Chiến dịch “#Metoo” kêu gọi nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng, phanh phui hàng loạt yêu râu xanh tại trường học, công sở, tác động mạnh mẽ lên xã hội tại nhiều nước.
Năm 2006, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Tarana Burke lần đầu tiên lập nhóm Me Too (tôi cũng vậy) với mong ước những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục có thể tâm sự về nỗi đau họ phải chịu đựng.
11 năm sau, từ khóa này trở thành phong trào gây bão mạng và dần lan rộng đến các nước vốn không mấy cởi mở khi nói đến tình dục, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.
Những người phá tan sự im lặng
Tháng 10 năm ngoái, Tarana Burke lướt Twitter và tình cờ phát hiện chiến dịch #Metoo với hàng nghìn chia sẻ từ nạn nhân của bạo hành tình dục. Tất cả thay đổi rất nhiều so với thời điểm cô lập nên nó.
Burke lập nhóm Me Too với giấc mơ một ngày nào đó, nạn nhân của nạn quấy rối tình dục sẽ không chỉ chia sẻ nỗi đau trong câm lặng. Họ dám mạnh dạn lên tiếng chống lại cái xấu mà không phải chịu sự chỉ trích, dè bỉu từ những người vô can và dư luận xã hội.
Sau hơn 11 năm, giấc mơ đó thành hiện thức khi sau bê bối Harvey Weinstein, nữ diễn viên phim Phép thuật Alyssa Milano dùng hashtag #Metoo để kêu gọi mọi người lên tiếng chống lại kẻ tấn công hoặc quấy rối tình dục họ. Chỉ trong một tuần, nó được dùng hơn 12 triệu lần. Hàng triệu người bắt đầu phá vỡ sự im lặng.
Những câu chuyện đau thương lần lượt xuất hiện công khai trên mạng xã hội. Kéo theo đó, hàng loạt gã yêu râu xanh quyền cao chức trọng mất việc.
Phong trào này lên đến đỉnh cao khi tháng 12.2017, tạp chí TIME công bố nhân vật của năm. Danh hiệu này thuộc về The Silence Breakers – những người phá vỡ sự im lặng.
Họ là những nạn nhân đã dũng cảm đứng lên tố cáo nạn quấy rối tình dục, đặc biệt tại nơi làm việc.
Nhân vật trên trang bìa của TIME bao gồm bà Susan Fowler, cựu nhân viên Uber, đã viết blog về chủ nghĩa tình dục tại thung lũng Silicon khiến Giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick từ chức; Isabel Pascual, nữ công nhân bị ông chủ quấy rối, Idama Iwu, người truyền cảm hứng cho hành chục phụ nữ tố cáo hành vi quấy rối tình dục trong tòa nhà chính quyền bang California, Mỹ.
Hai người còn lại thuộc về giới nghệ sĩ – diễn viên Ashley Judd (một trong những người đầu tiên tố cáo nhà sản xuất Weinstein) và ca sĩ Taylor Swift với việc tố cáo một cựu DJ.
Bài phỏng vấn của TIME cũng vinh danh Tarana Burke. 2017 trở thành năm của #Metoo. Lựa chọn của tạp chí danh tiếng này góp phần giúp nạn nhân của nạn quấy rối tình dục hiểu rằng họ không đơn độc và họ hoàn toàn có quyền lên tiếng chống lại kẻ đã tấn công mình.
“Những người im lặng” không còn im lặng
Đến nay, hashtag #Metoo xuất hiện mỗi ngày trên các trang mạng xã hội lớn. Nó phản ánh sự thật của nạn quấy rối tình dục vẫn diễn ra hàng ngày và nạn nhân không ngừng lên tiếng để đấu tranh cho môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.
Chiến dịch khởi xướng ở Mỹ, được hưởng ứng rộng rãi ở các nước phương Tây. Tại thời điểm bắt đầu, nạn nhân ở nhiều nước Á Đông vẫn giữ im lặng bởi lối suy nghĩ đã hằn sâu trong họ cũng như cái nhìn định kiến từ những người xung quanh.
Năm 2005, 5 nhà hoạt động xã hội Trung Quốc xuất hiện tại bến tàu điện ngầm Bắc Kinh, kêu gọi mọi người dũng cảm tố giác hành vi quấy rối tình dục. Đây là một trong những người dám phá vỡ im lặng nhưng tiếng nói của họ nhanh chóng bị dập tắt.
Với chiến dịch #Metoo, nạn nhân lại bắt đầu lên tiếng. Đầu tháng một, Luo Xixi, cựu sinh viên ĐH Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, Trung Quốc, tố cáo thầy giáo hướng dẫn Chen Xiaowu có hành vi cưỡng hiếp cô nhưng không thành.
“Nếu bị quấy rối, chúng ta cần dũng cảm đứng lên và từ chối”, cô kết thúc bài viết của mình.
Tâm sự của Luo Xixi chính thức khởi động phong trào #Metoo ở Trung Quốc. Hàng nghìn sinh viên chia sẻ câu chuyện của họ.
Tại Hàn Quốc, chiến dịch bùng nổ vào tháng một khi công tố viên Seo Ji-hyeon tố cáo trên sóng truyền hình cô từng bị một quan chức Bộ Tư pháp nước này sàm sỡ tại đám tang diễn ra năm 2010.
Vài tuần sau đó, hàng trăm người công khai chuyện buồn của bản thân kèm hashtag #Metoo.
Không dừng lại trên mạng xã hội, ngày 23.3, 193 phụ nữ tổ chức cuộc biểu tình MeToo tại Seoul. Họ liên tục chia sẻ việc bản thân từng bị quấy rối tình dục trong 2018 phút liên tục. Những câu chuyện này được phóng viên AFP Hawon Jung ghi lại và đăng trên Twitter.
Nhật Bản cũng không nằm ngoài chiến dịch #Metoo. Ngay trong tháng 4, Junichi Fukuda – quan chức cấp cao Bộ Tài chính – từ chức vì vướng cáo buộc quấy rối tình dục các nữ phóng viên. Nhiều người sử dụng hashtag này, kêu gọi nạn nhân lên tiếng bảo vệ bản thân, tố cáo những ung nhọt trong cơ quan mình.
Mấy ngày nay, #Metoo cũng xuất hiện trong cộng đồng mạng Việt Nam. Họ hy vọng hashtag đơn giản này chứa sức mạnh to lớn, giúp xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm sức mạnh, lòng dũng cảm cho các nạn nhân, đồng thời bảo vệ người lao động nữ tại môi trường làm việc thiếu trong sạch.
Tại Mỹ, ngay sau khi phong trào #Metoo bùng nổ, ít nhất 9 người danh tiếng bị tố cáo từng có hành vi quấy rối tình dục.
Tại Trung Quốc, Chen Xiaowu bị đuổi việc. Bộ Giáo dục nước này cũng rút danh hiệu Học giả Trường Giang – danh hiệu cao quý dành cho giảng viên đại học – đối với ông này.
Mặc dù xuất hiện muộn, #Metoo tạo ra tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội Hàn Quốc.
Ngôi sao chính trị Ahn Hee-jung, ứng cử viên chức tổng thống, từ chức sau khi bị tố tấn công tình dục thư ký.
Nhà thơ nổi tiếng Ko Un cũng là một trong những người bị tố cáo. Tác phẩm của ông ta bị rút khỏi sách giáo khoa.
Phong trào diễn ra mạnh mẽ trong giới nghệ sĩ. Hàng loạt tên tuổi lớn ngành giải trí như giám đốc nhà hát Lee Youn-taek, diễn viên Choi Il Hwa, đạo diễn Lee Hyun Joo, diễn viên Jo Min Ki, … nằm trong danh sách bị tố cáo trong chiến dịch #Metoo.
– Theo Báo Người đô thị