Một năm dài mắc kẹt trong thế giới của dịch bệnh và kỳ thị, tôi dự phần vào nhóm người đến từ thế giới thứ ba – kịp rơi xuống hố sâu của sự từ bỏ. Quê hương không muốn họ trở về. Xứ lạ không muốn họ bén chân. Mất quê hương là số phận đặc thù vùng chiến, giờ trở thành sinh mệnh của những dấu chân hết bước qua rồi đặt lại hai vùng biên giới…
Tôi vừa tập một bài giãn cơ trên bãi biển ở Punta de Mita bên bờ Thái Bình Dương của Mexico. Người bảo vệ khu nhà cao cấp hướng ra biển bước ra chào: “Hôm nay cô có tìm thấy chỗ bán cá tôi chỉ chưa?”.
Câu hỏi về một nhu cầu bình thường của đời sống làm tôi kinh ngạc nhìn lại, hôm ấy là ngày cuối cùng của năm 2020. Tôi đã rời khỏi nhà hơn một năm, và mắc kẹt giữa vòng xoáy COVID-19 ở nửa bán cầu xa cách gia đình.
Có những ngày diễn ra chậm chạp, thậm chí dừng lại như thể thời gian vừa chết ngạt. Đó là buổi chiều tôi bước xuống xe bus, và biết thành phố nơi mình cần đến vừa bị quân đội chặn cách ly. Những người xa lạ bị đẩy xuống giữa sa mạc Atacama trong mùa đông, không đường quay lại. Chỉ nhắm mắt lại để chờ sa mạc tan vào không trung và mở mắt ra, đã là 5 tháng sau đó. Tôi thả hành lý xuống một nhà trọ giữa thành phố trống trơn không bóng người, hít khí lạnh vào lồng ngực và nói: Đây sẽ là nhà.
Tôi trồng một cây khoai tây trong chậu đặt ngoài ban công. Nó đến từ củ khoai tây trong đống quà người chủ nhà từ quê đem lên, kịp mọc mầm và không chịu cam tâm tròn trịa yên ngủ. Nhiều buổi chiều nắng đi qua hành lang, mầm cây vươn lên và bấu vào bậu cửa. Khi xếp tay dây leo chạm vào khung gỗ lưng chừng, tôi hàm tính mình đang xây một vương quốc nhỏ trong đầu: để mình không chỉ là thứ sinh vật trần trụi đứng giữa sa mạc không gì bám lại. Một đợt gió lốc mùa đông có thể rập gãy thân và cuốn vào hủy diệt.
Thời gian chậm và đau đớn như vết dao cùn, cứa rất chậm và không ngừng để khiến người kiệt quệ. Một lần say ngủ, tôi thấy mình trôi dạt trong vũ trụ màu đen đặc quánh. Không thể đứng dậy và không thể chạy tới một vùng trời nào khác. Khi tỉnh dậy, tôi đọc một bài báo nói về những con người có giấc mơ giống nhau: khi đại dịch quấn lấy hơi thở của mọi gia đình, sự hoảng loạn không dừng lại là bi kịch cá nhân. Nó trở thành bi kịch tập thể và giống nhau như được nhân bản triệu lần. Tôi chợt nghĩ có bao nhiêu triệu giấc mơ khác chập lại cùng vũ trụ của mình trong cơn bất lực của chất lỏng kín bưng ám ảnh đó.
Tôi chạy bộ.
Nơi đầu tiên tôi chạy qua là một nhóm lều trại bên bờ biển ở thành phố Antofagasta. Hàng ngàn người Peru và Bolivia bị chặn ở biên giới. Họ trở thành loài hoang dại lang thang trong sa mạc. Mất quê hương là số phận đặc thù vùng chiến, giờ trở thành sinh mệnh của những dấu chân hết bước qua rồi đặt lại hai vùng biên giới. Một chàng trai người Peru kể anh làm đầu bếp ngay trên đỉnh đồi (nơi những người khá giả bày biện tiệc cuối tuần bên chai rượu vang sóng sánh Chile và tài hoa ẩm thực Peru). Nhà hàng còn lại vài chiếc cờ rách phất phơ bay vừa hết dịp năm mới nửa năm trước. Thời gian đông lại và ăn mòn những gì ở vị trí cũ. Lều trại nhân lên miết, đầy bãi biển từng một thời tỏa nắng xông xênh mùa nghỉ dưỡng, như loài nấm của sự vô thân.
Vài hôm sau, chúng tôi học về sự trở về nhà trong thần thoại Hy Lạp. Trong truyện, người anh hùng phải vượt qua ngàn dặm biển, quái vật, tiên cá, thần thánh, mưu đồ, để nhìn thấy cánh đồng và mái nhà xưa cũ. Tôi hỏi giáo sư, vậy nếu người anh hùng không thể trở về nhà thì sao. Ông suy nghĩ và nói: “Vậy em định nghĩa ra sao về nhà?”.
Cánh rừng cao su, thường đó là nơi tôi chạy xe đến trong mùa hè ngộp thở. Muỗi mòng vây kín tay chân. Những hàng cây cắt thành nếp thẳng như trên chiếc bánh thẳng thớm khổng lồ. Có mùa cây cao su rụng lá, tôi mắc võng nằm ngủ trưa trong rừng và ăn hết những quả chôm chôm đỏ thắm vừa mua được ở Định Quán khi đi ngang. Đó có thể là một định nghĩa vật lý về nhà, thứ tôi có thể ăn được, cảm thấy trên da, đổ đầy vào ánh mắt.
Con đường dài vô tận đi vào khu công nghiệp, nơi những khối nhà máy xếp cạnh nhau vuông vức, được sinh ra với khao khát khỏa lấp sự thiếu thốn và chậm chạp của một thế giới còn nghèo. Đó là chỗ tôi thả diều, chạy hết một quãng đồi dài hai bên vây quanh là quốc lộ. Diều màu đỏ phất cánh lên cao, kiêu căng như sinh vật có tài.
Vị anh hùng có thể chỉ cần tìm được chỗ thả diều hoặc ngủ trưa. Đó là buổi chiều, tôi nghĩ vậy khi sóng biển mùa đông ở miền bắc Chile đột ngột dâng cao và tràn vào sát công viên bờ biển. Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ chậm chạp khi hết bài tập thể dục. Quy mô của mái nhà nặng nề không thở nổi tan biến sau một nhận thức tầm phào như vậy.
Con mèo hàng xóm của tôi ở làng chài San Carlos ở Panama chắc cũng nghĩ vậy. Nó ghé qua vào buổi chiều muộn, khi tôi vừa hết bữa ăn sau giờ đi lướt sóng. Nó đòi bằng được một phần no bụng rồi lỉnh vào hàng cây xanh mướt dày đặc. Khi gặp nó, tôi đã vượt qua nhiều lần bị chặn, vài lần kiểm tra dịch bệnh ở bệnh viện, một khoảng thời gian cách ly và không còn nhớ bao nhiêu chuyến bay bị trì hoãn.
Rồi tâm thức về mái nhà lan ra, như tay cây khoai tây chậm chạp rờ vào bậu cửa sổ và cuốn quanh chấn song vài tháng trước. Tôi bấu lấy mỗi khu làng, thành phố mình đi qua trong cuộc chiến giành lại tự do di chuyển trước sự ngăn sông cấm chợ. Mỗi khi ý nghĩ quay về trỗi dậy như con sông nước lên, tôi nhắm mắt và trôi dạt vào rừng cây cao su và con đường khu công nghiệp hôi mùi khói thải (thật kỳ quặc, kỷ niệm có thể thực tế và trần trụi như vậy). Rồi tôi trở về với con hẻm nhỏ trong xóm chài có đàn chó vừa chạy qua và gây thương vong cho tôi trong cuộc tấn công lúc chiều loạng choạng.
Bà bác sĩ ngoài trạm y tế nói tiếng Anh rành mạch, trấn an: “Tôi sẽ chích ngừa dại và uốn ván cho cô. Ở đây tất cả chó đều đã được chích ngừa”. Bà vỗ vai rồi dẫn tôi ra khỏi trạm y tế, đưa cho tôi một quả xoài. Thức quà mọc trong làng ở Panama.
Sau vài bận thương tích, tôi bí mật xây một mái nhà trong trí tưởng của mình. Ở đó có dây khoai tây (vẫn tiếp tục lớn lên dù tôi đã chia tay nó), một quả xoài và cô bác sĩ, người bạn cùng nhà và vài chiếc ván chơi lướt sóng, một con mèo đổi màu theo tình huống.
Khi tới Mexico, tôi thêm vào mái nhà những chùm ớt habanero, jalapeño, chipotle xanh đỏ cam đủ màu, thỉnh thoảng với lấy chúng và thả vào nồi súp thơm lừng, cay ập đến như cơn bão bừng đỏ mặt. Một bà hàng ngoài phố cầm cây xương rồng napales, xắt hột lựu, đổ lên chảo thịt bò ướp đậm vừa chín tới. Hôm đó, tôi vừa ăn chiếc tacos vừa nghĩ sẽ trồng một cây xương rồng cạnh cây khoai tây. Dần dần, mùi của ớt đỏ, của thịt bò trên vỉ nướng, mùi lá cỏ thơm lừng và cây xoài bên trạm y tế quết lại thành một, ở sát gần ngăn tủ của khu công nghiệp và cánh rừng cao su.
Một năm dài mắc kẹt trong thế giới của dịch bệnh và kỳ thị, tôi dự phần vào nhóm người đến từ thế giới thứ ba – kịp rơi xuống hố sâu của sự từ bỏ. Quê hương không muốn họ trở về. Xứ lạ không muốn họ bén chân. Nỗi sợ bệnh tật và sự kiệt quệ xô những người ly hương ra lều trại ngoài bãi biển Chile, xô những người lao động mất việc ngủ ngoài cảng cá Panama, xô những người như tôi, cẩn trọng đặt từng chân trên đường biên giới vô hình, tìm mọi cách vượt qua sự kỳ thị và quan liêu, để tiếp tục đi đến nơi cần phải đến khi cả thế giới ngừng chuyển động.
- Xem thêm: Nước Mỹ phân hóa: Không chỉ bởi màu da
Trong chuyến du hành để trở về nhà đó, tôi nhớ giáo sư bảo hãy định nghĩa về ngôi nhà. Tôi xây nó từng phần trong trí tưởng, góp thêm từng vạt nắng, cửa sổ, võng đong đưa, thềm nhà, biển xanh, sóng cuộn vùng vẫy, ớt đỏ thơm tho. Có lần mất hướng và lang thang ngoài bờ biển, tôi gặp lại người nhân viên bảo vệ. Ông sẽ chỉ cho vài sạp bán quà vặt trong làng, than phiền về tụi sứa hôm ấy vây ngoài quãng nước gần bờ. Chú rùa bị dính vào lưới cá vừa được cậu trai trong làng gỡ ra cho bơi đi. Ông dốc ngược chai nước tu ầng ậng trong ánh nắng xuyên vào da thịt, rồi quay trở lại bốt canh gác khu nhà. Hôm đó, tôi dự định thêm chú rùa vào ngôi nhà của mình. Có thêm quãng biển dài nổi sóng như vị thần reo vui.
Tôi đeo ngôi nhà đó trên lưng, đi tiếp thế gian chậm chạp và kỳ ảo. Không phải nhung nhớ và tuyệt vọng. Không khóc và không cô đơn.
Có cả mái nhà đầy kín tim mình.