Hình thức vừa live stream vừa bán hàng đang bùng nổ ở Trung Quốc đến mức nông dân cũng đứng trước camera rao hàng đến muôn người, còn “ông trùm” thương mại điện tử Alibaba thì “đào tạo” cả đại sứ live stream ngoài đại lục.
Trong lúc thế giới ngoài đời thực phải đóng cửa vì dịch bệnh thì ở thế giới online, một cánh cửa lại mở ra cho những người đang đi trên con đường sinh tồn ấy. Với live stream, người bán hàng vẫn có thể tương tác trực tiếp với người mua (dù là qua màn hình điện thoại), thuyết minh, giới thiệu về hàng hóa của mình. Trong khi đó, người mua vẫn có thể hỏi han về món đồ mình cần và bình luận của họ xuất hiện trên màn hình theo thời gian thực.
Nhịp mua bán vẫn diễn ra khá bình thường, ai cũng an toàn không sợ lây bệnh vì chẳng ai phải tiếp xúc trực tiếp với ai cả. Ngoài ra, mức phí mà người bán phải trả để live stream bán hàng cũng tương đối thấp nên giá cả sản phẩm cũng thấp hơn và người mua thậm chí cũng có thể trả giá như khi đi chợ mua đồ.
Bác nông dân live stream bán táo
Mỗi ngày chăm nom vườn táo nằm trên sườn núi hoang vắng nhưng công việc của Zhang Jiacheng gần đây trở nên “rộn ràng” hơn khi người nông dân ở huyện Lễ (tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc) này có thêm một phần việc: vừa chăm táo vừa live stream.
“Các bạn có thể hiểu được quá trình trồng táo là như thế nào rồi đúng không? Táo ngon như vậy là nhờ vườn của tôi nằm ở độ cao hơn 1.000m đấy” – lão nông 59 tuổi nói với khán giả đang xem ông trên Taobao Live, nền tảng live stream thuộc trang thương mại điện tử Taobao của Alibaba.
Thông thường lượng người xem của ông Zhang dao động từ vài chục, có khi đến vài ngàn. Ngoài táo, ông Zhang còn bán các loại nông sản khác như khoai tây, mộc nhĩ…
Nhờ live stream, ông Zhang có thể bán khoảng 100 đến 150kg táo mỗi ngày, theo South China Morning Post (SCMP). Trước kia khi không có khách mua online, ông thường phải đổ bỏ 1/10 đến 1/5 số táo của mình vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
“Không live stream thì chắc tôi không bán được như bây giờ. Khách hàng tin tưởng vì họ có thể trực tiếp nhìn thấy được xuất xứ hàng hóa. Nếu không như thế này, tổn thất mà dịch bệnh gây ra sẽ rất lớn” – ông Zhang nói.
Khi một cánh cửa đóng lại…
Một yếu tố không thể kể đến khi bàn về chuyện live stream bùng nổ ở Trung Quốc là sự phát triển công nghệ phục vụ live stream ở nước này. Thế giới không thiếu những nền tảng giúp quảng bá và bán hàng online, thế nhưng “món” nào cũng có ưu nhược điểm.
Ví dụ, Instagram cho phép sản phẩm tiếp cận được người dùng nhưng không cho phép người mua mua hàng trực tiếp bằng nền tảng này. Trong khi đó, gã khổng lồ bán lẻ online Amazon dù bán gần như tất tần tật mọi thứ trên đời nhưng chỉ hữu ích khi người ta đã biết mình muốn mua gì và vào đó tìm kiếm.
Với các tay chơi Trung Quốc, đó lại là một câu chuyện khác. Công nghệ của Alibaba khiến cho việc mua sắm thực sự dễ dàng khi người xem phải đăng nhập để xem các phiên live stream trên Taobao, và vì thế địa chỉ giao hàng và thông tin thanh toán của họ đã được lưu trữ, không cần khai báo gì thêm.
Giao diện live stream cũng được tối ưu hóa sao cho tiện thao tác nhất đối với người mua: họ chỉ việc click vào biểu tượng trên màn hình. Trong một phiên live stream của Viya – “nữ hoàng” live stream bán hàng có hàng triệu fan ở Trung Quốc – khi người mua hàng chọn một sản phẩm, cửa sổ live stream sẽ thu nhỏ lại cho người mua tiện thao tác nhưng không biến mất. Khi giao dịch kết thúc, cửa sổ được phóng to trở lại, Viya vẫn nói chuyện và tiếp tục mời gọi khán giả đến với deal tiếp theo.
- Xem thêm: Covid-19, lực đẩy cho các livestreamer
Việc săn được deal “giá hời” qua live stream cũng là một yếu tố thu hút khán giả. Thông thường trong các buổi live stream của Viya, cô sẽ đếm ngược trước khi tung ra một link mua sản phẩm nào đó. Đôi khi một deal hấp dẫn nào đó nhanh chóng “cháy hàng”, cô gái này còn “chiều” fan bằng cách “xin” nhà sản xuất cho thêm, vậy là người ta lại ào ào mua.
“Nhận thức về sự khan hiếm là một công cụ tâm lý mạnh mẽ để khiến mọi người hành động nhanh chóng, thúc đẩy khao khát mua sắm của họ. Trong một phiên live stream, tâm lý này thậm chí còn dữ dội hơn vì thời gian ngắn hơn và nhiều người khác cũng cạnh tranh để mua. Người ta cảm thấy thật khẩn cấp” – Andy Yap, nhà tâm lý học xã hội tại Trường kinh doanh INSEAD ở Singapore – phân tích.
Vượt khỏi Trung Quốc
Không dừng lại ở thị trường Trung Quốc, mô hình live stream bán hàng đang có xu hướng lan ra các nước khác. Alibaba đã có kế hoạch đưa 1.000 thương hiệu mới lên các nền tảng thương mại điện tử của mình trong 12 tháng tới, đồng thời cho phép các thương hiệu nước ngoài bán sản phẩm của họ thông qua live stream.
Ở chiều ngược lại, gã khổng lồ bán lẻ Trung Quốc đang có tham vọng gầy dựng nên một “đội quân” lên đến 1 triệu influencer (người có sức ảnh hưởng) live stream bán hàng trên toàn cầu, mà Valentina Avalon, một phụ nữ 37 tuổi người Ukraine, là một trong số đó.
Dịp gala bán hàng giữa năm vừa qua của AliExpress – nhánh bán lẻ quốc tế của Alibaba – Avalon tất bật đến mức không có thời gian để ngủ. Một phiên live stream của Avalon có thể thu hút hàng ngàn khán giả vào trò chuyện cùng cô và xem các sản phẩm mà cô rao bán, theo Nikkei Asian Review.
Hiện tại doanh thu từ mảng thương mại quốc tế của Alibaba chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng doanh thu của công ty, không đạt mục tiêu 50% doanh thu của tập đoàn phải đến từ ngoài Trung Quốc vào năm 2025 mà người sáng lập Jack Ma kỳ vọng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng doanh thu khiêm tốn đó là do thương hiệu Alibaba vẫn chưa quá phổ biến trên thị trường thế giới; đồng thời, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn lo ngại về chất lượng của sản phẩm mà tập đoàn này cung cấp. Tuy nhiên, Alibaba tin rằng những influencer như Avalon sẽ giúp tập đoàn này dỡ bỏ được những rào cản đó.
AliExpress muốn biến 100.000 influencer thành đại sứ bán hàng trong năm nay, rồi nâng con số đó lên 1 triệu trước năm 2023. Để thực hiện điều đó, công ty này đã hợp tác với indaHash, công ty chuyên tổ chức các chiến dịch marketing toàn cầu thông qua influencer.
Từ cuối năm ngoái, indaHash đã hợp tác với AliExpress tổ chức hàng trăm buổi live stream nhắm vào người tiêu dùng châu Âu. AliExpress đào tạo miễn phí cho influencer thông qua các buổi workshop online với đội ngũ của indaHash mà ở đó chuyên gia của AliExpress sẽ phân tích các clip live stream và cho lời khuyên để làm cách nào cải thiện chất lượng live stream.
Việc này đã mang lại quả ngọt cho AliExpress khi mang về hơn 2.000 khách hàng chỉ trong 2 ngày tại một lễ hội mua sắm hồi tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, để biết được đây chỉ là một ca thành công cá biệt hay có khả năng trở thành xu hướng thì còn cần phải đợi. Nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng không giống như Trung Quốc với 1,4 tỉ người nói cùng một thứ tiếng và có chung hành vi tiêu dùng, châu Âu – mối ưu tiên của AliExpress – lại là một thị trường rời rạc hơn với nhiều ngôn ngữ và văn hóa nên việc chinh phục sẽ không dễ dàng.
Theo Fabian Ouwehand, nhà đồng sáng lập Uplab chuyên chạy các chiến dịch tiếp thị với influencer ở Hà Lan, thị trường châu Âu chưa có thói quen mua hàng qua live stream mà chủ yếu là chỉ xem…cho vui.
Một điều nữa là khác với thói quen chú trọng giá cả của người tiêu dùng Trung Quốc, người tiêu dùng châu Âu xem trọng thời gian của mình hơn là các mặt hàng giảm giá. Đáp lại, phía AliExpress vẫn tự tin vào tính khả dĩ của chiến lược và cho rằng sẽ mất “ít nhất hai năm” để thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Trên mạng đẹp như tiên, hàng thật thì rác rưởi
Theo China Unicom, đến cuối năm nay, số người live stream bán hàng có khả năng đạt 600 triệu, số vụ khiếu nại chất lượng hàng hóa vẫn tăng dần đều.
Cư dân mạng Lý Tử Hàm đã rút ra bài học kinh nghiệm: “hàng trên mạng đẹp như tiên, hàng thật thì như rác rưởi”. Theo điều tra của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, 37,3% người tiêu dùng gặp vấn đề chất lượng khi mua hàng qua mạng, chỉ có 13,6% đi khiếu nại. Nhiều kênh live stream bán hàng có tỉ lệ trả hàng lên đến 70%, theo cet.com.cn.
Thực tế, nước này đã có Luật thương mại điện tử áp dụng từ 1-1-2019. Điều 11 của luật này quy định người kinh doanh qua mạng phải đăng ký, đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập; quyền lợi người mua hàng qua mạng được đảm bảo; hành vi làm giả lượng giao dịch, làm giả đánh giá khách hàng để tuyên truyền quảng cáo sai, lừa dối khách hàng sẽ bị phạt mức cao nhất là 500.000 tệ.
Hiện nay thuế GTGT đối với doanh thu dưới 30.000 tệ/tháng được miễn đến 31-12-2020; doanh thu trên 30.000 tệ/tháng có mức thuế GTGT là 3%.
Ngoài ra, người bán hàng còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân, với thu nhập chịu thuế không quá 30.000 tệ/năm có mức thuế 5%; trên 30.000 – 90.000 tệ/tháng là 10%; trên 90.000 – 300.000 tệ/tháng là 20%…
Do số người kinh doanh trên mạng quá đông, nhiều người không đăng ký nên rất khó khăn trong việc thống kê theo dõi. Chưa kể nhiều người kinh doanh trên WeChat đã có nhiều cách né thuế như gửi hàng bằng nhiều tên khác nhau, chuyển khoản vào tài khoản khác nhau.
Để quản lý chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, cuối năm 2019 Trung Quốc đã ban hành Quy định chuẩn hóa giám sát chất lượng hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Quy định được áp dụng từ tháng 1 năm 2020.
Theo đó, quy định đánh giá chất lượng hàng hóa theo 5 cấp độ rủi ro; hàng hóa có độ rủi ro rất cao, rủi ro cao sẽ bị đưa vào diện giám sát trên mạng; còn hàng hóa rủi ro trung bình chỉ tiến hành xác nhận.
Cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa trên mạng của bên thứ 3, đơn vị kinh doanh sàn thương mại điện tử sẽ áp dụng quy định này trong hoạt động giám sát chất lượng hàng hóa trên mạng. Ngoài ra còn ban hành kèm theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia cho từng lĩnh vực như mắt kiếng, may mặc, giày dép, đồng hồ, đồ gia dụng, kẹp tóc, bút…
Mới đây, Hiệp hội Quảng cáo Trung Quốc ban hành Quy định chuẩn hóa hành vi live stream bán hàng được áp dụng từ ngày 1-7; đối tượng áp dụng là người bán hàng, người live stream, sàn thương mại điện tử, đơn vị cung cấp dịch vụ live stream.
Sàn thương mại điện tử Pinduoduo lập hẳn 1 đội quản lý chất lượng hàng hóa giao dịch trên sàn 24/24; thiết lập quan hệ hợp tác với hàng ngàn thương hiệu; tiến hành lấy mẫu, chuyển các thương hiệu kiểm tra hàng hóa nghi ngờ.
Các nhãn hàng như thương hiệu mỹ phẩm Huaxizi phối hợp với cơ quan công an Chiết Giang phát hiện 1 điểm bán hàng nhái, với 2 kho hàng lớn, số hàng trị giá hàng chục triệu tệ. Tháng 3 này, Công ty Huaxizi đăng thông tin tuyển dụng nhân viên chống hàng nhái hàng giả; trong vòng 1 tháng, công ty này nhận được hơn 2.000 khiếu nại hàng giả trên sàn thương mại điện tử, trong đó có hơn 300 vụ kiện.
Nhiều cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử bị khiếu nại nhiều phải đóng cửa, nhưng họ lại dễ dàng mở 1 cửa hàng mới ở sàn thương mại điện tử khác, theo epaper.mrjjxw.com.
Một minh chứng cho việc live stream giúp giải quyết hàng hóa như thế nào là mới đây, một công ty giày ở Giang Tô đã bán được đến 2 triệu tệ (hơn 6,6 tỉ đồng) hàng tồn từ khi các cửa hàng đóng cửa do COVID-19, thông qua 3 phiên live stream trên nền tảng Kuaishou.
Dữ liệu Alibaba cung cấp cho thấy các giao dịch trên nền tảng Taobao Live trong tháng 3 đã tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng nhà bán lẻ mới tham gia nền tảng cũng tăng gần 300% so với một năm trước, riêng tăng trưởng hàng tháng tăng đột biến đến 719% vào tháng 2.
Ngoài nông sản, nhiều mặt hàng khác cũng được tăng cường bán qua live stream từ mỹ phẩm, thiết bị điện, thú cưng cho đến nhà cửa, xe hơi hay cả dịch vụ xây dựng và tổ chức sự kiện.
Theo khảo sát mà Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc thực hiện trên 5.333 người tiêu dùng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay thì quần áo, nhu yếu phẩm hàng ngày, thực phẩm và mỹ phẩm là những mặt hàng bán chạy nhất, chiếm đến 64% lượng hàng hóa được giao dịch.
“Đối mặt với tiền thuê mặt bằng vẫn cao ngất ngưỡng và những áp lực chưa từng có, nhiều tiểu thương chọn cách bán hàng qua live stream. Trước kia chúng tôi cũng còn hơi lăn tăn, nhưng giờ thì ai cũng “liều mạng” live stream” – một nhà bán lẻ phụ kiện thời trang giấu tên bày tỏ trên nền tảng Kuaishou.