Khắp nơi, ngoài các mùa dành cho nông sản, ông trời cũng chịu khó sinh mỗi mùa đặc thù cho từng nhóm sinh vật, để chúng nó… xôn xao.
Nếu đối với học trò Pháp “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…” khiến lòng trẻ nao nao nhớ buổi tựu trường, thì đối với phụ nữ, hằng năm cứ vào đầu hè, nắng ngoài đường rực rỡ là lòng họ hăng hái, năng nổ góp phần phát triển kỹ nghệ thời trang.
Không như Mỹ xôn xao cả năm, Pháp chỉ hạ – đông nhị kỳ, cuối tháng 6 và đầu tháng 1 là mùa dành cho dân ưa diện nhưng chờ giá ngọt. Mấy năm nay nhiều tiệm giữa tháng 6 đã bắt đầu. Và từ tháng 5 họ đã gửi mail dụ dỗ rằng mình là khách hàng đặc biệt, họ đang dành cho mình những món hàng đặc biệt với giá cả đặc biệt và bán vào thời điểm đặc biệt khiến mình mềm tai tưởng được ưu ái đặc biệt, nên dù gì cũng dành một ngày đặc biệt, đi lùng.
Mại dzô!
Thành phố Troyes cách Paris gần 150km về hướng đông, ngoài nhiều ngôi nhà thời Trung cổ được coi là đẹp nhất nước Pháp, có một khu bao la gồm 250 cửa hàng các hiệu lớn nhỏ dành cho mọi lứa tuổi mọi giới tính, đón tiếp hằng năm khoảng 3 triệu khách. Bình thường nơi đây đã bán rẻ hơn Paris những 30%, mùa xôn có khi xuống đến 80% nên nhiều gia đình hai ba thế hệ cùng đi tha hồ hỉ hả, bận quần áo xịn mà rẻ, đến nỗi nhiều người đã mua ở đây vài lần thì không sắm ở Paris được nữa, xót ruột.
Không biết “giặc đến nhà đàn bà phải đánh” hăng hái cỡ nào, chớ đi mua sắm nhất là mua xôn thì đối với họ cực kỳ say mê hấp dẫn. Những ngày đầu mùa xôn ai yếu tim, hen suyễn chớ nên mạo hiểm. Nhiều nơi đề bảng giảm 70% chẳng biết thật không nhưng con số ấy như ma lực hút người. Cái cảnh bà con vào vào ra ra, mặt mày hớt hơ hớt hải lấm lét kiếm tìm, tin chắc cái món mình thích nằm e ấp đâu đó vừa rẻ vừa đẹp… trông cảm động khóc được.
Ai có mê man đời thực vật thì tới ngày xôn cũng… tỉnh, tay xách nách mang cồng kềnh mặt mày hớn hở như bắt được vàng rơi, hăm hở bươn bả hơn mấy nhà khảo cổ đào mồ ruột Kim tự tháp. Vào dịp này ông nào không ham ăn diện thì kiếm chỗ khác chơi, để yên các bà rảo hết hàng nọ qua hàng kia, ngày kia qua ngày nọ cho phỉ chí bình sinh, chớ dại dột đi theo mà hó hé càu nhàu có khi lung lay lâu đài tình ái. Lúc đó niềm hạnh phúc bao la riêng tư của các bà đang lên đồng, họ quên béng chồng con, quên cả túi tiền. Nếu không thế thì kỹ nghệ may mặc vải vóc làm sao mạnh khỏe.
Đồng bệnh
Đàn bà ưa đôi cặp. Riêng đi xôn mà độc hành thì vô duyên như bị người yêu vĩnh biệt chẳng thèm chào.
Cho nên tôi thường đi chung với đứa cháu. Ngộ cái bình thường tới nhà nó thì kiểu gì cũng lạc, đến nỗi nghe điện thoại reng, cháu rể bốc lên chẳng cần alô ai đó gì gì lung tung khởi, mà vào đề luôn “bây giờ cô đang ở đâu”. Ấy thế nhưng đi từ 5 giờ sáng để cùng xôn xao, thì nhắm mắt cũng tới nơi trúng phóc, chẳng phải ma xôn dẫn là gì.
Bươn bả thế là vì xôn hàng hiệu, không bán tại cửa hàng mà tại một “nhà chứa” bao la ngoài Paris. Phải có giấy mời, dặn dò ngày N đó không được mặc quần áo của hiệu. Đứng chờ sụn cẳng từ 6 giờ mà lạ, ai cũng sẵn sàng… chiến đấu. Vượt nhau nửa ngón chân cũng đã kém vui. Tay mọi người lăm lăm quyển sách đọc cho đỡ sốt ruột, đỡ thấy tái tê thuở chờ đợi ôi thời gian rét lắm, nhất là xôn – đông.
Đúng 10 giờ chẳng gõ vừng cũng mở, tuần tự hàng hai tăm tắp như trẻ con vào lớp. Khoảng vài chục người vào thì cái đuôi tạm cắt. Lúc này trông các sư tử Phú Lãng Sa ngoan hiền đáo để, ùy ùy cười ruồi với hy vọng nhân viên chỉ chặn sau lưng mình. Thấy người ta được vào trước mà lòng dạ xốn xang bứt rứt, lựa hết đồ đẹp của mình rồi! Vào trong phải gửi bóp xách áo choàng, dùng bao nylon họ phát và túi nhỏ đựng giấy tờ tiền bạc. Rồi thì phần ai nấy lo tứ tán nhào đến các quầy như bị nam châm.
Nào bóp nào giày nào nịt nào khăn quàng nào phụ kiện cho nhan sắc lung linh. Áo quần là chính, la la liệt liệt, hoa cả mắt. Đây là những sản phẩm từ các nước châu Âu khác đưa về, và hàng từ Pháp đến mùa sẽ vi hành xôn xao xứ khác. Thiên hạ mê man chọn, gọi nhau ơi ới, thử, ngắm nghía trước tấm gương lớn dựng nghiêng nghiêng nên thân hình ai cũng cao hơn thon thả hơn đẹp hơn. Mê man tới nỗi chẳng ý tứ gì nữa, nhân viên hay khách đàn ông cũng mặc kệ, các bà hổn hển lột cái này ra tròng cái kia vào, hớ hênh phơi phới. Có người mải mê làm rơi cả túi đựng giấy tờ tiền bạc vẫn chẳng hay, vẫn hớt hơ hớt hải tìm tìm, miên man sung sướng.
Những “nhà chứa” này không có hệ thống chống trộm, nên dù có nhân viên rập rình, vẫn vỏ quýt dày móng tay nhọn. Đã từng có người đến với cái váy rộng, ra về thêm cái váy bó bên trong, giày thì đôi mới xỏ chân, đôi cũ nép mình vào hộp… Đủ mánh khóe chớp được cái gì cho hả dạ, vì dù xôn vẫn phải xuất lắm tiền. Riết rồi trước cửa toa-lét phải canh, mời bà cứ vào giải quyết tâm tư nhưng đồ đạc phải dừng chân trước cửa.
Trừ một ít tiệm tư nhân có chiêu trò viết giá gấp đôi rồi gạch chéo, bên dưới ghi giảm 50%, nếu mình biết, cười cười lật tẩy thì họ cũng cười cười bắt mình đồng lõa “chỉ có vous biết thôi nhé!”. Ngoài ra là xôn thật, nếu không làm sao chứa hết hàng tồn đọng để đón chào quần áo mùa sau. Tuần lễ cuối xôn thiên hạ bán tống bán tháo, mại dzô mại dzô, mua 400 ơ-rô chỉ trả 100 thôi, nghe ham chưa, nhưng lấy cho đủ 400 thì sẽ có món đem về để ngó với cái nhìn tiêng tiếc chớ không phải cái nhìn mãn nguyện. Vậy mà hiếm bà nào không hớ, hiếm bà nào không ham, vì hầu như ham rẻ là máu các bà, lại mỗi sáng đi làm thường than rất ai oán chẳng có gì bận cả, như thể quanh năm họ là nhộng. Bên Mỹ nhiều trung tâm bán rẻ quanh năm nên các bà cứ khuân, gia đình nào cũng quần áo ê hề. Sang Pháp thấy đắt, họ quở cái tụi Tây nó điên chắc!
Đầu tháng 8 mới hết xôn – hạ nhưng giữa tháng 7 sẽ chẳng còn gì mà chọn, nên mặc nhiên là Mùa xôn đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho… các bà hạ hỏa, đằm thắm chờ đầu năm xôn – đông Đến hẹn lại lên… Thôi stop. Già chuyện quá. Giờ đi lùng cái đã. Đây cũng là một kiểu nô lệ, nhưng là cái nô lệ âu yếm ngọt ngào…