Trong số rất nhiều nghi thức diễn ra trong hoàng cung triều Nguyễn, có một nghi thức đặc biệt mà rất ít người biết đến đó là lễ đầy tháng và lễ thôi nôi (hay còn gọi là lễ đầy năm). Đây là 2 nghi lễ quan trọng mà triều đình tổ chức dành cho các em bé trong dòng dõi hoàng tộc khi vừa tròn 1 tháng và 1 tuổi. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới còn khắc ghi về 2 nghi lễ độc đáo này.
Theo quy định của triều Nguyễn, khi em bé trong dòng họ hoàng tộc chào đời, Thái giám có trách nhiệm ghi lại giờ sinh và ngày sinh của bé. Về việc này, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 194, mặt khắc 10, ghi chép cụ thể rằng: “Hoàng tử công, hoàng tử, thân công, sinh con trai hay con gái, ngay ngày đó đóng ấn tước của mình tư cho phủ, người chưa được phong tước thì sức cho thuộc viên bẩm báo, đều nói rõ năm tháng ngày giờ, vợ cả hay nàng hầu họ gì, sinh ra con cả hay con thứ, con trai thứ mấy hay con gái thứ mấy, và lấy cả họ tên người đàn bà đẻ ấy, do phủ phái ổn bà ra xét nghiệm, lấy cung, đầy tháng làm tập tâu, xin đặt tên, kính chờ ban cho, Nội các lục tống đến phủ, chiểu lệ tư cho Bộ Hộ, Quang lộc tự, Nội vụ phủ, Thanh thận ty và công sinh ra người con ấy tuân theo, về sinh con gái thì cho tự đặt tên theo như trước tư cho phủ để biên vào sổ đỏ để lưu chiểu, đến kỳ làm tôn phả, lại tư đến đối chiếu, chiểu hệ làm phả”.
Khi em bé trong dòng họ hoàng tộc sinh ra, đến ngày đầy tháng, em bé sẽ được đặt tên chính thức. Và trong lịch sử Việt Nam, chính vua Minh Mạng là người đầu tiên khởi xướng ra 2 nghi thức này. Ban đầu, vào năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng cho đặt lễ đầy năm. 4 năm sau (tức vào năm Đinh Hợi -1827), vua tiếp tục cho đặt thêm lễ đầy tháng. Và kể từ đó hai lễ này được duy trì trong hoàng cung triều Nguyễn.
Vào ngày đầy tháng, đầy năm, các em bé trong hoàng thất sẽ được ẵm vào ra mắt và được nhận quà từ chính tay vua ban cho. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 241, mặt khắc 23, có ghi chép như sau: “Minh Mạng năm thứ 4 (1823), dụ rằng bắt đầu từ năm thứ 5, phàm các hoàng tử sinh đầy năm, làm lễ ẵm cho yết kiến hoàng thượng thì thưởng bạc 200 lạng, hoàng nữ thì thưởng bạc 150 lạng. Các con trai trưởng công đầy năm ẵm vào yết kiến hoàng thượng thì thưởng bạc 50 lạng, con gái thưởng 40 lạng, ghi làm định lệ.
Năm thứ 8 (1827), sắc cho phủ Nội vụ: phàm hoàng tử, hoàng nữ mới sinh vừa đầy tháng thì thưởng cấp áo quần đều 1 cái, chăn 2 cái, con trai con gái các hoàng tử và tước công thì thưởng cấp áo quần đều 8 cái, chăn 1 cái”.
Ngày hôm ấy, trong hoàng cung triều Nguyễn, một không khí thật vui tươi, đầm ấm được diễn ra, những em bé được vua ẵm trên tay và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đến năm Tân Mão (1831), vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã quyết định ban thêm tiền thưởng cho các bé khi đầy năm: “Định lại lệ thưởng bạc cho con trai, con gái của hoàng tử và các thân công, được đầy năm, ẵm đến ra mắt. Lệ trước con trai của hoàng tử được thưởng 50 lạng bạc, con gái 40 lạng; con gái của thân công cũng thế. Nay chuẩn định: con trai trưởng của hoàng tử được thưởng 60 lạng, con gái trưởng 50 lạng; còn con cái về hàng vợ lẽ vẫn theo lệ trước; con trai trưởng của thân công thưởng 50 lạng, con gái trưởng 40 lạng, con trai vợ lẽ 40 lạng, con gái vợ lẽ 30 lạng.
Nghi thức này được thực hiện cho đến năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mạng đã hạ lệnh cho dừng lễ ẵm ra mắt. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 86, mặt khắc 11, có chép như sau: “Sai đình chỉ lễ ẵm con trai, con gái của nhà vua và con trai con gái của các hoàng tử, cùng với con trái con gái của các tước công, nhân ngày đầy tuổi tôi, vào ra mắt vua, kể bắt đầu từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833)”.
Như vậy, nghi thức lễ đầy năm dành cho con em trong dòng tộc hoàng thất được dừng lại sau 10 năm hoạt động, còn lễ đầy tháng, có được duy trì hay không tư liệu Mộc bản triều Nguyễn không thấy được nhắc đến. Mãi đến năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị mới có chỉ rằng: “con trai, con gái các hoàng đệ tước công mới sinh, khi đầy tháng, vẫn theo lệ trước ban thưởng quần áo, chăn các hạng, còn như các hoàng thân tước công, lương bổng đã nhiều, để dễ sắm sửa, thì cái lệ ban cấp áo chăn cho con trai, con gái mới sinh khi đầy tháng, nay đều tinh giảm đình chỉ”.
Cũng giống như triều vua cha Minh Mạng, Hiến tổ chương Hoàng đế cũng quy định khi em bé được 1 tháng tuổi, em bé sẽ chính thức được đặt tên: “Từ trước đến nay, những giờ sinh hoàng tử, công chúa ở trong nội đình, đợi được đầy tháng mới đặt tên, sau mới tiếp Thái giám truyền bá ra nguyên ty Thanh cẩn biên vào danh sách hoàng phái, tức thì do Thái giám cung giám báo ngay lúc bấy giờ, để cho được xác thực”.
Tiếp nối truyền thống của các đời vua trước, năm Mậu Thân (1848), vua Tự Đức đã theo lời tâu chuẩn y như sau: “Con trai, con gái từ An Phong công Hồng Bảo trở xuống, mới sinh khi đầy tháng, trước kia được cấp áo quần đều 6 cái, chăn 1 cái, nay chiếu lệ định con trai, con gái các tước công cấp quần áo đều 5 cái, chăn 1 cái, còn như con trai con gái từ hoàng thân Thọ Xuân công Miên Định trở xuống, mới sinh khi đầy tháng, thì khoản thưởng cấp áo chăn đều nên đình chỉ để hợp lễ đã định”.
Có thể nói, nghi thức về lễ đầy tháng và lễ đầy năm của Hoàng cung triều Nguyễn mang dáng vẻ của sự quý phái, trang nghiêm. Cho đến nay, đã gần 200 năm trôi qua, nhưng hai nghi lễ này vẫn được người dân Việt Nam kế thừa và tiếp nối theo cách riêng. Đó là nét đẹp trong phong tục văn hóa của dân tộc Việt Nam.