Trong suốt hàng trăm năm, quảng trường này đã chứng kiến biết bao con chiên ngoan đạo lẫn du khách hiếu kỳ đứng bên dưới dõi theo từng cử động của Giáo hoàng. Qua từng triều đại, khung cảnh này là bất biến, chỉ có những Giáo hoàng là đổi thay. Sự vắng lặng hôm nay ở quảng trường do lệnh phong tỏa cho thấy đại dịch đã thay đổi diện mạo thế giới thế nào.
Quảng trường Thánh Peter thường được ví von là trái tim của nước Ý, nơi người lãnh đạo Tòa thánh Công giáo giao tiếp với tín đồ của mình. “Trái tim” ấy trở nên trống rỗng kể từ ngày COVID-19 cướp đi sinh mạng hàng trăm người Ý.
Việc Đức Giáo hoàng ban phước lành dẫu bên dưới không bóng người, trở thành hành động biểu tượng như muốn khẳng định vẫn còn Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta trong thời khắc cam go, rằng phúc lành của Người vẫn ngự trị dẫu dưới kia là hàng triệu con chiên hay không một ai hết.
Không chỉ đứng bên cửa sổ, cùng một vài vệ sĩ, Giáo hoàng đi trên những con phố đìu hiu của thành Rome như thể thực hiện một cuộc hành hương, băng qua miền luyện ngục mà khi xưa thi hào Dante đã vẽ ra, buộc mỗi con người phải đi qua trước khi đến được Thiên đường.
Giáo hoàng dừng chân ở Nhà thờ Santa Maria Maggiore, sau đó dừng chân ở Nhà thờ San Marcello al Corso, cầu nguyện trước cây thánh giá được sử dụng trong đám rước khi dịch bệnh xảy ra ở Rome năm 1522.
Trong lịch sử lâu đời của mình, thành Rome không ít lần hứng chịu những trận dịch. Ta như còn thấy rõ nỗi kinh hoàng của Cái Chết Đen trong tiểu thuyết Decamerone của văn hào Ý thời Phục hưng – Giovanni Boccaccio: “Có những người tin chắc rằng việc chạy trốn là cách dự phòng tốt nhất, đã bỏ hết nhà cửa, tài sản, cha mẹ, họ hàng, lánh vào các làng quê xung quanh Florence, tưởng chừng như Chúa nổi giận với những sự bất công của chúng ta đã quyết định tiêu diệt toàn thành phố và cơn giận của Người chỉ trút xuống những người ở lại trong phạm vi thành phố. Họ đã nhầm. Nhiều người bị bệnh dịch đuổi theo, và vì họ đã nêu gương trốn chạy thì đến lượt mình, họ lại bị các bạn bè của họ ruồng bỏ, chết một cách thê thảm…”.
Suy cho cùng, những biện pháp đóng cửa chỉ là tạm thời, dịch bệnh có kinh khiếp và dai dẳng thế nào cũng sẽ qua. Đáng sợ nhất là lòng người tự nghi kỵ lẫn nhau, sợ nhất là những khung cửa khép kín cả khi dịch bệnh không còn.
Tự thu mình trong nhà vì nỗi lo sợ dịch bệnh, có những người Ý đứng trên ban công, hòa thanh cùng nhau trong bối cảnh thành phố bị phong tỏa như thể muốn dùng âm nhạc để xoa dịu, động viên. Trước đó, có lẽ họ chỉ là những người hàng xóm xa lạ, bị cuốn theo cuộc sống của mình, mà quên rằng bên cạnh vẫn còn những con người khác giống ta.
Mai này, nếu nhắc đến hình ảnh những chiếc ban công ở Ý, bên cạnh chiếc ban công cổ kính trong ngôi nhà tương truyền là “ngôi nhà của nàng Juliet” sẽ là chiếc ban công, hay khung cửa sổ có những người bình thường vẫn không nguôi hy vọng, cất lên thứ âm nhạc để chiến thắng nỗi sợ.
Hình ảnh Đức Giáo hoàng ban phước trên ban công, hay việc ông đi cầu nguyện dưới phố đã giúp tình cảnh mà ngày xưa Boccaccio chứng kiến không lập lại. Rằng dịch bệnh không phải sự trừng phạt của Thiên Chúa, rằng không ai bị bỏ rơi, rằng hơn lúc nào hết chúng ta cần đoàn kết, yêu thương và tin tưởng lẫn nhau.
Còn nhớ khi đại dịch mới bùng phát, Vũ Hán là thành phố hứng chịu nặng nề nhất, người dân Vũ Hán bị cách ly trong những căn hộ chung cư của mình. Và những “live show” tự phát của các ca sĩ nghiệp dư được hình thành, với sân khấu chính là ban công, cửa sổ, còn khán đài là những tòa nhà đối diện, nơi khán giả cũng đang đứng bên khung cửa sổ của mình reo hò, vỗ tay theo màn trình diễn khó gọi là xuất sắc nhưng ấm áp trong tình cảnh ngặt nghèo.
- Xem thêm: Ba dự báo về dịch bệnh do COVID-19
Bằng cách đó, những khung cửa sổ bình thường nay đối với những người đang bị cách ly trở nên quý giá, chỉ cần đêm đến, vẫn còn thấy khung cửa số sáng đèn, là biết đồng loại còn bình an, là biết mình vẫn không đơn độc chống chọi lại dịch bệnh.
Khung cửa sổ của Đức Giáo hoàng. Khung cửa sổ của những người dân thường. Hôm nay đã mở toang như một biểu tượng. Rằng lòng người vẫn rộng mở mặc cho những thành phố bị phong tỏa, mặc cho dịch bệnh vẫn không ngừng gieo rắc nỗi sợ hãi. Suy cho cùng, những biện pháp đóng cửa chỉ là tạm thời, dịch bệnh có kinh khiếp và dai dẳng thế nào cũng sẽ qua. Đáng sợ nhất là lòng người tự nghi kỵ lẫn nhau, sợ nhất là những khung cửa khép kín cả khi dịch bệnh không còn.