Từ đó đến nay đền không bao giờ vắng khách viếng thăm, cúng tế. Nhất là những ngày từ mùng 9 đến rằm tháng Giêng hằng năm, ngày giỗ của vị công chúa triều Trần.
Cổng vào đền Huyền Trân
Buổi chiều, dãy núi Ngũ Phong nhuốm màu u tịch, nhìn lên chỉ thấy một màu xanh trải rộng trên cao. Như một người bạn Huế từng nói: Với địa hình thoai thoải, đứng trên đỉnh núi sẽ thấy một vùng không gian thoáng đãng, bao la, xa xa là dòng sông Hương lặng lờ trôi dưới chân núi Ngự, tất cả khiến ta có cảm giác lâng lâng thoát tục như lạc vào tiên cảnh. Lời nói đó thực không ngoa, mặt trước khu đền hiện ra với bốn trụ biểu cao vút đã cho chúng tôi đúng cảm giác như vậy. Bước qua bốn trụ biểu ấy, con đường vào đền mở ra với một khoảng sân rộng lót bằng gạch Bát Tràng, hai bên là hồ nước trong xanh tạo nên thế phong thủy: Lưng tựa vào núi Ngũ Phong, phía trước là hồ Trường Xuân soi bóng nhật nguyệt, sơn mạch là hai bức tường thành tả hữu hai bên. Ngôi đền được thiết kế theo kiến trúc đời Trần với một trục thẳng từ cổng vào đến bên trong. Đi hết khoảng sân trước là đến cổng tam quan, bên trong có hai lớp sân lót gạch Bát Tràng nữa mới đến điện thờ chính có ba gian với những bậc thang dẫn lên, ở giữa là một chiếc lư đồng tinh xảo.
Tượng công chúa Huyền Trân
Bước vào điện thờ, du khách sẽ choáng ngợp bởi màu sắc rực rỡ, lộng lẫy của các khảm thờ, bệ thờ và các đồ nội thất. Tất cả đều được chạm khắc những hoa văn, họa tiết tinh vi, đặc biệt là những họa tiết hình rồng uốn lượn, bay bổng. Bức tượng công chúa Huyền Trân đúc bằng đồng nguyên chất do nghệ nhân phường Đúc của Huế tạo thành cao hơn 2,37m trông thật uy nghi, đường bệ. Trên khảm thờ, hai ngọn đèn hai bên lúc nào cũng tỏa sáng trong chiếc lư bằng đồng đen, khói nhang nghi ngút, thơm ngát hương trầm.
Chánh điện
Từ chánh điện, bước ra khuôn viên phía sau, chúng tôi bị thu hút bởi bức tượng ni sư Hương Tràng bằng đá trắng có khuôn mặt hiền từ, tay lần tràng hạt. Tương truyền sau khi từ đất Chiêm trở về, công chúa Huyền Trân đã quy y và có pháp danh là Hương Tràng. Hình ảnh của vị công chúa rực rỡ trong chánh điện và vị ni sư thanh thoát, dịu dàng phía sau đã khiến nhiều khách du man mác ngậm ngùi. Càng bâng khuâng hơn khi đi tiếp hơn hai trăm bậc thang giữa hàng thông xanh lên đỉnh Ngũ Phong để đến với tháp chuông Hòa Bình bên trong có quả chuông đồng nặng 1,5 tấn. Đứng bên tháp chuông, nghĩ đến những buổi sáng, buổi chiều khi tiếng chuông vang lên trong không gian trầm mặc im ắng của núi rừng nơi đây, ai nấy không xúc động. Phía bên phải đền Huyền Trân còn có một tượng Phật Di Lặc bằng đá trắng ngồi giữa thảm hoa cỏ xanh tươi, nụ cười phúc hậu khiến du khách nghe tâm hồn phiêu diêu, thanh thản khi đứng lại ngắm nhìn.
Bậc thang cấp lên đền Trần Nhân Tông
Sau khi viếng đền Huyền Trân, bước lên một bậc thang cấp với hình rồng uốn khúc phía sau, du khách sẽ đến đền thờ Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng, phụ hoàng của công chúa Huyền Trân, cũng là vị tổ của phái Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng. Ở điện thờ này có tượng vua Nhân Tông bằng đồng đỏ cùng các bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của vua. Lại có thiền viện Hương Vân, sơn thần, thủy thần.
Đứng giữa đền Huyền Trân, bên những rặng thông xanh ngắt, sao bên tai cứ văng vẳng điệu Nam Bình của xứ Huế:
- Nước non ngàn dặm ra đi
- Mối tình chi
- Mượn màu son phấn…
Đền Huyền Trân, một trung tâm văn hóa đẹp đẽ chốn núi rừng huyền bí thâm nghiêm, một biểu tượng cho tấm lòng của người dân xứ Huế đối với các bậc tiền nhân có công mở mang bờ cõi xứng đáng là điểm đến cho du khách bốn phương.
Chi Lan