Lịch sử hay không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ được hình thành từ những tiếng chiêng vang vọng trong các lễ hội nơi buôn làng, mà còn được hình thành từ những bước chân, những bàn tay của người thợ chiêng xuôi ngược bôn ba.
Lịch sử, không gian văn hóa cồng chiêng cũng gắn bó mật thiết với quá trình giao lưu văn hóa Thượng – Kinh. Quá trình này không biết đích xác bắt đầu từ bao giờ và diễn ra như thế nào bởi thông tin từ sử sách còn hạn chế, nhưng chúng ta có thể ít nhiều hình dung được nó qua việc tìm hiểu lịch sử của những người thợ chiêng thế kỷ 20, bởi họ vừa như là một thành tố vừa như là một chứng nhân của lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn đang hiện diện bên cạnh mà chúng ta có thể khảo sát được. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một trường hợp như thế. Đó là ông “Chín Chiêng” hiện cư ngụ tại thị xã An Khê, Gia Lai.
Trong một chuyến đi khảo sát văn hóa truyền thống ở An Khê, chúng tôi may mắn được biết ông, ban đầu với tư cách là một thành viên cốt cán trong Ban Quản lý Thanh Minh Tự, sau đó trong cuộc trò chuyện, mới tình cờ biết ông trước đây là một thợ chiêng danh tiếng với “nghệ danh”: Chín Chiêng. Hơn nữa, ông từng lên vùng An Mỹ (Gia Lai) mở lò sản xuất chiêng, đây là thông tin chưa được nhiều người biết. Vì thế, chúng tôi đã xin phép phỏng vấn sâu, ghi chép và thu âm lại. Tư liệu của bài viết này, vì thế, chủ yếu là từ lời kể của ông, có tham khảo thêm một số tài liệu khác để làm rõ hơn vấn đề.
Từ làng Mỹ Thạnh
Làng Mỹ Thạnh ở Nhơn Phúc (An Nhơn, Bình Định) là nơi dừng chân của ông tổ thợ chiêng “Dương Bảy”, người làng Bắc Ninh từ miền Bắc vào lập nghiệp và dạy nghề từ cuối thế kỷ 19. Đây cũng là quê hương của ông Chín Chiêng. Cha ông Chín bấy giờ còn là thanh niên chưa lập gia đình đã khăn gói theo thầy học nghề làm chiêng, sau đó trở thành một người thợ tiếng tăm “Hai Tổng” (còn tên thường gọi khác là “Hai Tuột”).
Ông “Chín Chiêng” tên thật là Nguyễn Văn Chín, sinh ngày 20.6.1937 tại An Thái (tức thôn Mỹ Thạnh) xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, gia đình làm nông và buôn bán nhỏ, sống tại đây từ lâu đời. Nhà ông chỉ có 2 anh em trai, cha qua đời sớm, mẹ cải giá và cha dượng (tức ông Hai Tổng) là người nuôi ông ăn học.
Năm 1956, cha ông Chín dẫn con và một nhóm thợ lên An Mỹ (Gia Lai) mở lò chiêng. Ngoài ông Hai Tổng, còn hai nhóm khác, họ cũng nhau cất lò ở đất sau nhà ông “Xã Bộ”, ông “Xã Phan”, rồi ông “Mục Sáu” làm ăn, tổng cộng số thợ của cả 3 lò là khoảng 20 thợ.
An Mỹ là vùng đồng bằng của đất Gia Lai, cách đô thị trung tâm Pleiku 12km, cách An Khê 80km, Tây giáp Chư Á, Đông giáp Mang Yang, Nam giáp Ia Băng, Bắc giáp Hà Bầu, người Kinh đến định cư từ đầu thế kỷ 20, chuyên về lúa nước và hoa màu, đất đai rộng rãi bằng phẳng, nguồn lương thực dồi dào, đặc biệt chung quanh là các làng của người Thượng. Có thể nói đây cũng là mảnh đất lý tưởng để mở lò chiêng.
Có điều giao thông thời kỳ này còn kém phát triển, nên đoạn đường từ An Thái lên An Mỹ chỉ chừng 130 km, nhưng phải đi làm nhiều chặng, bởi thiếu xe. Lượt lên đi phải đi bộ từ An Thái lên An Khê từ sáng đến tối mới đến nơi, ăn uống nghỉ ngơi ở đó rồi đón xe từ An Khê lên An Mỹ. Lượt về bắt xe từ An Mỹ về An Khê, rồi bắt xe An Khê về Phú Phong, cuối cùng bắt xe đạp ôm từ Phú Phong về nhà. May mắn là hành trình khổ cực ấy chỉ kéo dài trong thời gian đầu, sau đó xe cộ dễ dàng hơn.
Bấy giờ, ông Chín mới học hết lớp 2, được theo cha lên An Mỹ. Tại đây, ban đêm ông tiếp tục đi học bổ túc văn hóa, ban ngày học làm chiêng.
Năm tháng phong lưu
Vì là con trai của một người thợ chiêng được truyền từ tổ ở An Nhơn, nên ông Chín được cha “chỉ hết nghề”. Đến ngoài 20 tuổi, cậu Chín đã “rành nghề”, thay cha đảm nhiệm việc chỉ dạy và trông coi thợ, rồi ông Hai Tổng tập trung vào việc kế toán số sách, nhập nguyên liệu “vòng ngoài”, còn những việc khác tại lò giao hết cho con trai, bao gồm việc thực hiện những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao và bí mật nghề nghiệp như “đổ vảy” và “lấy tiếng” cho chiêng. Nhiều người thầy thợ chiêng “đồng lứa” với ông Hai Tổng phải ngạc nhiên khen ngợi tay nghề già dặn của cậu Chín trẻ tuổi.
Thời ông Hai Tổng, một người muốn ra nghề phải mất 3 năm học hỏi và thực hành trực tiếp liên tục “mới ăn tiền”; đến thời ông Chín, để rút ngắn thời gian học, ông tập trung dạy chừng một năm là có thể ra nghề.
Những năm cuối thập niên 1950 là thời hoàng kim của người thợ chiêng. Bấy giờ, cứ đi làm một vài tháng, thợ chiêng lại gom được một số tiền lớn mua ruộng, mua xe, cất nhà, sắm vàng. Các thợ chiêng sau giờ làm thường kéo nhau ra bãi cát đá bóng, tắm rửa, ăn mặc chải chuốt, “xỉa dầu thơm”, đi coi hát, “xài sang”, phong lưu, nên được các cô gái rất “mê”. Cũng vì vậy, nghề thợ chiêng thời này được đánh giá cao và xem trọng hơn cả thợ vàng, thợ bạc.
Để có một chiếc chiêng hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn, căn bản gồm: Rập – đục – cắt – mở – tán – gò – nướng (trui) – đánh núm – chữa (hoàn thiện). Gọi chung bằng tên “lên đồ”, các khâu này tương đối đơn giản, những người thợ bình thường có thể thực hiện được một cách không mấy khó khăn. Riêng khâu hoàn thiện để cho ra sản phẩm cuối cùng thì phải cần đến tay người ‘thợ chiến” lão luyện “rành nghề”.
Tuy làm bằng đồng, nhưng chiêng không phải đồ vật có độ bền cao như chúng ta vẫn tưởng qua thành ngữ “nồi đồng cối đá”, mà thực tế nó rất “mong manh”. Sự mong manh này thể hiện ở chỗ, chỉ cần rơi hay bị va đập mạnh một chút là chiêng sẽ “biến dạng” và “mất tiếng”, vì vậy chúng ta thấy các chiếc chiêng ở đình đền được treo rất trang trọng và chắc chắn để tránh những rủi ro kể trên. Nếu không may, chiêng bị mất tiếng thì có thể lấy lại được tiếng bằng cách mời người thợ giỏi, họ sẽ dùng chiếc búa nhỏ để “tìm tiếng” cho chiêng, thời gian “tìm” tùy thuộc vào trình độ của thợ và tình trạng của chiêng, thường thì mất khoảng một giờ, dụng cụ là 2-3 loại búa khác nhau và một cái đe nhỏ. Đó là đối với loại “chiêng giác” tức là chiêng được làm thủ công từng khâu. Riêng với loại “chiêng đúc” thì tình hình lại khác nữa, chiêng đúc có đặc điểm “chết tiếng”, ưu điểm là khó mất tiếng khi bị va chạm, nhưng nhược điểm là dễ bị vỡ và thành phế phẩm nếu để rơi, không thể “đút búa” vào đó để sửa được. Trong khi đó, nếu chiêng giác lỡ bị rơi vỡ hay sứt mẻ, vẫn có thể hàn lại để sử dụng được.
Hàn chiêng là một kỹ thuật cao và khó, hiếm người nắm được công thức “đổ vảy”, vậy nên có lò chiêng không ai đổ được, phải đến “xin vảy” ở lò khác về hàn. “Đổ vảy” là kỹ thuật pha trộn đồng và chì cho ra tỷ lệ phù hợp và nung ở nhiệt độ thích hợp, hợp chất này giúp kết dính các đường rạn nứt trên chiêng, vảy tốt và hàn tốt sẽ khiến tiếng chiêng “liền”, không bị “rè” mà vẫn giữ được thẩm mỹ.
- Xem thêm: Sắc màu Tây Nguyên trong lễ Pơ Thi
Cũng nhiều khi chiêng vỡ trong quá trình thành phẩm, bởi những người thợ mới vào nghề sơ suất. Lúc đó, thợ chính phải hàn sửa lại cho nguyên vẹn rồi mới bán ra thị trường. Khách hàng mua chiêng chủ yếu là đồng bào dân tộc và họ có cách riêng để kiểm tra chất lượng chiêng. Chẳng hạn, người ta đổ nước lên mặt trên (lưng) chiêng và dùng tay đấm lên “núm” dò, nếu chiêng bị “răn”, nứt, sẽ thấy nước rỉ xuống mặt dưới của chiêng khi lật lại. Thao tác kiểm tra này đơn giản, nhưng lại rất hiệu quả. Vì thế, các thợ làm chiêng thường dùng “bạch lạp” (đèn cầy trắng) để “trít” những chỗ răn nứt “không đáng” trên chiêng, khiến chiêng không bị rỉ nước trong cuộc “kiểm định” của người mua, còn nếu rạn nứt nhiều ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng chiêng thì buộc phải “đổ vảy” để giữ uy tín cho lò và đường làm ăn của mình. Bởi đồng bào dân tộc Tây Nguyên chỉ trở lại với những lò chiêng làm chiêng uy tín, đẹp.
Những chiếc chiêng thành phẩm để trong lò thường chưa được “lấy tiếng”, khi có người mua, thợ mới tùy theo nhu cầu về âm thanh cao – thấp, dày – mỏng, ngắn – dài của khách mà lấy tiếng phù hợp. Người Kinh thường mua chiêng dùng trong đình đền và thợ chiêng chỉ có thể lấy tiếng cho các chiêng của người Kinh, không thể lấy tiếng cho chiêng của khách mua là người dân tộc, bởi đồng bào dân tộc có cách lấy tiếng riêng, gọi là “ủ chiêng” hay nói như thường nghe ngày nay là “chỉnh chiêng”. Thợ “ủ chiêng” của đồng bào dân tộc rất hiếm, có khi mấy làng mới được một người tài hoa. Ông Chín còn nhớ và khâm phục tài ủ chiêng của nghệ nhân tên “Liếc”, “Đao”. Cách “ủ chiêng” của người dân tộc là người thợ ủ sẽ cầm chiếc chiêng mới đánh lên, 4-5 người đi theo ngồi quây tròn cầm chiêng cũ đã ủ đánh theo, thợ ủ sẽ chỉnh sao cho tiếng chiêng mới “ăn rơ” với tiếng chiêng cũ là đạt, nếu bộ đồng la gồm 12 chiếc thì ủ 12 tiếng khác nhau theo bộ nhạc của người đồng bào dân tộc. Âm thanh của việc ủ chiêng như ông Chín nói, là nghe “bùi tai lắm”, “hay lắm”.
Khách mua chiêng chủ yếu là đồng bào dân tộc. Nếu như đối với người Kinh, chiêng chỉ được xem là một nhạc khí mang tính nghi lễ chỉ dùng trong đình miếu, lễ tế, hay được sử dụng trong làng xã, quân đội ngày xưa,… thì với người Thượng, chiêng còn là một thứ của cải quý giá để chứng tỏ sự giàu có và quyền lực. Vì thế, có người mua 5-6 cặp chiêng làm tài sản. Thỉnh thoảng mới có khách mua là người Kinh, đặt cho đình miếu. Tuy nhiên, chiêng làm cho người Thượng và chiêng làm cho người Kinh không như nhau, chiêng đình miếu thường dày nặng, còn chiêng cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên phải mỏng nhẹ để phù hợp với mục đích sử dụng của từng nơi. Nhưng dù loại nào thì nguyên tắc dày mỏng được thiết kế trên chiêng là dày ở giữa rồi mỏng dần ra rìa, nhưng đến vành lại phải dày để khi đánh tiếng chiêng không bị “dùng” và chắc chắn.
Nguyên liệu của các lò chiêng thời kỳ này là “đồng Pháp”, “đồng Nhật” nhập lấy từ các thương buôn. Ở Mỹ Thạnh thì lấy của từ người Hoa ở Đập Đá hoặc ở Sài Gòn, các nhà buôn sẽ dùng “sõng” (thuyền) lớn theo gió nồm căng buồm chạy đến đổ tại bãi cát gần lò. Còn ở An Mỹ, đồng được nhà buôn như vợ chồng “Bảy Hít” chở từ Sài Gòn lên bằng xe “ba lua” phân phối.
Nói về “năng suất”, ông Chín cho biết với lò 5-6 thợ như lò của ông, thì 4-5 ngày sẽ làm xong một cặp chiêng. “Một cặp” đây không có nghĩa là “2 chiếc”, mà là “2 bộ”, bộ lớn thì 6-7 chiếc, bộ nhỏ thì hơn mười chiếc.
Đến nay, tên gọi “Cồng Chiêng” vẫn còn nhiều câu trả lời khác nhau trong giới nghiên cứu. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Chín cho biết những người thợ như ông và người đồng bào không gọi như vậy. Theo ông, loại lớn có núm ở giữa, gọi là “chiêng”, còn loại nhỏ không có núm gọi là “đồng la”, không có cái nào tên “cồng”.
Thế nhưng, tên gọi “cồng”, “chiêng”, hoặc “cồng chiêng” trong thực tế lại xuất hiện khá thường xuyên ở các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, thậm chí cả trong tác phẩm văn học. Chẳng hạn: Khua chiêng gióng trống, Ngã lăn chiêng (ngã lăn tròn như chiếc chiêng); Khảo như khảo chiêng; Lệnh ông không bằng cồng bà; Chì khoe chì nặng hơn đồng, Sao chì chẳng đúc nên cồng nên chiêng; Đem chiêng đi đấm xứ người, Chẳng kêu cũng đấm một hồi lấy danh; Có tội thì lội xuống sông, Đánh ba tiếng cồng tội lại nổi lên; Trèo lên trái núi mà coi, Kìa ông quản tượng cưỡi voi đánh cồng; Bỗng nghe trống giục chiêng hồi (Truyện Phan Trần); Mặt trời gác bóng chiêng đã thu không (Truyện Kiều); Non Kỳ chiêng trống đì đùng (Truyện Lục Vân Tiên);…
Tra cứu một số tài liệu cũ, chúng tôi thấy tên gọi “cồng chiêng” được một số từ điển ghi lại và giải thích. Ví dụ Đại Nam quấc âm tự vị cuối thế kỷ 19 của Huình Tịnh Của in trong Nam, mục từ “Chiêng —” viết: “Đồ đúc bằng đồng giống cái nón cụ, chính giữa có cái nuốm [núm] là chỗ đánh; hiệu lịnh việc binh”. Ngoài ra, sách này có ghi nhận một số từ ghép liên quan, hoặc chỉ một bộ phận của chiêng: “Chiêng cồn”: “Cồn lớn chiêng nhỏ cũng về một loại”; “Gu chiêng” và “Nuốm chiêng” chỉ “chỗ đúc gio ra giữa mặt chiêng”; “Dùi đánh chiêng” là “Cây cầm mà đánh chiêng”.
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), mục từ “Cồng” ghi: “Cái chiêng nhỏ, dùng để rao, tuyên truyền hiệu lệnh ở trong một làng hay một xóm”; mục từ “Chiêng” ghi: “Do chữ chinh —. Đồ nhạc khí đúc bằng đồng, hình tròn, giữa có cái núm, có nơi gọi là bu lu”.
Mục từ “Chiêng” trong sách Nam ngữ chính tả tự vị (1933) của Nguyễn Duyên Niên in ngoài Bắc ghi: “Nhạc khí đúc bằng đồng hình như cái còng, giữa mặt có núm đột cao lên, khi đánh kêu bôông bôông”.
Qua 3 từ điển kể trên, chúng ta đã thấy cách hiểu và sự mô tả khác nhau, thậm chí ngược nhau về “cồng chiêng”, điều này phần nào chứng tỏ cồng chiêng có nguồn gốc và chức năng không thuần nhất giữa các vùng miền, nên mới có sự lẫn lộn như vậy.
Ngoài việc làm chiêng tại lò, thỉnh thoảng ông Chín và cha còn dẫn theo một “học trò” khăn gói vào tận làng đồng bào dân tộc Tây Nguyên để làm ăn. Người “học trò” nhận nhiệm vụ giao dịch, tìm kiểm những người có nhu cầu sửa hoặc làm mới lại chiêng, còn cha con ông Chín sẽ nhận làm. Họ đã từng ăn ở trong làng 5-6 tháng trời. Không chỉ các cô gái Kinh, mà các cô gái người Thượng cũng rất thích và hâm mộ thợ chiêng. Họ thường ăn mặc đẹp đến làm duyên làm dáng với hai thanh niên “An Nam” (ông Chín và người giao dịch), có khi một ngày thay mấy “sắc đồ” đến tìm các anh. Tuy vậy, các chàng trai có phong lưu đa tình đến đâu cũng luôn được các ông thầy và tiền bối cảnh báo là không được đi quá giới hạn “nựng nịu”, “chọc ghẹo” các cô gái, nếu không sẽ bị “bắt vạ” thì hết đường làm ăn.
- Xem thêm: Nhạc cụ bằng đồng của người Tà Ôi
Việc mua bán chiêng giữa những người Kinh như cha con ông Chín và người Thượng, ở hình thức trực tiếp thì giao dịch không phải bằng tiền mặt, mà là sự trao đổi, hai bên sẽ thương lượng xem một chiếc chiêng hay một bộ chiêng đáng giá bao nhiêu tiền, quy ra trâu bò thì bao nhiêu con, cuối cùng nếu đồng thuận thì mua sẽ lấy chiêng, còn người bán sẽ dắt trâu bò về. Nếu việc mua bán diễn ra theo hình thức gián tiếp, tức qua một trung gian khác, thì người trung gian ấy sẽ dùng chiêng để đổi trâu bò và bán trâu bò lấy tiền đưa cho chủ lò hay người xuất chiêng.
Để tiện lợi cho việc buôn bán, ông Chín còn kết nghĩa “cha con” hoặc “anh em” với người dân tộc Tây Nguyên. Mối quan hệ này tạo nên sự tin tưởng cho cả hai bên, bởi người vùng cao Tây Nguyên không chỉ là khách mua chiêng, mà một số người cũng tích cực tham gia vào thị trường mua bán chiêng với tư cách là người bán lẻ. Họ sẽ đến lò chiêng lấy một vài cặp chiêng với giá tại lò, rồi gùi đi các làng tìm người mua. Sau khi bán xong, họ sẽ quay lại trả tiền cho lò và hưởng phần chênh lệch.
Khoảng năm 1959-1960, cha con ông Chín rút về An Nhơn mở lò chiêng tại nhà. Sản phẩm làm ra được thương buôn từ An Mỹ xuống mua đem đi tiêu thụ. Nhưng so với thời ở An Mỹ, thì thời này thu nhập ở quê không cao bằng.
Năm 1963, nhận lời mời của người bà con ở Sài Gòn, ông Chín khăn gói từ quê vào Thông Tây Hậu (Gò Vấp) làm chiêng. Lò chiêng ở đây chủ yếu sàn xuất loại “chiêng khít” ba chiếc một bộ, khi sản phẩm hoàn thành, vợ chồng ông chủ chở lên Buôn Ma Thuột bán cho đồng bào. Lò Thông Tây Hậu có 2 thợ chính, nhưng khi đem bán, chiêng của ông Chín bao giờ cũng được đồng bào chọn mua bởi thấy “đẹp”, hết hàng của ông, người ta mới mua đồ của người thợ kia.
Ông làm tại ở Sài Gòn 3 năm, đến 1965 thì trở về quê và khi chiến tranh lan tới, ông phải tản cư lên Đập Đá.
Năm 1967, ông kết hôn, được nhà vợ mua nhà cho tại Đập Đá. Ông bà sinh được 6 người còn, 5 gái và 1 trai. Đông con nên hai vợ chồng ông cũng gặp nhiều vất vả trong việc nuôi con, bởi nghề chiêng bấy giờ đã không còn hưng thịnh như trước.
Nỗi niềm hoài vọng
Từ sau 1975, nguồn nguyên liệu làm chiêng không còn dồi dào như trước do bị “cúp đồng”, tức nguồn nguyên liệu trước kia bị cắt, thêm nữa nhu cầu mua sắm chiêng cũng giảm hẳn, nghề làm chiêng do vậy suy thoái dần.
Thời kỳ này, các thợ chiêng phải tìm nguồn nguyên liệu từ các “tút đạn”, tốn công sức hơn trước nhiều, mà nhu cầu không đáng kể, phần vì bị chiêng đúc giá thấp cạnh tranh, vì vậy thợ tan lò đóng. Ông Chín phải bỏ đi làm công cho lò chiêng của một ông chú ở Trà Bá, Hội Phú (Pleiku), dù là “thợ cả”, “thợ nhứt”, nhưng thu nhập cũng không còn được bao. Đến khoảng năm 1978, thì ông quyết định từ giã hoàn toàn nghề làm chiêng, rút luôn về quê buôn bán phụ tùng máy gạo. Thời gian này, cha mẹ ông cũng lần lượt qua đời.
Làm ăn buôn bán kém, năm 1993, ông Chín quyết định bán nhà ở Đập Đá – Bình Định, dẫn vợ con di cư lên An Khê mua đất làm rừng làm rẫy. Năm 1997, ông tham gia công tác mặt trận và tổ vay vốn ngân hành chính sách ở chính quyền sở tại. Năm 2004, ông đã già, tham gia vào Ban Điều hành miếu Thanh Minh – một di tích có lịch sử và truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân gian lâu đời tại địa phương, tọa lạc tại phường An Phú, thị xã An Khê.
Hiện tại, ông sinh sống cùng vợ và một người con gái tại thị xã An Khê.
An Khê trước thuộc tỉnh Bình Định, sau thuộc tỉnh Kon Tum, rồi nay thuộc về Gia Lai, nổi tiếng bởi xưa là căn cứ địa của anh em Tây Sơn. Với riêng ông Chín, An Khê là vùng đất có nhiều kỷ niệm đáng nhớ như đã nói ở trên và sau này An Khê đối với ông không còn là “trạm trung chuyển” như xưa nữa, mà đã chính thức trở thành quê hương thứ hai, vực lại kinh tế gia đình và cho ông sống những ngày hài lòng vui vẻ ở hiện tại, không có cảm giác xa lạ tha hương nơi đất khách. Bởi chung quanh ông, phần nhiều là bà con cùng quê hương từ đất An Thái di cư lên.
- Xem thêm: Thú vị nhạc cụ thuở sơ khai
Những chặng đường mà người thợ chiêng như ông Chín đã đi qua cũng là hành trình của những chiếc chiêng ở Tây Nguyên trong khoảng thời gian từ 1954 đến những năm sau 1975 với đầy đủ những bước thịnh – suy, gian khổ – phong lưu.
Nói về việc phục hồi nghề làm chiêng hiện thời, ông Chín cho là chuyện khó, bởi nhu cầu thị trường ít, nhưng ông sẵn sàng ủng hộ việc khôi phục những giá trị văn hóa cồng chiêng. Đến nay, mỗi khi nhìn thấy hình dáng của chiêng, nghe thấy thanh âm của chiêng ông đều bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng đã qua và ông cũng sẵn lòng góp công góp sức trong khả năng của mình như truyền lại những kinh nghiệm, bí quyết của nghề làm chiêng, hướng dẫn cho những người muốn học hỏi, lấy lại tiếng cho những chiếc chiêng bị mất tiếng ở các đình miếu còn cần đến bàn tay của người thợ chiêng.