Lên Tây Nguyên vào mùa khô, tức là từ tháng 11 đến tháng 4 Dương lịch, nếu đi vào những bản làng của người Bana, du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào không khí rộn rã trong những dịp lễ hội Pơ Thi (lễ Bỏ mả).
Nghi lễ thiêng liêng
Theo tập tục của người Bana, nhà mồ của những người mới chết chỉ được dựng một cách sơ sài và theo quan niệm của họ thì người chết có linh hồn.
Thời gian đầu sau khi chết, linh hồn vẫn còn lưu luyến với cuộc sống trần thế nên cứ ở quanh quẩn nơi chôn cất. Vì thế, người thân mỗi ngày phải mang cơm nước đến cúng và quét dọn.
Chỉ sau khi làm lễ Pơ Thi phá bỏ nhà mồ cũ, dựng nên một nhà mồ mới lớn hơn, đẹp hơn thì linh hồn mới được siêu thoát, rời bỏ trần gian để đến với thế giới mới một cách nhẹ nhàng.
Sau lễ, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết hoàn toàn cắt đứt. Những người góa chồng hoặc góa vợ có quyền được đi bước nữa.
Trên thực tế, Pơ Thi là lễ hội lớn nhất và cũng là dịp vui chơi tưng bừng nhất của người Bana. Mọi hoạt động nghi lễ, hội hè diễn ra ở nghĩa địa, tập trung xung quanh ngôi nhà mồ đã được xây dựng, trang trí trước đó hàng tháng trời.
Những gia đình giàu có thường tổ chức lễ dài đến hai, ba, thậm chí bốn, năm ngày, còn các gia đình nghèo thì thường làm trong một ngày.
Những ghè rượu cần được mang ra đãi cả làng và cả làng sẽ cùng làm lễ Pơ Thi. Trong khi gia đình làm lễ cúng và khóc vĩnh biệt người chết thì bà con, dân làng đánh cồng chiêng, nhảy múa ở bên ngoài nhà mồ.
Đoàn cồng, chiêng, trống vừa đi vòng tròn quanh nhà mồ vừa biểu diễn. Bên trong nhà mồ là một nhóm người chơi lục lạc, cứ ăn, ngủ ngay trên nấm mộ trong mấy ngày liền. Già trẻ, trai gái cũng nhảy thành vòng tròn quanh mồ theo điệu nhạc.
Các ghè rượu được cột thành hàng vào những cây tre và được chia thành từng khu: khu cho thanh niên, khu cho trẻ em và khu cho những người lớn tuổi.
Mọi người ở lại trong khu nghĩa địa cho đến tận đêm khuya. Càng về khuya, các đống lửa càng rực sáng và cuộc vui càng đông người, càng sôi động. Thanh niên nam nữ còn mắc võng, trải bạt nghỉ lại qua đêm.
Chỉ tiếc là ngày càng ít người trẻ biết đánh cồng chiêng. Tại nhiều làng, bộ cồng chiêng truyền từ đời này sang đời khác đã bị thất lạc gần hết.
- Xem thêm: Nghề mõ – một cách thông tin ngày xưa
Nơi thể hiện nghệ thuật Tây Nguyên
Du khách ghé thăm bản đúng dịp này cũng sẽ được mời uống rượu ghè, ăn cơm nấu trong ống tre, thịt nướng, bánh bột khoai mì, bột gạo, thịt hấp trong lá chuối.
Không được chế biến cầu kỳ, cũng không có nhiều gia vị mà các món ăn vẫn rất thơm ngon, bởi chúng được làm từ sản vật tươi sống của núi rừng.
Các cụ già trong bản cho biết rằng trước lễ Bỏ mả vài chục ngày, người Bana thường vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ được xây dựng bằng công sức tập thể.
Người già có nhiều kinh nghiệm thì chịu trách nhiệm trang trí mỹ thuật, còn thanh niên trai tráng thì dựng cột và làm những việc nặng nhọc hơn.
Trước đây, kỹ thuật dựng nhà mồ rất thô sơ, chỉ có hệ thống kết nối bằng gá, buộc chứ không dùng kèo, mộng. Vật liệu xây dựng chỉ có gỗ, nứa, lá, không dùng gạch. Công cụ xây dựng chỉ có dao, rìu, không có cưa…
Cách xây dựng đó tạo cho nhà mồ một dáng vẻ nguyên sơ mộc mạc với nét đẹp tự nhiên nguyên thủy. Mái nhà, tường nhà là những tấm phên đan và được trang trí hình vẽ rất sinh động với màu sắc rực rỡ.
Hàng rào bao bên ngoài là tập hợp tượng gỗ đầy huyền bí và mang nặng triết lý nhân sinh. Những tượng gỗ có nội dung hết sức phong phú đa dạng, phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc sống của người Bana…
Thế nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Hiện nay, phần lớn nhà mồ đã được xây bằng xi măng, lợp tôn qua loa.
Tượng gỗ nhiều nơi đã hoàn toàn vắng bóng vì gỗ đã trở nên hiếm hoi, người ta phải thay vào đó bằng những hình… cảnh sát, máy bay, xe máy bằng nhựa!
Lời cúng gọi hồn hòa trong ánh lửa rừng cháy bập bùng đang mất dần đi vẻ linh thiêng, bởi núi rừng đang mất dần vẻ huyền bí.