Việc tiếp tục thống trị vị trí số 1 toàn cầu về lượng PC tiêu thụ trong năm 2014 xem ra vẫn không làm Tập đoàn Lenovo ngừng tham vọng. Mới đây, họ vừa công bố chiến lược đạt vị trí số 1 ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trong vòng ba năm tới.
Vẫn là số 1 toàn cầu
Theo báo cáo tháng 1-2015 của IDC (công ty nghiên cứu thị trường có uy tín trên thế giới), trong khi tổng doanh số PC bán ra cả năm 2014 trên toàn cầu giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước thì doanh số PC của Lenovo vẫn tăng mạnh lên 19,5% so với con số 17,7% của năm trước, giúp họ nắm giữ vị trí số 1 trong phân khúc. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Lenovo giữ vững vị trí này.
Còn theo báo cáo tài chính quý IV của Lenovo (kết thúc ngày 31-3-2015), tuy có bị tăng trưởng chậm lại do tác động tiền tệ nhưng doanh thu của Lenovo vẫn đạt 11,3 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong năm tài khóa 2014, tập đoàn này đã hoàn tất thương vụ mua lại mảng máy chủ x86 của IBM và mảng di động Motorola Mobility của Google với tổng giá trị 5 tỉ USD, từ đó vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường máy chủ, đồng thời đứng thứ 3 về smartphone trên toàn cầu.
Quan trọng hơn, mức cân bằng doanh thu của Lenovo được cho là tốt hơn khi không còn xoay quanh doanh số bán PC. Cụ thể, nếu như năm ngoái, mảng PC chiếm đến 83% tổng doanh thu thì hiện nay là 63%, trong phần còn lại thì 25% đến từ mảng di động và 9% đến từ mảng doanh nghiệp.
Đầu tháng 6 vừa qua, Lenovo đã tổ chức sự kiện Tech World toàn cầu với sự tham gia của nhiều đối tác lớn như Intel, Microsoft, Baidu… Lấy sáng tạo công nghệ là tiêu điểm chính là lời cam kết của Lenovo với các đối tác, đồng thời cũng là lời khẳng định với các đối thủ cạnh tranh rằng họ sẽ không bỏ qua mặt trận PC cho dù phân khúc này đang có những dự báo không tích cực.
Trên thực tế, mặc dù có bước công và thủ khá vững chắc ở thị trường toàn cầu nhưng ở khu vực Đông Nam Á, báo cáo doanh số mảng PC trong quý I-2015 của IDC cho thấy Lenovo cần phải nỗ lực hơn vì họ chưa đứng đầu về doanh số PC ở nhiều nước. Cụ thể, ở Singapore, Thái Lan và Philippines, Lenovo đứng thứ hai về sức tiêu thụ PC với thị phần lần lượt là 17,5%, 13% và 13,5%. Còn ở Việt Nam và Malaysia, Lenovo chỉ đứng thứ tư với thị phần lần lượt là 4,9% và 11,7%.
Tuy nhiên, đây cũng được xem là tin tốt khi dư địa phát triển thị trường ở khu vực Đông Nam Á còn rất lớn. Cụ thể, báo cáo quý IV-2015 cho thấy thị phần PC của Lenovo ở khu vực này tăng cao kỷ lục, tới 11,7%. Đặc biệt, Việt Nam là một trong bốn quốc gia có mức tăng trưởng thị phần máy tính dành cho người tiêu dùng cao nhất trong những tháng vừa qua. Khu vực này cũng được cho là sẽ đóng góp không nhỏ vào việc giữ vững vị trí số 1 về tiêu thụ PC toàn cầu của Lenovo trong thời gian tới.
Mục tiêu đầy tham vọng
Trong chia sẻ mới đây, tiến sĩ Harry Yang – Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lenovo khu vực Đông Nam Á cho biết trong năm tài khóa 2015-2016, tập đoàn sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn tại các quốc gia Đông Nam Á và công bố chiến lược “1.2.2.1” đầy tham vọng – một năm để trở thành số 2 và hai năm để trở thành số 1 thị trường PC tại khu vực này.
Khá cởi mở, ông Yang nhận định rằng để kinh doanh thành công trong mảng máy tính, chỉ cần tập trung vào các yếu tố cơ bản nhất, gồm sản phẩm tốt, dịch vụ bảo hành chuyên nghiệp, đa dạng sản phẩm và phong phú về giá cả. Đây cũng là nguyên nhân Lenovo chưa có được vị trí như mong muốn ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á trong hai năm qua. “Thời gian qua, với nguồn lực hạn hẹp, chúng tôi chưa thể đầu tư con người cũng như hạ tầng ở các quốc gia này. Nhưng hiện nay mọi việc đã khác” – ông Yang nói.
Bên cạnh đó, việc mua lại mảng máy chủ của IBM và Motorola đang giúp Lenovo trở thành nhà cung cấp giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp.Theo đó, khách hàng mảng máy chủ IBM sẽ là khách hàng tiềm năng cho dòng máy tính của Lenovo ở các quốc gia này. Tại Việt Nam, giữa tháng 6 vừa qua, Lenovo Việt Nam đã tổ chức hội nghị đối tác với sự tham gia của 100 đối tác trên toàn quốc nhằm cam kết hỗ trợ tốt nhất về sản phẩm, các chính sách sau bán hàng và hỗ trợ về tài chính cho các đối tác.
Đánh giá về thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, ông Yang cho rằng đây là nơi pha trộn giữa thị trường trưởng thành có thị hiếu công nghệ cao và thị trường mới nổi với sự phổ biến của công nghệ phổ thông. Ông nhận định rằng các ngành ngân hàng, dịch vụ thuê khoán, chính phủ điện tử, sản xuất năng lượng, y tế và giáo dục sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đó chính là yếu tố sẽ tạo ra đà tăng trưởng quan trọng đối với Lenovo.
Đã từng đến Việt Nam từ 20 năm trước, với kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành, ông Yang tỏ ra tin tưởng mạnh mẽ vào sức sống của nền tảng PC kể cả khi doanh thu thị trường này tụt dốc bởi sự xuất hiện của máy tính bảng khoảng năm năm trước. Ông bày tỏ niềm tin: “Mặc dù thị trường PC chung đang có những khó khăn nhưng chúng tôi luôn tin rằng còn rất nhiều cơ hội trong mảng này. Những hãng nào có năng lực sáng tạo mạnh mẽ sẽ tồn tại được trong bối cảnh hiện nay. Ở Lenovo, chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới để bắt kịp xu hướng và nắm bắt những cơ hội trên thị trường”.
Minh Anh (DNSGCT)