Trước làn sóng đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu gây lo ngại, hôm 12-7 chính phủ Đức đã ban hành một sắc lệnh siết chặt quy định về đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực chiến lược.
Báo chí Pháp đưa tin tốc độ mua lại doanh nghiệp Đức hiện đang tăng vọt. Nếu như năm 2006 chỉ có một doanh nghiệp duy nhất thì năm 2016 Trung Quốc đã mua tổng cộng 58 với tổng số tiền 11,6 tỉ euro, nhiều hơn 19 doanh nghiệp so với năm trước. Trường hợp công ty sản xuất robot công nghiệp Kuka, một doanh nghiệp được coi là chiến lược, bị tập đoàn Trung Quốc Midea mua lại hồi năm ngoái với giá 4,5 tỉ euro là một kinh nghiệm cay đắng đối với Đức. Berlin đã không kịp trở tay.
Bất chấp chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Đức mới đây, với khuyến nghị một thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu và Đức, Berlin vẫn quyết định lấy phòng thân làm đầu. Kể từ giờ, các tập đoàn ở ngoài Liên minh châu Âu nếu muốn mua lại hơn 25% giá trị một doanh nghiệp Đức phải chờ bốn tháng để được xem xét đề nghị. Các lĩnh vực được coi là trọng điểm sẽ bao gồm thêm ngành điện, nhà máy hạt nhân, hệ thống cung ứng nước, mạng lưới viễn thông, bệnh viện và sân bay.
Phản ứng trước quyết định của chính phủ, chủ tịch Hiệp hội giới chủ Đức BDI cho rằng nước Đức sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Ở cấp độ châu Âu, đây là một vấn đề gây chia rẽ. Nếu như Đức, Pháp, Ý lo ngại nguy cơ Trung Quốc, thì một số nước như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha – vốn ít có các doanh nghiệp công nghệ cao – sợ rằng việc siết chặt thủ tục sẽ ngăn cản đầu tư nước ngoài.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình đầu tư, Tập đoàn Dầu mỏ Nhà nước Trung Quốc CNPC đầu tư vào Nam Sudan, nơi cấp khoảng 2% đến 5% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Cho dù dầu mỏ sụt giá, CNPC mất khoảng 2 triệu USD/ngày, nhưng Bắc Kinh vẫn bám trụ bởi lợi ích chiến lược của vùng đất này.
Kể từ năm 2013, khoảng 100 doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt trong nhiều lĩnh vực trọng yếu ở Nam Sudan. Nhìn chung, đầu tư Bắc Kinh vào châu Phi tăng vọt từ 1 tỉ USD năm 2004, lên đến 24 tỉ vào năm 2013. Theo Les Echos, căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti sẽ trở thành phương tiện chính để sơ tán kiều dân Trung Quốc, một khi châu Phi – trước hết là Nam Sudan – biến động.
- Đ.N
Xem thêm:
- Trung Quốc vẫn là công xưởng toàn cầu
- Trung Quốc tìm cách vượt khó
- Trung Quốc nhập dầu nhiều nhất thế giới