Thế chiến thứ hai đã kết thúc 73 năm, thế mà Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký kết được hòa ước. Điều kỳ lạ đó là do vụ tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa 2 nước.
Ngọn giáo của Nữ hoàng Catherine II trực chỉ hướng Đông
Vào thế kỷ 17, trong thời kỳ Nữ hoàng Catherine II, bước chân các nhà thám hiểm Nga đã hướng theo mặt trời mọc, chinh phục vùng lạnh lẽo không dấu chân người, tới tận bờ Thái Bình Dương. Họ dễ dàng từ bán đảo Kamchatka vượt biển sang đảo Sumshu cách đó chỉ có 11 dặm, rồi từ đó đi khắp quân đảo Kuril. Họ cưỡng bức người Ainu còn ở dạng bán khai học tiếng Nga, gia nhập quốc tịch Nga. Từ năm 1795, Nữ hoàng Catherine II đày các tội đồ đến Kuril và bắt đầu hoạt động di dân ồ ạt.
Cùng thời gian đó, Nhật Bản cũng khai phá quần đảo Kuril, Năm 1855, Nhật, Nga ký kết “Hiệp định thông thương hữu nghị”, phân chia quần đảo Kuril theo eo biển Iturup: phía Bắc thuộc Nga, phía Nam thuộc Nhật Bản. Phần thuộc Nhật Bản gôm 4 đảo: Iturup, Kunashir, Shikotan và quần đảo Habomai, sau này trở thành “Lãnh thổ phương Bắc”, đảo Sakhalin với diện tích 75.000 km² do 2 bên cùng cai quản.
Để rảnh tay khai phá Hokkaido lúc đó còn hoang vu, năm 1875, Nhật và Nga đã ký kết, Nhật Bản từ bỏ tất cả các chủ quyền ở Sakhalin để đổi lấy việc Nga từ bỏ tất cả các quyền đối với quần đảo Kuril. Nước Nga riệu rã đã đại bại trong cuộc chiến Nga-Nhật (1904-1905), Hạm đội Thái Bình Dương đã bị tiêu diệt.
Năm 1905, theo Hiệp ước Portsmouth ký kết vào cuối cuộc chiến này, Nga đã phải nhường phía Nam đảo Sakhalin cho Nhật Bản. Nhật Bản đã chiếm Nam Sakhalin và toan bộ quân đảo Kuril, sát bán đảo Kamchatka, cục diện này cho đến kết thúc Thế chiến thứ hai không thay đổi.
Các cuộc phân chia phức tạp về quần đảo Kuril qua các thời kỳ đã được thể hiện qua bản đồ:
Gấu Bắc cực đã thắng thế
Cho đến đêm hôm trước của Thế chiến thứ hai, ngoài toàn bộ quần đảo Kuril và Nam Sakhalin, Nhật Bản còn chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, Đài Loan và vùng Mãn Châu rộng lớn của Trung Quốc. Nếu Nhật Bản chịu “yên vị”, chắc các “khổ chủ” khó lòng đòi lại lãnh thổ đã mât. Lòng tham của giới quân phiệt nắm quyền ở Nhật Bản là không đáy. Ngày 7.7.1937, nổ ra “Sự biến Lư Câu Kiều”, Nhật Bản phát động chiến tranh toàn diện với Trung Quốc.
Chỉ trong vòng 4 tháng, Nhật Bản đã chiếm các thành phố lớn Thiên Tân, Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và các vùng Hoa Bắc, Hoa Đông rộng lớn. Thủ đô Trung Quốc lúc đó là Nam Kinh. Trong cuộc chiến, nếu thủ đô bị đánh chiếm, coi như thắng bại đã phân, nhưng chính phủ Trung Quốc đã dời về Trùng Khánh, kiên trì kháng chiến, khiến quân Nhật bị lún sâu, không sao thoát ra được.
Nước Nhật vốn nghèo tài nguyên, để mở đường thu gom vật tư chiến tranh ở Đông Nam Á. Ngày 7.12.1941, Nhật đã ngang nhiện tập kích Trân Châu Cảng thành công, một số máy bay Nhật đã cất cánh từ quần đảo Kuril. Tổng thống Mỹ F. D.Roosevelt bị chủ nghĩa Monroe trói tay, muốn nhảy vào cuộc chiên nhưng khổ nỗi không có lý do xác đáng. Ngay hôm sau, Roosevelt đã trình Quốc hội và được nhất trí thông qua lệnh tuyên chiến với Nhật và sau đó là cả phe Trục. Từ đó, cán cân nghiêng hẳng về phe Đồng minh.
Tuyên bố Cairo năm 1943 gồm nguyên thủ 3 nước Trung, Mỹ, Anh đã không rõ ràng khi đề cập đến quần đảo Kuril mà chỉ nói: “Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khác mà họ đã có được bởi bạo lực và lòng tham”.
Tháng 2.1945, Hiệp định Yalta, với chữ ký của Mỹ, Anh và Liên Xô, cho biết: các nhà lãnh đạo của 3 cường quốc – Liên Xô, Mỹ và Anh – đã đồng ý rằng trong 2 hoặc 3 tháng sau khi Đức đã đầu hàng và chiến tranh ở châu Âu chấm dứt, Liên Xô sẽ tham gia vào cuộc chiến chống lại Nhật Bản về phía Đồng minh với điều kiện: các phần phía Nam của Sakhalin cũng như quần đảo Kuril sẽ được bàn giao cho Liên Xô.
So với Thỏa thuận Yalta, các văn bản của Tuyên bố Potsdam có nhiều mơ hồ liên quan đến các lãnh thổ của Nhật Bản: “Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ phụ thuộc do chúng tôi xác định “.
Ngày 8.8.1945, Liên Xô y hẹn tuyên chiến với Nhật, tiêu diệt quân Quan Đông, giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc và phía Bắc bán đảo Triều Tiên, đồng thời phái hạm đội tiếp quản Nam Sakhalin và toàn bộ quần đảo Kuril. Sau khi hứng chịu 2 quả bom nguyện tử của Mỹ vào các ngày 6.8 và 9.8.1945, ngày 15.8, Nhật hoàng đầu hàng vô điều kiện. Ngày 2.9, phía Đồng Minh gồm Mỹ, Trung, Anh, Xô làm lễ tiếp nhận đầu hang trên tuần dương hạm Missouri cùa Mỹ, Thế chiến thứ hai kết thúc.
Ngày 5.9.1945, quân Nhật trên quần đảo Kuril không chịu giải giáp, quân đội Liên Xô mở chiến dịch đổ bộ, tiêu diệt 17.000 lính Nhật và đó mới là trận chiến cuối cùng trong Thế chiến thứ hai. Năm 1947, Liên Xô sáp nhập quần đảo Kuril vào tỉnh Sakhalin, 16.000 người Nhật trên đảo bị Liên Xô an trí tại vùng Trung Á.
Giật mồi nanh cọp liệu có thành công?
Ngày 8.9.1951, 46 nước tham chiến, trong đó có Nhật, ký kết Hòa ước San Francisco. Theo Hòa ước, Nhật Bản phải từ bỏ tất cả chủ quyền trên quần đảo Kuril, nhưng cũng không công nhận chủ quyền của Liên Xô trên quần đảo này nên Liên Xô đã từ chối ký kết. Nghị quyết của Thượng viện Hoa Kỳ ngày 28.5.1952, phê chuẩn của Hòa ước San Francisco, nói rằng Liên Xô không có chủ quyền tại quần đảo Nam Kuril.
Liên Xô cho rằng theo Hiệp ước Potsdam, mình có chủ quyền với toàn bộ quần đảo Kuril, khỏi cần bàn cãi; Nhật thì cho rằng 4 đảo “Lãnh thổ phương Bắc” là bộ phận nối dài tự nhiên của đảo Hokkaida, không thuộc quần đảo Kuril, cũng chưa bao giờ thuộc về Nga, nên đòi Liên Xô phải trao trả.
Trong vô vàn vụ tranh chấp lãnh thổ, nước nào chiếm đóng là nước đó được ưu thế, kẻ yếu thế muốn thương lượng đòi đất chẳng khác gì bảo hổ lột da; hướng chi là con hổ Liên Xô (cả Nga là kẻ kế thừa) có tham vọng lớn về lãnh thổ, lại được chủ nghỉa Đại Slav (Pan-Slavism) chống lưng. Thế mà điều tưởng như không thể lại suýt có cơ may thực hiện.
Năm 1956, Nhật- Liên Xô hội đàm ký kết hòa ước và khôi phục bang giao, Nhật đòi phải trao trả Lãnh thổ phương Bắc. Liên Xô dưới thời Nikita Khrushev muốn kết thúc cục diện chiến tranh và thu hút vốn Nhật khai phá vùng Siberia xa xôi hẻo lánh, nên đã đồng ý trao 2 đảo Shikotan và quần đảo Habomai nằm trong 4 đảo Nam Kuril, na ná vụ “lãnh thổ đổi hòa bình” sau này giữa Israel và Palestine.
Ở các vòng cuối cùng của cuộc đàm phán, phía Nhật Bản thừa nhận yếu thế về chủ quyền của họ tại Iturup và Kunashir và đồng ý giải quyết theo đề nghị của Liên Xô để đổi lấy một hiệp ước hòa bình, tình thần đó được thể hiện qua bản “Tuyên bố chung Liên Xô-Nhật”, nhưng không có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, người Mỹ đã can thiệp và ngăn chặn thỏa thuận. Hồ sơ giải mật cho thấy Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Fost Dulles đã trực tiếp cảnh báo Nhật Bản rằng việc từ bỏ chủ quyền của Nhật Bản trên các hòn đảo Iturup và Kunashir sẽ dẫn tới việc Mỹ sẽ không trao trả Okinawa cho Nhật Bản.
- Xem thêm: Lịch sử đối đầu giữa CIA và FBI
Mỹ đã khẳng định rằng Hiệp ước hoà bình San Francisco “không xác định chủ quyền của các lanh thổ mà Nhật Bản từ bỏ”, Nhật Bản không có quyền chuyển giao chủ quyền trên vùng lãnh thổ đó. Hòa ước Liên Xô-Nhật đã bị ngăn chặn.
Nếu nhận đảo Shikotan và quần đảo Habomai, đồng nghĩa với việc Nhật vĩnh viễn từ bỏ chủ quyền với 2 đảo lớn Iturup, Kunashir. Liên Xô được tiếng là đã trao trả 1/2 Nam Kuril cho Nhật, nhưng đảo Shikotan và quần đảo Habomai chỉ chiếm 7% tổng diện tích Nam Kuril, lại chẳng có giá trị chiến luợc gì.
Một bên được tiếng, một bên được miếng, kể cũng công bằng, nhưng “miếng” quá nhỏ nên Thủ tưởng Nhật mới nhậm chức Kishi Nobusuke đã đòi cả 2 đảo lớn Iturup, Kunashir, từ chối ký hòa ước, tuy chịu áp lực của Mỹ, nhưng cũng có toan tính riêng của mình. Lập trường này được duy trì suốt các đời thủ tướng tiếp theo.
Năm 1960, Nhật-Mỹ ký thỏa ước phòng vệ chung, Mỹ được quyền đóng quân tại Nhật; Khrushev nổi cơn thịnh nộ, đã thu hồi cam kết trả lại 2 đảo Shikotan và Habomai. Sau đó, suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, vấn đề lãnh thổ bị gác lại.
Ánh sáng cuối đường hầm
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Tổng thống đầu tiên cũng là cuối cùng của Liên Xô Gorbachov để làm dịu khó khăn về kinh tế của Liên Xô, đã bắt tay hợp tác với Nhật Bản, đồng thời công nhận vấn đề Nam Kuril chưa được giải quyết. Năm 2004, một lần nữa, Tổng thống Nga Boris Eltsin đề nghị trao trả 2 đảo Shikotan và Habomai, nhưng Thủ tướng Nhật Tanaka đã từ chối.
Tổng thống Eltsin đã giao cây gậy tiếp sức cho Vladimir Putin theo lập trường cứng rắn. Nam Kuril nằm ở điểm hợp lưu 2 dòng hải lưu nóng và lạnh, tài nguyên cá dồi dào; mùa đông lại không đóng băng, nên đã trở thành cửa ngõ quan trọng từ biển Okhotsk thông ra Thái Bình Dương của Nga, ước nguyện thu hồi lãnh thổ phương Bắc của Nhật càng trở nên xa vời.
Ngày 1.11.2010 người kế nhiên ông Putin, Tổng thống Nga Medvedev, đã lần đầu tiên đến thăm đảo Kunashir và nói rằng ông chỉ đi thăm “lãnh thổ Nga” và đây là “một khu vực quan trọng của đất nước chúng tôi”. Ngày 10.2.2011, nhà lãnh đạo Nga tiếp tục kêu gọi tăng cường triển khai quân sự trên quần đảo Kuril. Khi đưa ra các tuyên bố, Tổng thống Medvedev cho biết hòn đảo là một phần “không thể tách rời” của đất nước và là một khu vực chiến lược của Nga.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ trích tuyên bố của ông Medvedev, gọi đó là hành vi khiêu khích. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan gọi là chuyến thăm này là “đáng tiếc” và sau đó triệu hồi đại sứ của mình tại Moscow.
Lập trường của Nhật được Mỹ đơn thừa nhận, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Philip Crowley trong một cuộc họp báo ngày 2.11.2010 cho biết “Mỹ công nhận chủ quyền của Nhật Bản về các vùng lãnh thổ phương Bắc” và nói thêm Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật áp dụng đối với Lãnh thổ phương Bắc.
Nga chẳng có dấu hiệu gì buông lơi Nam Kuril. Quân đội Nga đồn trú tai đảo Kunashir là Sư đoàn 18 cơ giới hóa. Ngày 19.12.2018, Nga đã xây thêm 4 trại lính mới, bất chấp mọi cuộc thương thuyết còn đang diễn ra. 16.800 người Nga đang sinh sống trên đảo, nếu có một ngày đẹp trời, “4 đảo” được trao trả cho Nhật, họ sẽ giải quyết thế nào số công dân Nga này?
- Xem thêm: Cuộc chiến gián điệp giữa Nga và Bắc Âu
Ngày 18.11, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc quay trở lại định dạng Tuyên bố chung năm 1956 trong đàm phán về hiệp ước hòa bình không có nghĩa là “tự động” chuyển giao lãnh thổ của Nga cho phía Nhật Bản. Moscow và Tokyo sẽ có sự nhượng bộ để không đi ngược lại lợi ích quốc gia của mỗi nước, đã hé lộ ra tia hy vọng giải quyết vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril.
Nam Kuril từ xưa tới nay vẫn được các nhà lãnh đạo Liên Xô coi là “4 hàng không mẫu hạm không chìm“. J.Stalin từng nói: “Đó là chiến lợi phẩm đổi bằng máu của Hồng quân Liên Xô, đừng ai hòng cuớp đoạt”. Nga đang phải gánh chịu lệnh trừng phạt của các nước phương Tây, tổng thống Putin dù muốn giải quyết tranh chấp Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuri phải chịu nhiều áp lực.