Một đặc trưng của các chợ (nhỏ) ở Sài Gòn và các tỉnh là có nhiều hàng không bán cố định mà theo kiểu “chạy chợ”, nhất là các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng… Điểm đặc biệt là người bán hàng có tài (nói) quảng cáo rất hay, kiểu như đọc thơ, vần điệu hẳn hoi, dí dỏm, hóm hỉnh, đánh vào tâm lý người mua là phụ nữ, trẻ em.
Thử nghe vài câu quảng cáo: “Cô nào chồng bỏ chồng chê/Thử mặc chiếc áo, chồng mê suốt đời”, hay “Màng nhện bồ hóng bà con ơi, nhà cao thì kéo cao, nhà thấp thì kéo thấp, nhà sạch thì mát, bát sạch cơm ngon, chồng thương đi đâu cũng về”, “Quẹo lựa người ơi, mua cho chồng, con quần áo mặc ba ngày tết. Bán mau hết về nghỉ, mốt đi Mỹ”, “Nghêu bự hai muơi ngàn một ký, một ký nghêu bự hai mươi ngàn. Bao mập”… Chợ vui nhộn vì thế. Ra chợ nghe quảng cáo kiểu “sơn đông mãi võ” như thế, người buồn tình, chán đời cũng thấy vui, nhẹ nhõm.
Bức tranh quảng cáo ngày thường hay Chủ nhật đã nhiều sắc màu rồi, vào dịp cuối năm càng rôm rả với các mặt hàng xanh đỏ tím vàng phục vụ nhu cầu tết.
Tại sao đánh vào tâm lý bà nội trợ mua về chồng thương, chồng không bỏ? Mua về nấu cho cả gia đình ăn, hay dụng cụ làm cho nhà cửa sạch sẽ? Là chuyện của phụ nữ chứ không phải nam giới, đặc biệt hơn nữa người rao quảng cáo lại là một đấng mày râu? Phải chăng, đàn ông hiểu tâm lý phụ nữ. Họ biết, phụ nữ ra chợ chỉ cốt cho gia đình có bếp lửa ấm cúng, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất. Người bán hàng là nam giới nên rất rành tâm lý này?
- Xem thêm: Bây giờ thứ gì cũng tiện
Bà nội trợ tần ngần trước một hàng gia dụng. Cần cái chổi quét mạng nhện, thêm cây lau kính mua hai năm trước đã cũ rồi. Chỉ vì nhân tiện đi chợ, nghe quảng cáo hay quá bà ghé lại thôi. Bà cũng muốn chính tay bà mua về cho gia đình, không phải đợi con dâu hay con gái lúc rảnh mới đi siêu thị, dù đã làm cái danh sách dài ngoằng mà vẫn quên thứ này, thứ kia.
Quảng cáo đánh vào tâm lý là có thật, nhất là những quảng cáo sống động, vui mắt, lời nói có duyên. Chưa chắc các quảng cáo trên truyền hình hay trên mạng đã hay hơn ở chợ.
Thử nhìn một anh chàng tay làm miệng nói. Vừa đưa món hàng cho khách này, nói thêm câu vui vẻ anh lại ca ngợi sản phẩm với khách kia. Câu nào cũng làm khách bật cười, dễ khiến vui vẻ móc hầu bao.
Một tâm lý nữa là anh quảng cáo còn biết khen tặng hay tán tỉnh nhẹ nhàng, dí dỏm với khách nữ, khiến các bà, cô xúm vòng tròn chung quanh. Chưa biết họ có mua không, nhưng việc tụ tập là đã kích thích tính hiếu kỳ muôn thuở của con người, càng lúc càng đông.
Một anh chàng quảng cáo bán dao, đủ loại, dao hai lưỡi, tỉa củ, quả thành nhiều hình thù, dao cho người thuận tay trái hay tay phải đều dùng được. Anh còn làm màn biểu diễn tỉa cà rốt, đu đủ.
Thêm những câu quảng cáo cho món dưa ngót, dưa món ngày tết. Đứng xem một hồi, người bê tông cốt thép cũng móc túi ra mua. Cái dao vài chục ngàn, có bao nhiêu đâu, coi như kiểm chứng lời quảng cáo.
- Xem thêm: Mua cái nhớ thương
Mới thấy, tâm lý phụ nữ thích mua đồ dùng phục vụ cho chồng con, dù người lười biếng đến đâu. Cứ mua về, có mà dùng, hay chỉ cho con dâu, con gái cách làm món này, món kia. Tết mà, một cái dao tỉa củ đôi khi đem lại không khí vui nhộn cho gia đình mà không đáng bao tiền. Hay quá đi chớ! Người xưa nói, mồm miệng đỡ tay chân. Người ăn nói có duyên khiến bán hàng mau mắn. Trên truyền hình hay trên mạng đó, nhiều người hái ra tiền từ khoa ăn nói đấy!
Và, ngẫm lại, chủ đề chính của các quảng cáo kiểu này luôn là đề cao giá trị gia đình, vai trò của người vợ, người mẹ mà đôi khi không ai nhận ra hay chú ý trong cái mớ âm thanh hỗn tạp ở chợ. Để, suy cho cùng, hạnh phúc của con người mong muốn đạt được phải chăng tất cả chỉ là hai chữ “mái ấm”?