Bạn mong đến ngày cuối tuần để được nghỉ ngơi, thư giãn và… không làm gì cả. Thế nhưng lúc 9 giờ sáng ngày thứ Bảy, bạn đã lên lịch hẹn ba cuộc gặp bạn bè, đặt mua vài món hàng trên mạng và sắp xếp bốn kế hoạch khác cho những ngày còn lại trong tuần.
Bạn đến văn phòng lúc 8 giờ sáng, trên bàn làm việc có một danh sách bốn việc quan trọng ưu tiên phải làm trong ngày. Rồi điện thoại reo, bạn nghe điện thoại và trước khi bạn nhận ra thì đã 5 giờ chiều, đến giờ tan sở. Danh sách các việc cần làm còn nguyên!
Cả hai trường hợp trên là ví dụ của việc nghiện hành động mà nguyên nhân sâu xa do các hoạt chất trong não mất cân bằng. Depamine là một hoạt chất gây nghiện cao, được sản sinh tự nhiên trong não, cho chúng ta cảm giác hào hứng, thư giãn, hài lòng và tưởng thưởng.
- Xem thêm: Bận rộn cũng là một cơ chế tự vệ
Dopamine tiết ra khi chúng ta sắp xếp lịch cho ba cuộc họp mặt, đặt mua hàng hoặc lướt Facebook. Chúng ta cảm thấy dễ chịu trong một khoảnh khắc ngắn. Sau đó, não lại cần một hành động khác. Cứ thế, nhiều hành động tiếp theo nữa. Theo thời gian, chúng ta bị rơi vào vòng lẩn quẩn của hành động và phần thưởng. Bạn có thấy quen thuộc không?
Nếu không chắc điều này đúng với mình, bạn hãy tự kiểm tra xem. Sáng mai khi đến công ty, ngay khi muốn bắt đầu làm gì đó, bạn hãy ngồi xuống, nhìn ra cửa sổ hoặc màn hình máy vi tính. Đừng làm gì hết, đừng nói chuyện, chỉ ngồi yên trong ba phút.
Nếu bạn cảm thấy bứt rứt vì không hoạt động và cảm nhận có một sự thôi thúc muốn trở nên bận rộn thì bạn nghiện hành động rồi. May thay, chúng ta có cách để thoát khỏi trạng thái đó.
Bận rộn là sự lười biếng hiện đại
Nghiện hành động là một dạng lười biếng cao cấp. Nó làm chúng ta luôn bận rộn với những công việc thường ngày để lẩn tránh những vấn đề lớn trong cuộc đời và tránh đối diện với cuộc sống. Chúng ta giữ một khoảng cách an toàn với các vấn đề khó như đã chọn đúng nghề nghiệp chưa, có dành đủ thời gian cho con cái chưa, cuộc sống có ý nghĩa không…
Khi hoạt động, chúng ta tin rằng mình đang tiến gần đến mục tiêu lớn hơn, dù có thể không biết mục tiêu đó là gì, nhưng vẫn tiếp tục theo lối mòn. Việc này giống như leo lên một cái thang thật nhanh và hy vọng sẽ lên đến đỉnh. Một ngày nào đó, chúng ta đã leo đến đỉnh, ví dụ như được thăng chức hay mua được căn nhà mới, nhưng việc lên đến đỉnh có ý nghĩa gì khi chúng ta nhận ra rằng cái thang đang tựa vào một bức tường khác?
Một vị giám đốc nghiện công việc và đã đạt được vị trí cao nhất của một công ty bảo hiểm đa quốc gia sau nhiều năm làm việc cật lực – đủ vất vả để hai lần bị đột quỵ. Ông chấp nhận điều này, để đảm bảo cuộc sống cho gia đình và an nhàn khi về hưu.
Tuy nhiên, sức khỏe ông sa sút nghiêm trọng, không chắc có thể sống được như mong ước khi về hưu. Đáng buồn hơn, trong lúc lo cho tương lai, ông ấy đã đánh mất chính gia đình mình, không nhận ra rằng mọi thứ đã rời xa ông, ngày càng xa.
Điều đó không hàm ý rằng những công việc như đi làm, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, quan tâm đến gia đình và bạn bè không quan trọng, nhưng chúng ta có thể chọn vài khoảng lặng trong danh sách các việc làm của mình.
Bận rộn mới quan trọng?
Chúng ta có khuynh hướng trở nên bận rộn, làm việc quá sức và căng thẳng. Điều này như là một phần định dạng của con người. Chúng ta trở nên quan trọng hơn khi bận rộn. Không bận rộn, không căng thẳng thì bị đánh giá là không đủ nỗ lực, không phải là gien của xã hội hiện đại.
Ðiều này thật không ổn. Dù có nhiều việc phải làm và phải làm việc với hiệu suất cao, chúng ta vẫn có thể duy trì tâm trí rõ ràng và bình tâm – không để rơi vào trạng thái nô lệ của hành động. Bận rộn là một sự lựa chọn.
Có phải bạn đang chọn là người quá bận rộn?
Lần sau, nếu bạn cảm thấy bận rộn, hãy dừng lại một chút và chiêm nghiệm, đặt ra những câu hỏi: Điều gì đang làm bạn bận rộn? Có đáng để bận rộn không? Bạn có nên buông bỏ điều gì không? Và tâm trí của bạn vốn đã bận rộn hay chỉ giả vờ như vậy?
Bận rộn giết chết trái tim
Trong tiếng Hoa, chữ “bận rộn” bao gồm hai âm tiết, một âm tiết mang ý nghĩa trái tim, âm ngữ còn lại là chết. Càng bận rộn thì càng nhiều năng lượng được tập trung ở phần đầu thay vì ở con tim. Càng bận rộn, chúng ta càng có khuynh hướng tách xa những người khác và cảm xúc của họ.
Và khi đó, chúng ta càng rời xa mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống và tình yêu, trở thành những người máy làm việc hiệu quả để đạt được nhiều mục tiêu hơn. Nhưng làm càng nhiều, chúng ta đạt được càng ít do thiếu sự hiện diện của con tim.
Tăng tốc bằng cách giảm tốc
Ðể tránh việc bóp chết con tim bằng sự lệ thuộc vào hành động, chúng ta phải giảm tốc trước khi tăng tốc. Cần chọn làm đúng việc, chứ không phải làm nhiều việc.
Có thể bạn từng xem những thước phim về động vật và cuộc săn mồi ấn tượng của con báo. Báo là loài động vật di chuyển trên bộ nhanh nhất hành tinh, tuy nhiên khi phát hiện con mồi nó không phóng đến mà chỉ chạy chầm chậm. Nó cúi xuống và di chuyển chậm vài phút để làm nóng các sợi cơ bắp trong cơ thể. Khi đã sẵn sàng, chỉ trong vài giây, nó tăng tốc nhanh hơn bất kỳ một chiếc xe thể thao nào và phóng đến chụp lấy con mồi.
Bí quyết ở đây là chậm để nhanh. Giống như con báo không chạy loanh quanh tìm mồi, chúng ta cần tập trung vào những việc thật sự quan trọng và mục tiêu trong cuộc sống và công việc – chứ không phải làm vì… phải làm gì đó.
- Xem thêm: Sống thoải mái khi bận rộn
Khi chậm lại trong vài giây và bỏ thói quen phải làm gì đó, chúng ta cho phép não bỏ qua sự kích hoạt tiết ra dopamine và có thể tập trung, chọn việc cần làm một cách rõ ràng, chứ không phải ngẫu hứng. Bằng cách đó, chúng ta theo đuổi những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống như lòng tốt, hạnh phúc hay bất kỳ mục tiêu ý nghĩa nào. Khi chậm lại, chúng ta có thể đi nhanh hơn.
Chậm lại để làm được nhiều việc hơn
Bạn có thể làm chậm lại, tạm ngưng nhận thức về hoạt động bằng cách giải lao 45 giây trong mỗi giờ. Việc tạm dừng này giống như vặn nút điều chỉnh tâm trí giúp tăng sự tập trung. Nên cài chế độ nhắc bạn theo giờ.
Khi nhận được thông báo nhắc, hãy dừng việc mình đang làm, ngưng suy nghĩ và hướng sự chú ý đến hơi thở của bạn. Ở hơi thở đầu tiên, hãy thư giãn cơ thể và tâm trí. Ở hơi thở thứ hai, tập trung vào nhận thức của mình. Ở hơi thở thứ ba, hãy tự hỏi “Mình đang làm gì: đuổi bắt chuột hay theo đuổi mục tiêu lớn hơn?”.
(*) Rasmus Hougaard là sáng lập viên và Giám đốc điều hành; Jacqueline Carter là đồng sáng lập và Giám đốc thị trường quốc tế Công ty Project Potential