“Con dâu chị thế nào?”. “Ừ, thì cháu ngoan, không cãi lại. Cháu biết chăm con nó là được rồi. Không mong gì hơn”… Lời khen bây giờ không còn chữ đảm đang hay nết na nữa. Khen bây giờ là biết lo toan cho gia đình mình là giỏi lắm rồi.
- Xem thêm: Chọn dâu sâu mắt!
Cô út đang học đại học cũng rất oai, chứ không như đám bạn chỉ biết đòi cha mẹ gửi tiền, vui chơi du hí tiêu hết cả tiền học, nhà trường đòi lên đòi xuống, gửi cả giấy về gia đình. Cô út có tướng làm lãnh đạo, kỳ nào cũng trúng bí thư đoàn khoa, có lúc đoàn trường. Tổ chức đi dã ngoại, làm từ thiện, văn nghệ lẫn thể thao đều rất giỏi. Nếu theo khoa học giáo dục của Mỹ thì cô út này “trên cả tốt”.
Trường Harvard nổi tiếng thế giới có lần đã đánh trượt những người điểm cao để lấy những người có thành tích thể thao, hoạt động xã hội, có huy chương, đi làm từ thiện… Lý lẽ đưa ra là những người này có chỉ số EQ cao, tức là trí tuệ cảm xúc tốt, có sự tinh thông về mặt xã hội, hiểu biết tình cảm con người, và đó mới là yếu tố giúp thành công.
Đó là những lời giới thiệu đầy tự hào của bác tôi về cô con gái út. Nhưng dường như lý lẽ của bà không được bạn bè của bà chấp nhận, vì họ biết bà phải hầu cô con gái gần chết. Phòng ngủ của cô này phải nói là có thể giật chức vô địch về sự bừa bộn. Quần áo lót giăng mắc trên thành ghế, đồ đạc sách vở, ly tách ngổn ngang. Cô lấy lý do quá bận rộn nên chẳng bao giờ có đủ thời gian để dọn dẹp.
Thỉnh thoảng mẹ cô vào phòng cũng chỉ dám thu dọn tạm tạm, lấy đi đồ dơ và rác, chứ không dám đụng vào các thứ khác, vì nếu đụng vào cô nàng sẽ la lên “Ai vào phòng làm lung tung lộn xộn hết cả”. Thời gian của cô để dành lên Facebook, nghe nhạc, lướt web và các trò chơi. Có khi bận thiết kế các chương trình, đi gặp gỡ trao đổi người nọ người kia. Không thấy cô rảnh lúc nào. Có khi phải vừa đi vừa nhai bánh mì…
Nhiều người nhìn ngắm cô con gái “niềm tự hào” của mẹ cô và trộm nghĩ: “Vô phúc cho anh nào vớ phải của nợ này về làm vợ!”. Có bà rùng mình nghĩ: “Cầu cho con trai mình đừng rước cái của nợ này về. Của nợ không biết làm vợ làm mẹ, không bao giờ để ý hy sinh gì cho người thân yêu. Của nợ này được đào tạo ra để “đi làm cách mạng cứu thế giới” ở đâu ấy, chứ không cứu gì cho gia đình”. Ấy mà đùng một cái, cô lấy được anh chồng “xịn” chiều chuộng cô hết mức. Vì lấy cô vợ như thế nên anh chồng phải “đổi ngôi” làm lụng mọi việc.
- Xem thêm: Thích làm… con Cám
Vấn đề là mọi việc ổn thỏa êm đẹp thì tốt thôi, chẳng ai còn tư tưởng phong kiến bắt bẻ theo lề thói cả. Mỗi gia đình sẽ tự tìm ra cách để tồn tại phù hợp, miễn bàn. Nhưng từ chuyện nhà bác tôi mà các bạn tôi đâm ra tranh luận quyết liệt.
Người thì nói bây giờ không thể kiếm ra cô dâu theo đúng ý nghĩa nữa rồi. Cô dâu bây giờ nghĩ đến cá nhân mình nhiều hơn nên sự hy sinh của người mẹ cho thế hệ sau là sút giảm. Làm gì còn lo lắng cho thế hệ già, người già phải tự lo. Còn ý kiến khác thì nói: “Ai tạo ra các cô dâu như thế? Lò nào đào tạo thế hệ nàng dâu mới ấy?”. Đó chính là ở trong các gia đình, chúng ta đang nuôi dạy các cô con gái. Mỗi gia đình đều đang đào tạo ra các cô con dâu, con rể tương lai. Vì vậy luật nhân quả phải được áp dụng ở đây. Gieo gì gặt nấy.