Nhiều người cho rằng các bà, các cô ngày càng…. dở, bởi thứ gì giờ đây cũng tiện và chính sự tiện nghi đã làm hỏng họ!
Thử ra chợ một vòng đủ thấy. Bà mẹ mua miếng thịt bò rồi nhờ cô bán hàng xắt giùm luôn. Một người đứng cạnh nói, sao không mang về nhà xắt cho sạch, dày mỏng theo ý mình. Bà mẹ chắt lưỡi: “Nhà chẳng có con dao nào ra hồn!”. Hóa ra chỉ bởi tại con dao! Trong khi đó, dao bán ngoài chợ thiếu gì, muốn kiểu nào có kiểu đó.
Tại sao bà mẹ không có một con dao sắc? Đơn giản lắm, chỉ tại… lười!
Nếu ngày trước, nhà nào cũng có một cục đá mài dao để thỉnh thoảng còn liếc con dao cho sắc thì giờ đây, có lẽ đá mài dao đã trở thành vật dụng hiếm trong nhà. Rồi bà mẹ lại biện minh rằng có xắt gì đâu mà cần dao bén, mà con dao bén ngót để trong nhà thấy… ghê!
Trong lúc hưng phấn nói chuyện, bà mẹ kể thêm chuyện con dâu, chúng nó đi làm về mệt quá rồi, sức đâu mà vào bếp nữa. Mẹ nấu gì con ăn nấy, cuối tuần đi ăn tiệm. Thôi kệ, còn son rỗi, cứ cho chúng nó thong thả, mai mốt có con tự khắc biết… làm mẹ!
- Xem thêm: Chỉ tại… “Trần Văn Mua”
Bà mẹ đã nhủ vậy thì không thể trách các cô gái giờ đây đi chợ… thẳng lưng. Nếu ngày xưa, bà ra chợ lựa chọn kỹ càng từng thứ một, mua củ khoai tây cũng xem xét từng vết nhỏ thì các cô cứ ngồi trên xe “hô” người ta bán cho nhiêu đó, nhiêu đó… Ngồi xuống hay cong lưng lựa chọn rất mất thời gian!
Nhiều phụ nữ cho rằng những tiện nghi phục vụ bếp núc ngày càng nhiều, đến mức có lúc người ta ngại nấu, ngại làm vì… thiếu tiện nghi! Muốn sả, ớt, tỏi băm ra chợ là có ngay. Đừng tưởng công đoạn băm các thứ này đơn giản. Công đoạn nhỏ nhất và cần thiết trong chế biến món ăn ấy không phải cô gái nào cũng biết làm và làm khéo đâu!
Các siêu thị giờ đây còn phục vụ phụ nữ đến tận răng. Muốn canh có canh, từ canh bí đỏ đến bắp cải cuốn thịt, khổ qua nhồi thịt, hẹ nấu đậu phụ đến cá kho tộ, lươn xào lăn, cá ướp sẵn gia vị sả, ớt… Cuối tuần đi một vòng, nhặt hết các thứ cho vào xe đẩy rồi về nhà tống hết vào tủ lạnh, khi ăn chỉ cần lấy ra bỏ lên bếp. Ba mươi giây là có ngay cơm canh nóng sốt! Tiện nghi vậy, nhưng mở miệng ra là nhiều người than chẳng biết ăn gì!
Môt bà mẹ truyền kinh nghiệm cho một bà mẹ khác rằng bây giờ khỏi cần nấu lá xông làm chi cho mệt. Cứ ra chỗ xông hơi của Hội Người mù, đủ các loại dược thảo, lại kín hơi, thêm xoa bóp nữa mà không tốn bao nhiêu tiền. Bà phân tích rằng ra chợ mua bó lá xông mất mười ngàn đồng, về nấu tốn ga, lại phải trải chiếu, lấy mền, dọn dẹp xoong nồi lích kích, trong khi đó một lần xông hơi mất có 20 ngàn đồng, thêm tiền massage 30 ngàn đồng nữa là thoải mái vô cùng.
Nghe bà mẹ phân tích như vậy, ai cũng muốn… lười! Nếu còn băn khoăn về khoản vệ sinh sẽ được nghe tiếp lý giải vi khuẩn nào mà sống nổi với nhiệt độ phòng xông ấy. Vả lại, sống mà kiêng cữ quá còn gì là sống, nhìn đâu cũng thấy vi trùng thì đã bị bệnh rồi, bệnh tưởng!
Thật ra, vẫn có hai “trường phái” tranh luận về tiện nghi phục vụ đời sống hiện nay. Nếu có những bà mẹ tân tiến như trên thì cũng có không ít các bà mẹ cho là mình vẫn rất cổ hủ và khăng khăng ôm lấy cái cổ hủ đó. Miếng thịt người ta xắt sao bằng mình đem về nhà rửa sạch sẽ, rồi mới chế biến. Lươn xào lăn họ nêm nếm sao bằng mình. Khổ qua nhồi thịt, chỉ cần chịu khó một chút, với giá tiền ấy được gấp đôi, gấp ba, ăn đến chán thì thôi!
- Xem thêm: Hãy hỏi và tự trả lời!
Chính bởi những suy nghĩ ấy mà các bà mẹ lại tất tả đi chợ, rồi về nhà lui cui trong bếp. Nhưng suy cho cùng, bà vợ khó mà phục vụ chồng con chu đáo, từ món ăn ngon đến trang phục tươm tất để chồng con hãnh diện, không bị bạn bè chê luộm thuộm, lôi thôi trong bối cảnh giờ đây ai cũng chủ trương phải tận hưởng.
Xem ra làm mẹ, làm vợ chẳng bao giờ dễ, nhất là thời mà các bà mẹ phải gánh thêm một việc là nên đấu tranh với chính mình để… lười hay nên cứ theo nếp cũ, tất bật, lam lũ dành mọi ưu tiên cho chồng con.
Tốt nhất, dung hòa hai thứ đó với nhau để thấy đời nhẹ nhàng hơn. Thỉnh thoảng cũng nên lười một chút và cũng không mên quên nắm lá xông cho chồng khi có yêu cầu để không đẩy ổng ra đường chỉ vì một nồi nước xông. Ngoài ấy, dù “quang minh chính đại” mấy cũng có… cạm bẫy tiềm ẩn!