Năm 1835, triều đình nhà Nguyễn cử Ngô Thì Sĩ lên trấn thủ Lạng Sơn và nơi đây đã ghi lại nhiều bút tích của vị văn sĩ này. Cùng với việc xây dựng và củng cố thành Lạng Sơn, sách Dư Địa Chí của Nguyễn Nghiễm có viết: “Xung quanh trấn thành đã hình thành nên rất nhiều chợ và phố như: phố Kỳ Lừa, phố Trường Thịnh, Đồng Đăng, thu hút thương nhân, lái buôn trong nước và người Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi hàng hóa đông vui, tấp nập”. Từ đầu thế kỷ XX, thị xã Lạng Sơn được chia làm hai khu vực tự nhiên, lấy sông Kỳ Cùng làm ranh giới, phía bờ nam gọi là “bên tỉnh”, phía bờ bắc gọi là “bên Kỳ Lừa”. Bên tỉnh là tập trung các cơ quan công sở hành chính. Bên Kỳ Lừa là nơi tập trung các phố chợ, diễn ra các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, buôn bán của người dân.
Từ thời xưa, Lạng Sơn đã lưu giữ dấu chân của rất nhiều tao nhân mặc khách ưa thích du ngoạn đây đó bởi những hang động, di tích lịch sử nổi tiếng như quần thể hang động Nhất, Nhị, Tam Thanh, Nàng Tô Thị, Thành Nhà Mạc, Chùa Tiên, Giếng Tiên… cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc phố thị vùng cao. Mỗi đầu xuân mới, xứ Lạng lại thu hút hàng vạn khách bốn phương nhờ hàng loạt các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội đền Kỳ Cùng, lễ hội Chùa Tam Thanh, lễ hội Lồng Tồng làng Khòn Lèng, lễ hội Chùa Tiên, lễ hội đền Vua Lê và lễ hội đặc sắc nhất – Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa… Tiếp nữa là các điểm du lịch mua sắm hấp dẫn như chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa…
Di tích cổ ở Lạng Sơn có thể kể đến đền Mẫu Thượng Sài Sơn ở đường Ngô Thì Sĩ. Đền được xây dựng trên triền đá đầu dãy núi Nhị Tam Thanh, nơi có nhiều cây đa, cây gạo cổ thụ um tùm tỏa bóng mát rượi xuống mái đền tôn nghiêm. Nổi tiếng hơn nữa là chùa Tam Thanh tọa lạc ở phường Tam Thanh. Chùa được dựng từ thời Hậu Lê, nằm trong hang động. Trong động có hồ Cảnh nước luôn trong xanh, có pho tượng đức Phật A Di Đà cao 2,2m được tạc nổi vào vách đá. Tượng tạc tư thế đứng, mang phong cách mỹ thuật thời Lê Mạc. Chiều dài lòng động khoảng 50m với nhiều nhũ đá tạo những hình thù đẹp mắt.Phía sau động có cửa Thông Thiên thông lên đỉnh núi.
Một kiến trúc mới đáng chú ý của thành phố là nhà thờ Chánh tòa Lạng Sơn Cao Bằng. Công trình được phối hợp bởi kiểu nhà sàn các dân tộc miền núi phía Bắc và bộ mái cong kiểu cung đình Việt Nam. Nhà thờ có hai mái bộ xếp lên nhau, mái trên tượng trưng cho Trời, mái dưới tượng trưng cho con người, sàn móng vuông tượng trưng cho Ðất, theo quan niệm Thiên, Ðịa, Nhân, Hòa. Cây tháp chính năm tầng được xây dựng liền với tiền sảnh nhà thờ ngụ ý nói năm yếu tố Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Hai hướng Bắc-Nam của nhà thờ xây hai tháp nhỏ có hai tầng, mỗi tháp treo một đèn lồng bằng gỗ thắp sáng; phía bắc ngầm nói đến ý truyền giáo lên tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, phía nam nói đến công việc truyền giáo cho tỉnh Lạng Sơn. Tất cả các mái nhà thờ và mái các tháp, đầu mái hơi cong lên, và được lợp ngói âm dương màu xanh, diễn tả tâm hồn siêu thoát muốn vươn lên.
Vân Nam