Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết và đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 ngay tại kỳ họp vào tháng 5 tới nên ngày 14-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về nội dung dự thảo này. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày tài liệu dự thảo, trong đó có nêu: “Khi xây dựng đề án, Bộ dự trù kinh phí 34.275 tỉ đồng, bao gồm thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị ở những trường còn thiếu”.
Một giờ thực hành của học sinh trung học
Tuy nhiên, do bản dự thảo còn sơ sài và nhiều khiếm khuyết nên ngay sau đó, đã nhận được nhiều ý kiến chất vấn từ Chủ tịch Quốc hội đến các chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội. Trong thảo luận, có những ý kiến cho rằng trong đề án chứa đựng toàn khẩu hiệu, thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính khả thi, không giúp nhận diện được hình hài nền giáo dục nước nhà mười năm tới…
Tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14-4 là kết quả hoàn thiện dự thảo lần thứ 3. Tuy nhiên, đến lần này, đề án vẫn không có nội dung dự toán kinh phí, không đưa ra được chi tiết các khoản chi, cho dù trong nội dung có mục “Tổ chức thực hiện đề án”.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét: “Trước hết, kinh phí đề án chưa được Bộ Tài chính thẩm định mà Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đó là một sự khinh suất. Thứ hai, chưa có thẩm định của Bộ Tài chính có nghĩa là Chính phủ chưa có ý kiến tập thể mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngồi bàn việc này thì không biết bàn trên cơ sở nào. Thứ ba, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục được giao trách nhiệm tham mưu cho Quốc hội nhưng không có báo cáo thẩm tra đề án mà lại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, tức là thẩm tra văn bản của chính cơ quan mình thì thật ngược đời. Đúng là Quốc hội chỉ quyết chủ trương đầu tư chứ không quyết đề án cụ thể, nhưng nếu thoát ly nội dung đề án, bỏ qua việc chi tiêu một số tiền lên tới 1,5 tỉ USD như vậy thì Quốc hội dựa vào đâu để ra nghị quyết?”.
Nhà giáo ưu tú – GS-TS Trần Ngọc Vương thì cho rằng cách đặt vấn đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự góp ý trong thực tế chưa tập hợp được kinh nghiệm và tâm huyết của những nhà giáo dục có tiếng nói quan trọng. Bên cạnh đó, phải tổng kết cho được những thành tựu của các nền giáo dục trước đây cũng như những sản phẩm kết tinh của nhiều nền giáo dục mà các thể chế chính trị Việt Nam đã mang lại. Sự tham khảo chương trình của các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ vẫn không hợp lý lắm, nhất là những môn khoa học xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại nội dung dự thảo đề án, đảm bảo chất lượng cần thiết để trình Quốc hội.
Đáng chú ý là tối 20-4, phát biểu trên đài truyền hình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận nhận sai sót về phát ngôn dự chi kinh phí trên 34.000 tỉ đồng cho đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông – Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng lại đề án, tham khảo ý kiến các ngành hữu quan rồi trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Nguyễn Thắng