Tháng 5 vừa qua, trên những cánh đồng lúa mênh mông của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện chiếc máy bay không người lái (drone) làm nhiệm vụ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Với nhiều lợi ích từ kinh tế và môi trường, máy bay phun thuốc không người lái đang được kỳ vọng sẽ bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong năm 2019.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trạm phun thuốc BVTV tại Tràm Chim, Tam Nông là nơi đầu tiên cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay không người lái. Điều hành trạm là những kỹ sư trẻ tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa, đại diện Trạm phun Tràm Chim cho biết: “Hiện nay nông dân thực hiện 5-6 lần phun thuốc cho mỗi vụ, chi phí thuê mướn lao động trung bình từ 120.000-200.000 đồng/lần/ha. Việc phun thuốc BVTV một cách thủ công không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động mà còn làm tăng chi phí đầu vào, do khó kiểm soát lượng thuốc sử dụng. Mặt khác, lực lượng lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm do chính sách dịch chuyển lao động ra khỏi khu vực nông thôn của nhà nước. Nhiều nông dân phải chấp nhận tình trạng sụt giảm năng suất do không tìm được người phun thuốc kịp thời điểm. Dự kiến trong thời gian tới, tình trạng này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng già hóa dân số và di cư lao động sang khu vực công nghiệp”.
Theo ông Nghĩa, trước tình hình đó, giải pháp thay thế sức lao động trong khâu phun thuốc BVTV trên cây lúa là rất cần thiết.
Trên thế giới, các thiết bị bay không người lái, hoặc máy bay đã được ứng dụng vào nông nghiệp từ rất lâu. Tuy nhiên, do chi phí vận hành khá cao và việc điều khiển phức tạp nên vẫn chưa thể nhân rộng tại Việt Nam.
Hiện nay, trước những bước tiến của khoa học và phong trào ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, nhiều loại thiết bị bay chuyên dùng đã được sản xuất và thử nghiệm thành công.
Vì vậy, nhằm tạo việc làm thu nhập cao cho lực lượng thanh niên tại địa phương, đồng thời chuẩn bị cho xu hướng của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, việc thành lập tổ phun xịt phun thuốc BVTV trên cây lúa bằng drone là một giải pháp phù hợp và khả thi.
So với phun thủ công, máy bay có thời gian phun nhanh hơn 15 lần, tiết kiệm thuốc 30%, tiết kiệm nước 90%, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, hiệu quả phòng trị bệnh vượt trội.
Vốn đầu tư một trạm bay với một máy và 15 pin vào khoảng 500 triệu đồng (khoảng 200 triệu cho máy, 300 triệu cho phụ kiện, nhiên liệu và chi phí vận hành) và cần hai người vận hành.
Giá dịch vụ phun thuốc trên lúa tại Tam Nông hiện nay dao động trong khoảng 200.000-300.000 đồng/ha, tùy vào loại sâu bệnh và địa hình.
Với công suất phun 30ha lúa/một máy/ngày, mỗi tháng trung bình một máy phun được 600ha. Tổng chi phí bao gồm: khấu hao máy, nhân công, di chuyển… khoảng 100.000 đồng/ha.
Như vậy với lợi nhuận ròng ở mức 100.000 đồng/ha, mỗi tháng một drone mang về lợi nhuận khoảng 60.000.000 đồng. Trạm phun Tràm Chim hiện sử dụng máy bay MG-1P của Công ty DJI (Công ty Agras độc quyền phân phối tại Việt Nam).
Về mặt kỹ thuật, máy bay cần được tích hợp phần mềm quản lý cánh đồng, giúp quản lý lịch phun, chế độ phun tối ưu cho từng cánh đồng.
Các thông tin được lưu lại và sử dụng cho lần bay sau, giúp tiết kiệm thời gian và tự động hóa công việc với các cánh đồng diện tích lớn.