào tháng 11-2019, thu hút khoảng 12 ngàn vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 36 môn thể thao.
Thế nhưng, đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa, đặc biệt là sự khác biệt rất lớn về tính toán tổng mức đầu tư 150 triệu đôla Mỹ cũng như các nguồn kinh phí cụ thể. Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD. Trong khi đó, do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế – xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước rất hạn hẹp chúng ta phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Quyết định xin rút đăng cai ASIAD 18 được dư luận xã hội đồng tình.
Ngay sau khi báo chí quốc tế đăng tin về việc Việt Nam xin rút đăng cai ASIAD, Ủy ban Olympic Malaysia có ý định nhận làm nước chủ nhà ASIAD 18.
Nguyễn Thắng