Nói về thơ chữ Hán của các cụ ta xưa, có lẽ không ai không nhớ tới bài Cáo tật thị chúng (告 疾 示 衆) của sư Mãn Giác (滿 覺). Hai câu kết của bài thơ ấy là:
Nguyên văn:
莫 謂 春 殘 花 落 盡
庭 前 昨 夜 一 枝 梅
Phiên âm:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch thơ:
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Nhưng mai đây là mai nào, có phải là thứ mai mà bà con miền Nam, nay là đồng bào cả nước ta dùng để chưng Tết hay không? Muốn biết, không thể không tìm hiểu.
Để chắc chắn, vào xem mấy bài thơ có chữ mai (梅) của các nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc ngày xưa, thấy mai họ cũng chẳng khác gì mai trong bài thơ Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác.
Đây là hai câu đầu trong bài Giang mai (江 梅) của Đỗ Phủ sống vào thời Thịnh Đường:
Nguyên văn:
梅 蕊 腊 前 破
梅 花 年 后 多
Phiên âm:
Mai nhị lạp tiền phá
Mai hoa niên hậu đa
Dịch thơ:
Tháng chạp mai hé nhị
Ra giêng mai đầy hoa
Và đây là hai câu đầu trong bài Tặng Lĩnh Thượng mai (赠 岭 上 梅)của Tô Thức, thời Bắc Tống:
Nguyên văn:
梅 花 開 盡 百 花 開
過 盡 行 人 君 不 来
Phiên âm:
Mai hoa khai tận bách hoa khai
Quá tận hành nhân quân bất lai
Dịch thơ:
Hết hồi mai nở, rợp hoa ngàn
Kẻ đến sao chàng chả thấy qua
Tra Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thấy ông chú: mai là thứ cây nở hoa vào đầu xuân, hoa có màu trắng hoặc đỏ. Thứ trắng gọi là lục ngạc mai (綠 萼 梅). Quả lúc chín màu vàng, vị chua, có thể dùng nấu canh hoặc muối. Vì vậy mà Kinh Thư có câu nhược tác hòa canh, nhĩ duy diêm mai (若 作 和 羹, 爾 惟 鹽 梅).
Tra sang Hiện đại Hán ngữ từ hải (现 代 汉 语 词 海), thấy nói mai thuộc mộc, chịu rét, ra hoa vào đầu xuân, có màu hồng, hồng phấn hoặc màu trắng. Quả có hình cầu, vị chua.
Ra hoa vào mùa xuân thì giống như mai chưng Tết của ta. Nhưng màu sắc của hoa, hình thù và công dụng của trái thì không thể là mai chưng Tết ở ta được. Mai chưng Tết của ta cũng có trái nhưng chỉ to như hạt tiêu, lúc chín có màu tím đen, dẹt, chứ không phải hình cầu, nhất là chẳng ai dùng để nấu canh hoặc muối như từ điển của ta và Tàu đã chú.
Tiếp tục tìm hiểu thì biết thêm, thứ mai này có tên khoa học là Prunus mume, tức cây mơ, được trồng ở bên Tàu lẫn bên ta, hoa của nó được người Trung Quốc xưa tôn vinh là tứ quân tử cùng với ba thứ khác là lan, cúc, trúc; năm 1964, được chính phủ Trung Hoa dân quốc Đài Loan chọn làm quốc hoa.
Còn mai mà ta vẫn thường dùng để chưng trong dịp Tết là hoàng mai, tên khoa học là Ochna integerrima.
Tiếc là người viết bài này đã từng có thời gian tưởng nhầm mai trong bài Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác là mai bấy lâu nay dân ta vẫn thường để chưng Tết!