Tôi nhớ những buổi tối mùa đông ở thành phố Nam Định, trên một chỗ đất trống phía sau cửa hàng Hầm – sở dĩ nó được gọi như thế vì cạnh đấy, hồi chiến tranh người ta làm một cái hầm khá to để tránh bom Mỹ – có một cửa hàng mậu dịch quốc doanh chuyên bán nước mắm, xì dầu và hàng thủy sản, nhân viên bán hàng lèo tèo vài người, người đến mua hàng thưa thớt, luôn có một thùng gỗ cũ kỹ với bốn bánh xe, bên trong thùng là một cái nồi to đặt trên bếp than, đó là hàng lục tàu xá.
Cả thành phố Nam Định trong suốt nhiều năm chỉ có một hàng lục tàu xá ấy thôi. Thoạt đầu người bán là một ông già cao gầy, sau đó là một ông già cũng gầy nhưng thấp hơn. Họ giống nhau ở bộ mặt lặng lẽ, nước da săn xạm lại vì củi lửa. Có lúc lại là hai anh em thanh niên, người em đang ở tuổi trưởng thành.
Trước cái thùng gỗ luôn có một cái ghế băng. Thật ra nó là một tấm gỗ dài có gắn hai mảnh gỗ ở hai đầu để dựng đứng được và cao vừa tầm người ngồi. Thêm một cái ghế đẩu nữa. Cũng có khi thêm một cái bàn con và mấy chiếc ghế nhỏ. Những ngày xấu trời luôn có một tấm vải rộng che chênh chếch trên đầu. Những khi có mưa, tấm vải được kéo sát xuống làm thành cái mái giống như những cái mái của bao quán hàng khác, nhưng những khi khô ráo nó được kéo lệch về một bên để chắn gió, tạo thành một không gian riêng.
Khi ngồi vào ghế bên cái thùng gỗ cũ kỹ ấy, người bán sẽ múc ra một bát con chỉ vừa nằm gọn trong lòng bàn tay một thứ nước đặc sánh, vàng ươm. Cái màu vàng ấy ta vẫn thường thấy ở những hạt đậu nằm trong đĩa xôi đậu xanh nhưng nhạt hơn, dịu hơn. Lấy thìa xúc ăn từng tí một. Ăn từ trên xuống, ăn quanh vành bát. Ăn cháo, ăn chè nóng là phải như thế. Xúc vào giữa bát ăn ngay có mà bỏng mồm.
Thoạt đầu là vị ngọt sắc, kéo theo là những vị ngọt dìu dịu, thơm thơm, lẩn khuất đâu đó còn có một chút vị cay nồng. Ăn xong bát con con ấy, mà chỉ nên ăn một bát như thế thôi, thấy ấm cái bụng, người nhẹ lâng lâng. Cũng có thể cho vào bát một cái lòng đỏ trứng gà. Quả trứng gà ta chỉ to hơn hạt mít một tí, lòng đỏ thơm phức, cho vào bát lục tàu xá còn nóng hôi hổi, trộn đều lên, mùi thơm của lòng đỏ trứng quyện với mùi thơm của lục tàu xá, màu của nó sẽ thắm hơn, ăn sẽ thấy ngon hơn, đậm đà hơn.
- Xem thêm: Chè kho ngày tết ở Nam Định
Ngày xưa ăn như thế là quá sang. Một bát lục tàu xá có ba hào, thêm cái lòng đỏ trứng nữa thành năm hào. Đôi khi mớ tiền nhỏ trong túi tôi cũng có thể cho phép ăn thêm trứng, nhưng tôi thích nhìn người bán hàng đập quả trứng vào miệng một cái bát ôtô, khéo léo lấy ra hết lòng trắng trứng, giữ lại cái lòng đỏ trong vỏ trứng. Những buổi tối lạnh trời, đi chơi với người yêu, ghé vào hàng lục tàu xá, tưởng không gì sướng bằng. Có vài ba người bạn, lúc hứng lên, rủ nhau vào ăn cũng thích. Hay là ngồi nhà một mình, đọc xong một quyển sách, bỗng thấy nổi cơn thèm, đạp xe đến ăn, ăn xong lại hì hụi đạp về, cái sướng cứ âm ỉ trong lòng.
Ở Hà Nội, tôi chẳng thấy một cái hàng lục tàu xá nào như thế cả, cũng có vài ba chỗ bán lục tàu xá, nhưng chỉ là một loại chè lẫn trong nhiều thứ chè khác: đỗ đen, sen dừa, thập cẩm… Cũng thứ bột sánh vàng, có nơi người ta lại cho lên một ít nước cốt dừa. Cũng ngon cũng ngọt nhưng dường như nó thiếu một cái gì đó không gọi tên ra được. Có lần tôi gặp trên một con đường ở khu phố cổ một người dắt chiếc xe đạp cà tàng, đằng sau chở một cái thúng, bên trong thúng có một cái xoong nhôm với vài ba cái bát, loại vẫn dùng ăn cơm trong các gia đình, vừa đi anh ta vừa rao: “Lục tàu xá, lục tàu xá đây”. Có hai người đàn bà đi đến. Chắc hẳn họ là những khách ăn quen. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta mở vung xoong và múc cho mỗi người một bát, bên trong trông như cháo đỗ xanh mà bất kỳ gia đình nào cũng nấu được. Nó lổn nhổn những hạt tròn còn nguyên cả vỏ.
Bẵng đi vài năm, hàng lục tàu xá ở cửa hàng Hầm đã biến đi từ lúc nào. Trong một lần về Nam Định ăn tết, tôi chợt thấy trong một ngõ nhỏ của phố Mạc Thị Bưởi có tấm biển làm bằng bìa các tông viết mấy chữ nguệch ngoạc “lục tàu xá”. Cạnh một căn nhà cũ kỹ là gian chái lợp fribô ximăng được làm thêm, bên trong có mấy bộ bàn ghế sơ sài và một bếp lò kiểu cũ. Cảnh hoang sơ trong lòng một con phố cổ lẽ ra mang đến cảm giác dễ chịu nếu không có mùi than tổ ong mới cháy bốc lên nồng nặc. Một bà già chừng sáu lăm tuổi thấy có khách lật đật từ nhà trên chạy xuống. Lục tàu xá vàng ươm nóng hôi hổi được múc vào những cái bát to tướng. Trước đó bà hỏi khách muốn ăn trứng không.
Ông nội bà bán hàng không phải người Hoa nhưng học được món lục tàu xá từ người Hoa và bắt đầu bán từ những năm 1940 trước cửa ga. Cả Nam Định chỉ có mình ông bán. Tôi hơi ngạc nhiên bởi người Hoa vốn là một thành phần cư dân của thành phố này. Nam Định có hẳn một phố Khách hay còn gọi là phố Hoa kiều. Nhiều con phố khác cũng có người Hoa sinh sống. Vậy chẳng lẽ chỉ một mình ông nội của bà bán lục tàu xá độc chiếm thứ đặc sản này. Và có lẽ cũng từ một cơ duyên nào đó. Khi hỏi bà có biết người bán lục tàu xá chỗ cửa hàng Hầm, bà bảo đấy là ông bố bà và anh trai bà. Tôi lại nhớ có một dạo trước cửa xí nghiệp May xuất khẩu, đầu đường Hàn Thuyên cũng có một hàng lục tàu xá. Bà bảo đấy là của người em trai bà.
- Xem thêm: Chè đậu ván cô Bốn T.
Từ “lục” trong món lục tàu xá có nghĩa là “sáu”. Thứ nhất là đậu xanh, thứ hai là đường kính, thứ ba là hạt sen, thứ tư là hạt ý dĩ, thứ năm là hoàng tinh hoặc củ mài hay còn gọi là hoài sơn, thứ sáu là trần bì (vỏ quýt) nhưng có vẻ như bà bán hàng không nhớ ra thành phần ấy. Một chị bạn người gốc Triều Châu bảo với tôi rằng, lục tàu xá chuyển sang âm Hán Việt là “lục đậu sa”, chữ sa có chấm thủy, nghĩa là cát, lục đậu sa là đậu xanh nấu nhuyễn như cát. Không hiểu nghĩa nghe món ăn hơi huyền hoặc, xa lắc xa lơ.
Bát lục tàu xá trong ngõ nhỏ hôm ấy cũng ngọt nhưng nó giống như bài hát ta yêu thích không phải là do người ca sĩ ta mê, ta từng yêu mến hát. Những năm sau, khi về Nam Định tôi vẫn thấy tấm biển nhỏ treo ở đầu ngõ nhưng không đủ hứng thú để đi vào đấy. Giữa phố xá đông nườm nượp trong những ngày giáp tết, chẳng biết có mấy ai để ý đến nó không.