Chúng ta thường tự bảo rằng lên mạng là cách để kết nối với mọi người, nhưng thật ra mạng xã hội cũng tiêu hao thời gian, năng lượng mà ta có thể dành để giao tiếp xã hội.
Dù “chat” trên mạng và trò chuyện trực tiếp có khác nhau nhưng quỹ thời gian và nguồn năng lượng của chúng ta là hạn chế. Nếu bạn dành một giờ đồng hồ để tương tác với “người không thân” thì cũng có nghĩa là bạn mất đi một giờ có thể dành cho người thân.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Robin Dunbar, giáo sư thuộc khoa Tâm lý thực nghiệm của Đại học Oxford, dường như chúng ta chỉ đủ khả năng làm bạn với 150 người, bao gồm các thành viên trong gia đình. “Giới hạn này là do kích cỡ của tân võ não (neocortex), phần não chịu trách nhiệm về quan hệ xã hội”, tiến sĩ Dunbar nói.
- Xem thêm: Những “người bạn”… bằng kim loại
Hơn nữa, thời gian mà bạn đầu tư vào mối quan hệ sẽ quyết định sức mạnh, sự bền chặt của quan hệ đó. Theo tiến sĩ Dunbar, với năm người bạn thân nhất, chúng ta cần giao tiếp với họ ít nhất một lần mỗi tuần; đối với 15 người bạn thân kế tiếp thì cần ít nhất một lần mỗi tháng; và ít nhất mỗi năm một lần đối với những người “chỉ là bạn”.
Vậy điều gì xảy ra nếu chúng ta có nhiều hơn 150 người, thậm chí hàng ngàn người “bạn” trên mạng? “Đó là một con số vô nghĩa. Chúng ta đang tự lừa dối chính mình,” tiến sĩ Dunbar giải thích.
Mạng xã hội là cách hiệu quả để duy trì tình bạn cũ cũng như giúp chúng ta kết nối với những sự kiện quan trọng của bạn bè, người thân ở xa. Thế nhưng, cùng với niềm vui đó, trang của bạn cũng thường đầy những dòng tít và bình luận từ những người không thân hoặc xa lạ.
Tương tác quá nhiều với người không quen trên mạng xã hội có thể làm chúng ta mất nhiều sức lực. “Mọi người có thể cảm thấy bị thôi thúc và không ngần ngại thể hiện sự xúc phạm (ném đá) trên mạng xã hội bởi vì họ nhận được phản hồi tích cực khi hành xử như vậy”, nhà khoa học thần kinh M.J. Crockett nói.
- Xem thêm: Những tình bạn hữu ích trong cuộc sống
Nhấn nút “like” hay viết “comment” là một cách để bày tỏ quan điểm nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoài đời thật. Ngay cả khi bạn không “unfriend” ai đó sau một cuộc tranh cãi thì hình tượng của họ trong bạn cũng đã khác đi.
“Các mạng xã hội thường tự quảng bá rằng họ có thể giúp tăng cường sự kết nối, nhưng nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những người dành nhiều thời gian lên mạng thật ra còn cô độc hơn”, tiến sĩ Jean Twenge – tác giả quyển “iGen” nói về thế hệ siêu kết nối ngày nay.
Dành quá nhiều thời gian trên mạng cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự với người lớn, thậm chí là với người già. Hội chứng “sợ bị bỏ rơi” (Fear of Missing Out) khiến họ rơi vào vòng lẩn quẩn của sự so sánh và thụ động.
Nguy hiểm hơn, nó có thể làm mọi người chỉ dành thời gian “nuôi” các mối quan hệ trên mạng. Thay gì dành thời gian cho bạn bè, cho người thân trong gia đình, họ bận xem những câu chuyện trên Facebook – chuyện của những người “được gọi là bạn” và gia đình của họ.
Nếu chúng ta không thể giao tiếp thường xuyên thì chất lượng của tình bạn sẽ nhanh chóng giảm sút. “Trong vòng vài tháng mà bạn không gặp người nào đó thì mức độ thân thiết có thể giảm đi một bậc”, tiến sĩ Duncar nói.
- Xem thêm: Vui buồn chuyện “phây”
Sau hết, mạng xã hội không phải là đơn thuốc để chống nhàm chán, lo âu và cô độc mà những người chúng ta yêu mến mới đóng vai trò quan trọng. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy tình bạn tốt rất có ý nghĩa với sức khỏe và sự an vui của chúng ta.
Vì vậy, đừng để cho những người bạn đích thực phải ở quá xa. Dù cho ai đó tỏ ra rất cảm thông với bạn trên Facebook hoặc Skype thì một bờ vai dành cho bạn những lúc khó khăn vẫn tuyệt vời hơn rất nhiều.