Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài mới đây đã bày tỏ thái độ chưa đồng tình với Dự thảo Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB-XH) đưa ra lấy ý kiến.
Dự kiến nghị định này sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2018 với năm chế độ thực hiện là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất như quy định đối với người trong nước. Theo đó, người lao động nước ngoài đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng với mức đóng 8% lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, còn người sử dụng lao động phải đóng tối đa bằng 18% lương tháng trả cho người lao động nước ngoài gồm 3% vào quỹ ốm đau, thai sản, 1% vào quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tiền lương tháng tính đóng BHXH gồm: mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo quy định.
Quan điểm của Bộ LĐTB-XH là: (1) Hiến pháp VN quy định tất cả lao động phải được bảo đảm an sinh xã hội và VN không muốn đối xử phân biệt lao động trong và ngoài nước; (2) Chi phí sử dụng lao động trong nước sẽ cao hơn sử dụng lao động nước ngoài nếu đối tượng sau không đóng bảo hiểm bắt buộc, (3) Mở cơ hội cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận chế độ BHXH ở nước sở tại.
Trong khi đó các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng dự thảo nghị định này không hợp lý vì: (a) Các lao động nước ngoài đã tham gia BHXH ở quê nhà, nay với quy định này, người lao động nước ngoài phải đóng BHXH hai lần; (b) Cơ sở hạ tầng và chính sách BHXH giữa hai nước chưa tương thích để cộng dồn thời gian đóng; (c) Người nước ngoài lâu nay không chỉ đóng BHXH ở nước họ mà còn tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe tự nguyện ở nơi làm việc, mua bảo hiểm ở các công ty chuyên ngành, nay phải đóng thêm BHXH khiến người lao động lẫn người sử dụng lao động mất thêm chi phí; (d) Thông thường người lao động nước ngoài hưởng lương rất cao, việc đóng BHXH sẽ tăng thêm gánh nặng nhiều lần cho doanh nghiệp.
Bộ LĐTB-XH cho biết đang đàm phán với các nước về hiệp định tránh đóng BHXH hai lần, nhưng chỉ mới đạt được thỏa thuận với Đức, trong khi người lao động VN đang làm việc tại 40 quốc gia và lãnh thổ thì vấn đề sẽ được giải quyết ra sao?
Đó là chưa kể, người nước ngoài làm việc ở nước ta thuộc nhiều dạng khác nhau ví dụ lao động theo giờ như giáo viên hay thông dịch viên, rồi thời gian nghỉ phép của lao động nước ngoài thường rất dài thì tính BHXH theo cách nào đây?
Nhưng có một vướng mắc quan trọng là liệu chất lượng dịch vụ và cơ chế tổ chức thực hiện chế độ BHXH của chúng ta có đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người lao động nước ngoài hay không? Tất cả những vướng mắc này rất cần được Bộ LĐTB-XH nghiên cứu làm rõ, để tìm sự đồng tình của các đối tượng mà nghị định này chi phối.
- Ngọc Anh