Dịch bệnh đã chững lại được ít tháng. Những tưởng quê hương mình cũng như mọi nơi, mọi người trên thế giới dần dần có cuộc sống bình thường trở lại. Bỗng nhiên nó tăng tốc… Một kẻ lang thang núi rừng không đụng chạm đến ai như ta mà cũng không “yên” được thế này, hỡi Trời!
Dịch bệnh đang diễn ra là thách thức của tạo hóa đối với loài người, với tư cách một sinh vật. Tôi chưa nhiễm COVID-19. Nhưng không biết khi nào, với tình hình hiện nay ở dương gian. Mặt đất rúng động. Nhân loại khủng hoảng sự sinh tồn. Nước giàu, nước nghèo; xứ sở nông nghiệp hay công nghiệp; gần xích đạo hay xa xích đạo; hải đảo hay lục địa; da trắng hay da màu; có tôn giáo hay không tôn giáo, đều lắc lư, bất an. Nghĩa là đồng loại tôi trên khắp địa cầu cùng chao đảo, dù đất nước tôi có nhẹ hơn nhiều nước khác nhờ khéo chống đỡ.
Giờ, cứ nhấc máy gọi cho ai thì cũng được lời khuyên nhắc ngay trong điện thoại từ Bộ Y tế cho việc phòng giữ sức khỏe và chống lại dịch bệnh. Hàng quán vừa làm ăn vừa cẩn thận với sinh tử. Cô bác nông dân vừa đi mua phân bón vừa giãn tránh gần người lạ. Nhìn thấy cô bác bán bó rau, thau cá ở chốn thanh bình xó núi, xó rừng mà còn thường trực cái khẩu trang trên miệng, chợt cảm nhận về một nỗi lo. Đôi lứa yêu nhau vừa ân ái vừa cảnh giác COVID-19. Chẳng sinh hoạt nào còn bình thường, và chẳng ai còn làm việc tự tại, vui sống an nhiên, kể cả các em thơ.
Nhìn truyền hình thế giới chuyển tải cảnh đốt người la liệt như đốt rác và không đủ củi để đốt người ở Ấn Độ, Nepal mà nghĩ không biết trái đất này có còn là thế giới của loài người, loài thượng đẳng nữa không. Siêu vi rút này vô hình nhưng nó tấn công vào loài người trực tiếp, đồng loạt, và gây thảm kịch nhỡn tiền.
- Xem thêm: Mái nhà trôi dạt
Đến lúc này hầu như không còn quốc gia nào “thoát”. Trong lịch sử xã hội loài người, chưa bao giờ bệnh viện dã chiến mọc lên khắp thế giới như thế này. Chiến tranh thảm khốc thế giới thứ I, thứ II, hay chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ ở các thế kỷ phong kiến trước đó nữa chỉ xảy ra ở từng cặp nước lân bang, thuộc địa, từng vùng, hoặc châu lục là tang thương chứ không vừa tang thương vừa gieo rắc nỗi sợ hãi trong từng sinh phận người trên dương gian như thế này, kể cả nơi hẻo lánh nhất.
Giữa biển dịch đây đó trái tim nhân hậu bừng sáng, tình yêu thương, sự sẻ chia vẫn nở hoa khắp nơi. Những đùm bọc và những bỏ rơi. Những trong sáng và những mưu đồ. Những vô tư và những mặc cả. Thường dân chết. Bác sĩ chết. Tỷ phú chết. Nghệ sĩ chết. Tổng thống, thủ tướng lâm bệnh. Nghĩa là người giàu hay người đang nắm trong tay cả nền y tế cũng chết. Sự “ra đi” nào cũng trong nháy mắt. Các nước kêu than. Các nước hợp tác. Các nước chửi nhau. Lòng nhân ái lên ngôi và lý trí lên ngôi cao hơn. Trí tuệ con người bị giằng xé. Tâm hồn con người bị giằng xé.
Giữa trùng vây dịch bệnh con người vẫn nghĩ về vũ trụ, tạo hóa, tâm linh, thế giới siêu nhiên, và đoàn người vẫn hành hương về với các đền thờ Hindu ở Ấn Độ. Giữa một nền y học tiên tiến của loài người hiện đại ở thế kỷ này và sự dồn ép của dịch bệnh, người ta vẫn thành kính làm lễ cầu nguyện cho người vừa tắt thở ngay trong bệnh viện. Nghĩa là vẫn nhận thấy con người nhỏ bé trước vũ trụ, tạo hóa.
Thảm cảnh diễn ra ở mọi ngóc ngách của xã hội loài người. Hệ thống chính phủ trên toàn thế giới vất vả lèo lái điều khiển xã hội, kinh tế, y tế, bảo vệ sinh mạng cộng đồng mình. Không chỉ những người đã “ra đi”, những con người còn sống sót tròng trành trong cuộc mưu sinh, mất việc làm, đói ăn, đổ vỡ, cùng kéo theo những bi kịch thầm kín về gia đình, bản thân mà không ai có thể chui vào từng sinh phận để mà biết được. Nghĩa là, trước vũ trụ, sinh phận con người là trò chơi có tổng bằng 0.
***
Hẳn loài người ai nấy đều đang thức tỉnh ra nhiều điều trên mặt đất.
Thời sự chủ lưu hàng ngày là dịch bệnh. Nghĩa là thông tin về cái bất hạnh, chứ không phải về hạnh phúc. Là “ngoại giao” thứ chết chóc (ngoại giao vaccine coronavirus, là máy thở, máy tạo ôxy, thiết bị y tế…), tranh thủ cơ hội để gây ảnh hưởng, tạo lợi thế, gài nhau, đưa nhau vào thế phụ thuộc; là nhăm nhe mở rộng lãnh thổ; là dọa nạt, ức hiếp các nước nhỏ, và so kè, hơn thua giữa các đại cường.
Nhân loại đang đặt phẩm giá lên hàng đầu hay của cải ngập mặt, cơ cầu lợi ích vặt tầm thường nhất thời, dù khi khép mắt đều giống như nhau ở thể hữu cơ và chẳng mang thứ gì ra đi.
Trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc với đồng loại đó, tên lửa, phi đạo, tàu chiến, tập trận, duyệt binh… vẫn diễn ra ở nhiều đại dương, từ mặt biển đến trên trời. Cứ như con virus kia bỗng trở thành “con tin” cho những toan tính của loài người hiện đại. Nó cho thấy con người nhỏ nhoi, mong manh, nhưng cũng đầy tham lam, ích kỷ và hung dữ. Nên nhớ, văn minh không phải là sáng chế ra những loại vũ khí siêu đẳng (mục đích của nó nhắm vào chính loài người), hay chinh phục vũ trụ (vì nó chỉ nhằm thỏa mãn lòng tham vô tận) mà phải là sự tăng trưởng nhân tính và sống chan hòa, thuận lành với trời đất. Văn minh cũng không phải là thành tựu gia tăng năng suất lao động và của cải vật chất ngập ngụa cõi người, mà rằng mọi thứ ấy có làm cho loài người an toàn, sống thanh bình hơn và không làm tổn hại đến nhau cũng như hủy diệt không gian sống, thiên nhiên không?
Khả năng “chinh phục” thiên nhiên và khả năng tạo ra của cải vật chất là cực đối khác của cực tăng trưởng nhân tính với tư cách loài có trí tri tốt nhất, mà cực thứ hai mới là thước đo phẩm giá của loài người (so với các loài khác trong thế giới tự nhiên). Nếu ai bảo loài người là chủng loài văn minh, thì hãy nhìn thẳng vào “chân dung” thực chất hiện tại của loài này.
***
Rồi, thì những ngày giỗ ở Ấn Độ, Brazil… sau này cho những người thân đã ra đi vì COVID-19 sẽ nhớ về nó như một nỗi oan cừu, mối hận. Người ta sẽ hận, vì những cái chết hàng loạt ấy không đến vì bom rơi đạn nổ mà từ một loại virus, và không biết virus đó từ đâu mà ra. Triệu triệu cái chết dễ dàng và oan uổng kia giao trách nhiệm lại cho những người còn sống, không phải là công việc của lương tâm nữa mà là việc cứu lấy chủng loài (Homo Sapiens – con người hiện đại). Nó không phải là chuyện giỡn chơi. Nó là thảm kịch nhân loại, tại một giai đoạn lịch sử của loài người. Nó là chuyện sống còn của cả nhân loại. Nó không được phép cho qua. Nó là công việc bình thường của một loài đã tiến hóa, loài duy nhất trên trái đất có nền giáo dục, đặt ra vấn đề đạo lý, và có tôn giáo tín ngưỡng, có tổ chức xã hội toàn loài.
- Xem thêm: Những khung cửa sổ trong cơn đại dịch
Thời điểm này, chống dịch, và cứu người là trước hết, cấp gấp. Ấy là phần ngọn. Nhưng phần sống còn cho lâu dài, là phải nhìn thấy căn nguyên của nó. Loài người đang muốn chinh phục và đặt chân lên thêm nhiều hành tinh xa xôi khác trong Thái dương hệ thì việc tìm ra căn nguyên của chủng virus này nơi mặt đất để cứu nhân loại (và không để tạo ra tiền lệ) dĩ nhiên chẳng khó. Cả xã hội loài người không thể là trò chơi trên chiếc bàn gỗ vài ba mét vuông trong phòng làm việc của dăm ba chính trị gia hay một hai nhóm người nhỏ nào đó ở một hai vùng đất cho những mục đích hay tham vọng vị kỷ nguy hiểm. Nó đang đòi hỏi tính nhân bản, thực hành trí tuệ, và sự chân chính (nếu thật có) của loài người. Nó là câu trả lời cho câu hỏi loài người là loài nhân ái hay man rợ, dũng cảm hay nhu nhược, tài trí hay mông muội, hữu minh hay vô minh, thượng đẳng hay chỉ là một loài thú biến hóa bản năng và không thể lột được cốt chất hoang dã xa xưa.
Câu hỏi về “văn minh” lơ lửng trên đầu nhân loại.
Nhân loại đang đặt phẩm giá lên hàng đầu hay của cải ngập mặt, cơ cầu lợi ích vặt tầm thường nhất thời, dù khi khép mắt đều giống như nhau ở thể hữu cơ và chẳng mang thứ gì ra đi.
Tôi thương chủng loài của tôi làm sao, dù họ ở đâu trên mặt đất này và tôi cũng chưa từng đi đâu khỏi quê hương mình.
Từ rừng hoang thanh vắng an lành tôi bước ra phố thị để rã lòng và ngồi viết những dòng rỗng không này. Nhìn xung quanh, cô bác ai cũng dính khẩu trang trên mặt – hình ảnh mà trước năm 2020, tôi nào có thấy…