Sự bế tắc của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thể hiện ở cả những cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ đương nhiệm Syria với phe chống đối lẫn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về cuộc khủng hoảng tại nước này. Cách đây không lâu, ông Lakhdar Brahimi, Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, đã từ chức sau khi nhận thấy những cuộc đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ) giữa hai phe chống nhau tại Syria hầu như không đạt được một kết quả nào. Tại Hội đồng Bảo an LHQ, bốn nghị quyết khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề chính trị và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria cũng đều vấp phải quyền phủ quyết của hai hội viên thường trực là Nga và Trung Quốc. Các nỗ lực để đưa vấn đề Syria ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội phạm chiến tranh tại The Hague cũng không có chút triển vọng. Theo John Quigley, giáo sư danh dự về công pháp quốc tế tại Trường Đại học bang Ohio (Mỹ), việc làm trên sẽ khiến Hội đồng Bảo an mang tai tiếng nếu như tiếp tục bị phủ quyết bởi Nga và Trung Quốc.
Hàng triệu trẻ em Syria đang sống trong quy chế tỵ nạn
Tuần qua cũng ghi nhận những phản ứng sôi nổi của các tổ chức nhân quyền trước những bế tắc trong hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ. Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) miêu tả các hành động phủ quyết tại Hội đồng Bảo an vừa qua là “nhục nhã”, còn với Trung tâm Toàn cầu về Trách nhiệm Bảo vệ thì cho đó là “đáng hổ thẹn”. Tuy nhiên, công luận cũng đề cập đến trách nhiệm của Mỹ trong việc làm tổn hại đến hoạt động của ICC. Chẳng những chính quyền Washington từ chối tham gia vào tòa án này mà một đạo luật năm 2002 của Mỹ cũng đã quy định việc hạn chế viện trợ cho những nước tham gia ICC và cho phép tổng thống Mỹ sử dụng lực lượng quân sự để giải thoát bất cứ người Mỹ hay công dân của một nước liên minh nào đang bị ICC bắt giữ. Giáo sư Quigley cũng cho rằng việc đưa vấn đề Syria ra ICC chứng tỏ mọi nỗ lực cho một giải pháp hòa bình ở nước này đều đã thất bại. Cũng theo Quigley, động thái trên không có mấy hiệu quả cho dù có thểảnh hưởng đến việc người bị tố cáo muốn đi đến những nước đã tham gia vào Quy chế Rome (Rome Statute) của ICC, vì họ có thể bị bắt giữ. Mặt khác, khi ICC điều tra một sự kiện, thường thì họ sẽ không buộc tội ai. Về phần mình, ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã công bố một báo cáo cho biết trong cuộc nội chiến ở Syria, đã có trên 150 ngàn người bị sát hại và bước vào năm thứ tư của cuộc khủng hoảng, ba triệu người Syria đã được đưa vào quy chế tỵ nạn.
Lê Nguyễn tổng hợp