Đứng thứ nhì châu Á về sản lượng xuất khẩu nhưng cho đến nay, mật ong Việt Nam phần lớn mới chỉ xuất thô và chưa có thương hiệu nào được quốc tế biết đến.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu N.P.T cho biết: “Nhiều đối tác nước ngoài mua mật ong Việt Nam rồi sau đó tự đóng chai, thay nhãn mác. Các đối tác này giải thích rằng dùng nhãn mác của Việt Nam rất khó vào được siêu thị ở nước ngoài. Sở dĩ mật ong Việt Nam chưa tạo được niềm tin ở thị trường nước ngoài là do chất lượng sản phẩm không đồng nhất và chưa được quản lý chặt chẽ. Sâu xa hơn, người nuôi ong còn thiếu cập nhật kỹ thuật mới, các cơ sở nuôi còn đơn lẻ, manh mún, không tìm được tiếng nói chung về sản phẩm và về giá”.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, muốn bán được mật ong ra nước ngoài thì doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối tốt, nhất là phải có thương hiệu gồm thương hiệu của chính sản phẩm và thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên trong ngành mật ong Việt Nam, rất ít doanh nghiệp đủ lớn để làm được điều này. Ngay cả công ty lớn và hoạt động lâu năm như Công ty Ong mật Đồng Nai cũng mới chỉ có tám điểm bán hàng. Hiện tại, Campuchia, Indonesia, Myanmar đang có nhu cầu mua mật ong của Việt Nam nhưng các đối tác này luôn yêu cầu phải cho nợ tiền.
Tiến sĩ Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Nếu tính về tỷ suất xuất khẩu trong ngành chăn nuôi Việt Nam thì nuôi ong đạt mức cao nhất với khoảng 90% sản lượng. Năm 2015 giá mật ong tăng tới 2.800 USD/tấn và nhiều cơ sở nuôi đua nhau tăng sản lượng. Chỉ một năm sau, giá mật ong xuống còn 1.400 USD/tấn khiến toàn ngành mật ong Việt Nam gặp khó khăn. Khi cung vượt cầu thì người mua càng khó tính hơn. Ước lượng trong hai năm qua đã có khoảng 20% số lô hàng mật ong Việt xuất sang Mỹ bị trả về vì nghi nhiễm Carbendazim.
Hiện nay, người nuôi ong Việt Nam thiếu vốn để cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng; doanh nghiệp thì gặp khó khăn về chi phí kiểm định chất lượng xuất khẩu. Vừa qua, Công ty Ong Hà Nội đầu tư phòng kiểm định trị giá hơn 1 tỉ đồng, nhưng chỉ kiểm nghiệm được 12/24 chỉ tiêu; các chỉ tiêu còn lại phải gửi sang Đức kiểm nghiệm, tốn phí khoảng 1.250 USD/lần lấy mẫu. Năm 2008, Bộ NN&PTNT ban hành quy chuẩn nuôi ong Vietgahp để nâng cao chất lượng mật ong. Ông Trương Anh Tuấn, chủ một trang trại ở Sơn La có 500 thùng ong đang áp dụng quy trình VietGahp cho biết: “Tuân thủ Vietgahp, chi phí tăng trên 30% nhưng mật sạch và có thể xuất khẩu”. Thế nhưng ở thị trường trong nước, ông Anh Tuấn vẫn chưa thấy sản phẩm theo Vietgahp của mình được đánh giá cao so với sản phẩm không theo Vietgahp.
Trên thực tế, với thị trường nội địa những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh mật ong đã đầu tư khá bài bản vào trang trại, chất lượng sản phẩm và cả bao bì, mẫu mã. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ giúp mật ong Việt Nam cạnh tranh tốt với mật ong ngoại nhập. Lý do vẫn là doanh nghiệp không đủ tiền để làm các chiến dịch marketing và hoạt động xây dựng thương hiệu đủ lớn. Hiện trên thế giới, trung bình mỗi người tiêu thụ 700 gram mật ong/năm, còn người Việt Nam mới chỉ tiêu thụ 30-40 gram mật mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tiềm năng thị trường trong nước còn lớn nhưng hoạt động quảng bá còn ít.
Tính từ đầu năm cho đến giữa tháng 9 vừa qua, sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 29.000 tấn, trong đó thị trường EU chiếm 1.469 tấn. Tại thị trường Mỹ, từ năm 2014-2016 mật ong Việt chiếm trên 20% lượng nhập khẩu mật ong nước này. Theo Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam, ngoài thị trường Mỹ, thị trường EU đang hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với hoạt động xuất khẩu mặt hàng trên. Sản lượng mật ong xuất khẩu vào thị trường EU liên tục tăng trong các năm gần đây. Sắp tới đây, khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực sẽ tạo thêm điều kiện giúp doanh nghiệp tăng sản lượng mật ong vào EU. Để nắm bắt được cơ hội đó, ngành nuôi ong cần tăng thêm khả năng cạnh tranh, bắt đầu bằng việc tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi ong.