Với loại hình dịch vụ này, du khách yêu thích thiên nhiên hoang dã ngày càng có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn.
VQG Bạch Mã
Sau hơn ba năm đóng cửa để thi công, công trình nâng cấp tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã đã hoàn thành và VQG Bạch Mã cũng đã mở cửa đón khách trở lại với một số dịch vụ như du lịch xem chim, du lịch nghiên cứu, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh… Trong mùa hè này, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đưa ra sản phẩm mới là tuyến du lịch khám phá thiên nhiên ở thung lũng Sinh Tồn – hang Thủy Cung có độ dài 9km. Lộ trình đi của tuyến được thiết kế không trùng lặp với các điểm nhấn là hang Thủy Cung, hang Thung Trẹ, Thung lũng Sinh Tồn, quần thể cây Dầu rái và bãi Tranh. Du khách có thể lựa chọn tour một ngày hoặc tour hai ngày một đêm với những hoạt động thú vị như đi bộ vãn cảnh, khám phá rừng nguyên sinh, khám phá hang động, tắm suối, quan sát động vật, câu cá…
VQG Bidoup – Núi Bà
Cho đến nay, Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc VGG Bidoup – Núi Bà tỉnh Lâm Đồng đã mở cửa đón du khách được hai năm. Điểm đến này được đánh giá là rất thích hợp với sự năng động và yêu thích tìm hiểu thế giới tự nhiên của giới trẻ. Cuối tháng 5-2013 tại Đà Lạt, Ban quản lý VQG Bidoup – Núi Bà đã phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam tổ chức hội thảo với sự tham vấn của các nhà khoa học về việc quy hoạch và phát triển Bảo tàng sinh thái – văn hóa bản địa tại Bidoup – Núi Bà nhằm mục đích bảo tồn, lưu trữ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Dự kiến Bảo tàng sẽ được xây dựng tại chân núi Langbian, do ông K’Plin – Già làng và cộng đồng người Cơ Ho thiết kế ban đầu. Vào tháng 2-2011, với sự hỗ trợ của Dự án JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), một trung tâm du khách và ba tuyến du lịch sinh thái mẫu ở VQG này đã được triển khai. Đó là thác nước Thiên Thai, đỉnh Langbian và đỉnh Bidoup. Ngoài ra, tới đây VQG Bidoup – Núi Bà sẽ có thêm những tuyến du lịch khác như: Tham quan thác Cổng Trời và hồ Suối Vàng, tuyến thác K’Long K’Lanh, chinh phục đỉnh Hòn Giao. VQG Bidoup – Núi Bà tuy đã rất quen thuộc với các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhưng lại là một điểm đến còn mới với nhiều du khách. Để đến đây, du khách có thể tiếp cận qua ba tuyến chính: Tuyến đi qua thị trấn Lạc Dương, tuyến đường 723 nối Đà Lạt – Nha Trang và tuyến Đông Trường Sơn (qua hồ Suối Vàng). Trong đó, tuyến đường 723 Đà Lạt – Nha Trang là hướng thường được các nhà tổ chức du lịch lựa chọn.
Du khách đạp xe chinh phục VQG Lò Gò – Xa Mát
Nằm ở vị trí thuận lợi về mặt địa lý, VQG Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh được coi là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. VQG này nằm dọc theo quốc lộ 22B, cách TP. Hồ Chí Minh 135km và cách thị xã Tây Ninh khoảng 35km. Phía tây VQG được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng với hệ sinh vật học phong phú, phía bắc có Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát. VQG Lò Gò – Xa Mát có hệ động thực vật khá phong phú, đa dạng, cùng với đó là các con suối chạy xuyên rừng, các vùng nước ngập, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông thuận lợi cho du lịch đường sông. Hiện nay VQG Lò Gò – Xa Mát chủ yếu đang phát triển loại hình du lịch về nguồn và du lịch “phượt” cho du khách. Hình thức du lịch dã ngoại về nguồn chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên và các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Còn hình thức tổ chức du lịch “phượt” mang tính chất hoang dã, mạo hiểm thu hút được khá nhiều bạn trẻ. Du khách thường tổ chức thành nhóm để hưởng không khí sinh hoạt trong rừng, tổ chức du lịch trên sông, câu cá, mò chem chép…
Theo chiến lược phát triển du lịch của Ban quản lý VQG Lò Gò – Xa Mát, thời gian tới nơi đây sẽ đa dạng các hình thức du lịch để thu hút khách cũng như nhà đầu tư. Các hình thức du lịch sẽ mang tính chất thân thiện với môi trường như dùng xe bò, xe đạp, thuyền ba lá, đi bộ. Theo đó, các tuyến du lịch sinh thái chính sẽ là: Tuyến du lịch bằng xe đạp tham quan các điểm văn hóa di tích lịch sử; Tuyến du lịch thăm rừng dầu Trà Beng và trảng đất ngập nước Tà Nốt; Tuyến tham quan Bàu Đưng có hoa bằng lăng tái sinh, hoa lan đất, đặc biệt là cây nắp ấm; Tuyến tham quan Bàu Điếc bằng xe bò, tìm hiểu đời sống sinh hoạt văn hóa, sản xuất của đồng bào Khmer…
Trong khoảng năm, mười năm tới, VQG Lò Gò – Xa Mát sẽ tập trung hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng như đường sá, các trạm dừng chân, trạm đón tiếp du khách, các biển báo, khu vệ sinh, đội ngũ hướng dẫn viên. Trước mắt, điểm đến này đang nỗ lực xây dựng các bến ghe, thuyền để phát triển du lịch đường sông, suối, đồng thời xây các trạm quan sát chim để du khách thấy được những điều lý thú khi đến đây.
Cẩm Tú