“Tác giả chủ tâm tập trung chọn lấy những biến cố đắc địa nhất để nói về sự mất mát. Và dù không thấy vẻ hấp hối đầy kịch tính như những cơn hấp hối khác ở các đô thị lớn (những cuộc đại di tản, chẳng hạn), ta vẫn cảm nhận được cơn đau cuối cùng của một thực thể.” – Nhà văn Mai Sơn nhận định về “Ký ức của ký ức” – tiểu thuyết Nguyễn Vĩnh Nguyên (Phanbook & NXB. Phụ nữ ấn hành, 2020) trên trang Chuyện Đà Lạt. Để tường minh “cơn đau cuối cùng” đó, Người Đô Thị giới thiệu bài viết của Nhà văn Mai Sơn đến độc giả.
1.
Dù có rất nhiều triết học, thiền học, tâm lý học khuyên ta hãy sống hết mình cho hiện tại để được hạnh phúc, thì ký ức vẫn như con sâu ngày đêm đục khoét trái táo hiện sinh của ta. Ký ức của ta làm nên chính ta, tính đồng nhất căn cước linh hồn ta. Nhưng bị ký ức săn đuổi mãi cũng là điều bất hạnh. Ta đi đứng giữa cuộc đời này, va chạm không ngưng với muôn vật hữu hình và vô hình, nhưng sự buồn bã do ký ức mang đến làm cho ta bị tách ra khỏi nó, và cô đơn làm sao. Và nếu trong cái quá vãng đó từng có một dự phóng, một mơ màng bị chặn đứng, bị bóp nghẹt thình lình thì nỗi cô đơn càng chết người, không sao lấp đầy.
Đó là cảm giác sau khi đọc Ký ức của ký ức, một tiểu thuyết tâm lý – xã hội, chính trị, với lối viết trữ tình pha trộn trinh thám, điều tra, dựa trên nhiều tư liệu, hồ sơ mật vụ (và thật vậy, từ giữa thập niên 1940, trong những xô đẩy của đời sống chính trị, Đà Lạt – không gian đô thị trong cuốn tiểu thuyết này – từng là thành phố của mật vụ), trong đó người thực, kể cả nhân vật lịch sử dường như đang đi bên cạnh các nhân vật hư cấu.
Một nhà văn biên khảo, nhân vật xưng tôi trong tiểu thuyết này, lang thang giữa Đà Lạt tìm tung tích một người con gái tên t. mà không thực sự hiểu rõ vì sao mình làm vậy. Có thể vì một chút sai khiến của bệnh nghề nghiệp, hay cũng có thể vì sự bí ẩn ly kỳ của chữ t., hay do một mắc xích còn thiếu trong chuỗi biến cố lặn sâu trong tiềm thức và vô thức anh ta. Để rồi anh ta bị cuốn vào cuộc tìm kiếm này ít hơn so với cuộc tìm kiếm chính mình.
Trong viễn cảnh đó anh rời bỏ con đường chính mà tự đánh lạc mình vào những ngõ vắng này đến ngõ nhỏ khác. Hay thực ra đi tìm t. là đi tìm những di chỉ văn hóa-tinh thần khuất lấp ở đâu đó. Và t. có thể là biểu tượng, là tên của một đóa hồng. t. như là một nỗi khắc khoải khôn nguôi. t. là tên một khúc sông đã trôi xa mãi, và không ai có thể tắm hai lần trong một khúc sông. Đã có một khúc đoạn lịch sử mới. Dễ hiểu vì sao người đi tìm luôn bị lôi kéo đi theo mọi hướng, có thể là xa dần t. theo một nghĩa, và đến gần t. hơn, theo một nghĩa khác. Nhưng trong thực tế thì ta vẫn hồi hộp đi theo những bước chân của anh… để tìm t. Thì vậy mới là tiểu thuyết…
như thể những ngọn đồi mù sương cứ nối tiếp mãi trước mặt, điệp trùng, chẳng biết đâu là điểm dừng. (trang 51)
Và trong khi cuộc tìm kiếm cho thấy không đi đến đâu, mà ngày càng rối rắm, một phần do anh ta bị phân tán, nhưng phần nhiều do bản tính văn nghệ lan man, lơ mơ của mình, anh rơi thẳng và chìm sâu vào một đoạn đời thời tuổi trẻ của mình ở đây. Cả hai hành trình thực và ảo này đều diễn ra ở một thành phố đường dốc quanh co mù sương.
Cuốn tiểu thuyết gồm ba phần. Phần 1 – chủ yếu có tính biên khảo với nhiều nhân vật nổi tiếng, những sự kiện xoay quanh thời khắc Đà Lạt, cũng như cả miền Nam, rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tất cả hiện ra một lần cuối trong sách và biến dần vào hậu cảnh của sân khấu lịch sử.
Trên sân khấu nhỏ và sắp sửa hạ màn đó, tác giả trình diện các khuôn mặt nổi tiếng nhất gắn với Đà Lạt: Phạm Công Thiện, Lê Uyên-Phương, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Đinh Cường, Đỗ Long Vân, Nguyễn Bạt Tụy… Họ hiện ra trong vẻ đẹp ngời sáng của văn hóa miền nam trước 1975. Và khi tác giả không kể về họ nữa, hoặc không còn gì để kể nữa, thì đó cũng là một dụng ý, một khoảng trống đầy ắp. Một sự im lặng làm điếc tai ta.
Tác giả chủ tâm tập trung chọn lấy những biến cố đắc địa nhất để nói về sự mất mát. Và dù không thấy vẻ hấp hối đầy kịch tính như những cơn hấp hối khác ở các đô thị lớn (những cuộc đại di tản, chẳng hạn), ta vẫn cảm nhận được cơn đau cuối cùng của một thực thể.
Như tên gọi, cuốn tiểu thuyết đầy ắp và chồng chất những ký ức, hình ảnh, sự kiện, vật thể, những con người lừng danh, nhất là ở phần một và phần ba. Phần giữa – phần hai là những trang viết đẹp, thảm sầu, và cũng dày đặc chi tiết theo cách khác: hình ảnh thiên nhiên, cảnh vật, không khí, mùi vị, sự dao động, đường nét, sắc thái tâm trạng.
Ở đây có mối tình đầu đẹp và buồn, được thiên nhiên vuốt ve, bảo bọc, chữa lành – chuyện tình đó bị kẹt trong sự thù hằn không nói ra giữa hai hộ gia đình, khiến ta nghĩ đến hai gia tộc Montague và Capulet trong kịch Romeo và Juliet của Shakespeare. Ở đây có câu chuyện bản năng và tình dục đầu đời vụng về và sôi nổi được đánh thức. Và ở đây có tình bạn của hai người đàn ông khác xa nhau về kinh nghiệm cuộc sống và mọi thứ khác, có lẽ chỉ có một thứ đồng nhất là cả hai đều là hai gã đàn ông cố sống từng ngày trong một thời không thể sống nổi. Một tình bạn thật lạ và cảm động.
Nhưng phần đẹp nhất lại cũng chính là phần chứa đựng nhiều mất mát. Chàng trai sớm biết khổ đau vì một tình yêu thấp thoáng, bất khả và cũng sớm kết thúc: người bạn gái bé nhỏ hồn nhiên chết đột ngột. Anh sớm biết hoan lạc trong sự trầy trật với tình dục, nhưng người tình đàn chị đầy nhục cảm dẫn dắt anh từng bước trên giường phải bỏ anh nằm đó, để vượt biên. Rồi không lâu sau, khi anh đã có chút yên bình, cái tin về người anh – người bạn lớn bị xe cán chết đến như tiếng đinh đóng vào tấm ván đen cuối cùng.
Phần hai chứa đựng trọn vẹn một câu chuyện tình, có lẽ đủ hay và hấp dẫn để đứng độc lập khỏi hai phần đầu và phần cuối. Nhưng có thật là nó có thể trải dài một mình như một con đèo quanh co khúc khuỷu mà không có hai vách rừng đồi thông bao bọc hai bên không?
2.
Khi nhà văn biết quá nhiều về một thành phố họ sẽ làm gì? Kể chuyện đầy say mê như Orhan Pamuk với thành phố Istanbul? Như Kawabata với thành phố Osaka? Philip Roth với thành phố Newark? Hay phịa chuyện như William Faulkner với thành phố tưởng tượng Yoknapatawpha?
Với Nguyễn Vĩnh Nguyên, anh có cả một khối kiến thức khổng lồ về Đà Lạt, và tất cả cái biết này lần lượt thoát thai thành bộ khảo cứu (Đà Lạt, một thời hương xa [2016], Đà Lạt, bên dưới sương mù [2019] và Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ [2021]). Và bây giờ, tiểu thuyết “Ký ức của ký ức” là một tấm lưới khác, thủ pháp khác, ngôn ngữ khác, ma thuật khác nhằm nắm bắt Đà Lạt theo cách của một nhà tiểu thuyết.
Văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đẹp. Tôi đọc thấy nhiều bình luận của bạn đọc trên mạng nói vậy. Và tôi đồng ý.
Tôi đi theo nàng. Đôi bắp chân hồng vẽ những đường chéo trong cỏ, như nhát kéo mềm mại cắt một lối vòng dẫn xuống mặt đất. Trong chiều muộn. Tôi biết, đó là khi mặt đất đang rã dưới chân. Mặt đất không thuộc về tôi với nàng. (trang 110)
Đoạn sau đây, một đoạn hay, dù hơi dài nhưng phải trích ra để thấy tác giả vẽ bối cảnh của câu chuyện tình mà như vẽ một điềm báo bi thảm:
Đó là con heo trắng nhất và dài nhất mà tôi được thấy trong đời. Thế nhưng trong chỉ chừng năm giây, đường dao xuyên rất ngọt, khiến con heo không kịp thét lên một tiếng nào. Những âm khục khục của thanh quản bị cắt lìa thoát ra cùng bọt máu. Một vòi máu bắn vào má phải và bết lên mớ râu quai nón xồm xoàm của tay đồ tể thượng thừa. Ông ta làu bàu văng tục rồi khoát tay áo xát lên mặt làm vết máu không bị xóa đi mà loang ra trên má. Vở kịch của sự câm lặng đã bị phá vỡ. Người trong các cửa nhà túa ra và những tiếng rì rầm chộn rộn của ngày mới đã bắt đầu. Con heo trắng nằm sải lai từ góc này qua góc kia, trong mươi phút, cơ thể nó được phân thành từng tảng. Ít lâu sau, thịt được đem chia cho những người có mặt mua theo kiểu tai vách mạch rừng. Đừng nói cho ai bên ngoài biết. Dù vết máu con heo, một ít đã loang xuống khoảng sân và theo những cống nước thoát chảy đi, một ít thành bợn ngấm trên mấy mảng rêu như mớ vải nhung xanh bị rách nham nhở.(trang 82)
Giữa Đà Lạt thơ mộng ngàn hoa khói sương lãng đãng dịu dàng sao lại có hình ảnh bạo liệt này hả trời? Có lẽ người ta quen nghĩ rằng sự tĩnh lặng là bản chất muôn thuở của Đà Lạt, nhưng thật ra không phải vậy; khi đọc những trang viết chắt lọc của Nguyễn Vĩnh Nguyên ta thấy Đà Lạt một lúc nào đó đã hết bình yên từ thẳm sâu. Nó náo động và đảo lộn trong bối cảnh thập niên 1980 mà tiểu thuyết khảo sát.
Văn đẹp. Nhưng cũng vì đẹp, và cố ý làm đẹp mà có lúc câu văn trở nên mỏng manh như sắp vỡ ra. Tuy nhiên cái “không có” của chúng mới là điểm mạnh. Chúng thường không thẳng băng, không chính xác như từng chữ được vít chặt vào nhau; chúng không phải là những vật liệu vô hồn. Chúng có độ chênh, gây chênh chao. Những đoạn khúc khuỷu, gây hồi hộp. Khi thiếu, như hụt hơi thiếu máu. Khi thừa, thường là thừa, là gia tăng, gấp gáp, như muốn tràn qua một hạn định nào đó do chính mình đặt ra là sự ngưng đọng, sự cô đọng.
Các thủ pháp hậu hiện đại được thực hiện: cắt dán văn bản, photos, sơ đồ, biên bản, báo cáo, bản tin trên báo. Bạn đọc sẽ ngạc nhiên thú vị khi thấy các yếu tố thường bị coi là tiền-văn chương, tiền-mỹ học có mặt thoải mái trong tiểu thuyết này. Có tấm ảnh, sơ đồ buộc ta phải dừng lại nhìn thật lâu đến quên mất mình đang đọc tiểu thuyết. Các yếu tố liên văn bản được trộn lẫn. Chẳng hạn, trong khi đọc, chúng ta chưa kịp dừng lại trước khí quyển quen quen của Patrick Modiano, băn khoăn tự hỏi liệu tác giả có chịu ảnh hưởng tiểu thuyết gia Pháp này không, thì tác giả nói luôn (ở trang 49) để phần nào giải đáp. Vậy là, chưa hết phần 1, phần tạm gọi là phi hư cấu vì dựa trên nhiều sự kiện, màn sương tiểu thuyết đã buông xuống.
Nhưng tư liệu, tài liệu có phải là hoàn toàn sự thực không? Hay đã qua lăng kính của quyền lực chính trị, quyền lực truyền thông, lòng tham, sự yếu đuối và sự lừa dối? Chúng có để lại những khoảng trống, khoảng hở nào không? Nếu có, chắc chắn đây sẽ là chỗ đánh thức trí tưởng tượng của người viết tiểu thuyết.
Ví dụ, lý lịch của một xưởng cưa. Đột ngột một xưởng cưa! Tại sao một xưởng cưa? Chẳng thơ mộng gì cả, chẳng hứa hẹn giúp ích gì cho không khí tiểu thuyết cả! Nghe khô khốc, tẻ nhạt, tầm thường. Nhưng tiếng động đều đều mỗi ngày của nó thì sao? Không tài liệu nào nói đến, hay quan tâm.
Tiếng động khô khan đó đã gõ vào vô thức tác giả, chứ chắc hầu hết chúng ta, ngoại trừ những nhà buôn bán gỗ xẻ, không quan tâm tiếp nhận nó làm gì. Một bên, người thám tử mơ màng “nghe những tiếng rè rè vọng lên từ dưới thung lũng”; một bên, tay tình báo chuyên nghiệp cho rằng “Âm thanh đó không có thực. Tôi chưa nghe thấy lần nào từ khi các trại cưa đóng cửa”. Anh ta chỉ nghe nhạc cổ điển thôi mà!
Đoạn này có ý nghĩa như cảnh giết heo ở trên, tức là cho thấy sự tương phản giữa thực và ảo; giữa cái ta thường mặc định là vậy với “cái không chỉ có vậy” do tác giả gợi lên; giữa hiện thực dày đặc và phản hiện thực còn nhạt mờ.
Tối giản, là “ít mà vẫn nhiều”, do cách tác giả chọn đưa vào sách những sự biến trọng tâm, chất chứa.
Những ngày cuối tháng 3-1975, những biến động chiến sự đẩy các kho văn khố của thành phố vào một cuộc xê dịch trôi nổi khác. (trang 50)
… Đỗ Long Vân, một giáo sư văn học vừa trở về từ đại học Sorbonne đang ẩn cư để được lãng quên. Một con rồng chịu lẩn trong mây trời của một thời kỳ hoang phế. (trang 13)
Để cắt một lát trên thân cây lịch sử, biến nó thành một văn bản tối thiểu về chiến tranh – chính trị:
Phở Bằng còn là điểm mà một tình báo quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị bắn hạ trên đường ra trình diện vào ngày 1 tháng 4 năm 1975. Chỉ còn vài bước nữa là có thể chạm vào chiếc bàn tự thú với hy vọng sẽ kéo dài đời sống nhá nhem phía trước, thì một viên đạn đã găm vào ngực, đưa ông ta thẳng về cõi sáng của thiên đường. – Không rõ là đạn của bên nào, Ẩn, một nhân vật tình báo đã nói lấp lửng sau nụ cười khẩy. (trang 48)
Mô tả chiến tranh như thế thì không thể tối giản hơn được nữa. Chỉ trong vài dòng, tác giả đã cho ta thấy chiến tranh là ai thắng ai về một phương diện đấu trí chiến lược. Và kết cục là một người nằm xuống; còn người kia, thắng, lạnh lùng phán xét mà như không thèm phán xét.
Anh chàng Ẩn này về sau còn cho thấy mình là điển hình cho sự định nghĩa lại mọi giá trị của bên “đặt cược và thắng cược”. Anh ta phán mọi thứ như kẻ biết tuốt. (Để tham khảo: Blaise Pascal đặt cược rất lớn – từ bỏ hết vinh quang của một nhà bác học, về trú ẩn trong một bệnh viện của người nghèo, để cầu nguyện và trầm tư – nhưng không ai biết ông có thắng cược không.) Tác giả cho ta nhìn thoáng vài nét trong “lý lịch hoạt động” của viên tình báo cách mạng này. Anh ta chơi phong cầm cho ban nhạc trường dòng Công giáo, rồi sau này cho ca đoàn nhà thờ; rồi sau nữa và hiện nay chơi và nghe nhạc cổ điển: Handel, Chopin, Rachmanioff, Schumann, Schubert…
- Xem thêm: Ra mắt tủ sách Chuyện Đà Lạt
Sao lại có thể nghịch lý như thế được? Anh ta vượt qua tất cả những trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ của một viên tình báo. Nhưng đó là những trở ngại gần như không thể vượt qua, với những ai muốn làm tình báo cơ mà? Chưa hết, tác giả đặt tên Ẩn cho viên tình báo này, cũng là một cách thức tối giản “nói ít hiểu nhiều”. (Ai cũng biết nhà tình báo số 1, điệp viên hoàn hảo của Cộng sản nước Việt tên gì.)
Ta hay nghe nói “cách mạng trong chén trà!” nghĩa là không cách mạng gì cả. Nhưng ở đây, một cuộc cách mạng rõ ràng chỉ qua một tiếng súng khô khốc, đã làm dậy sóng ở dưới những đáy hồ, lay động đến tận uyên nguyên các đồi thông, và đó là tất cả những gì cách mạng có thể giành được trên khắp thế giới.
3.
Phỏng theo kết cấu của một concerto ba hành điệu (movement) – khoan thai, chậm, nhanh -, cuốn tiểu thuyết kết thúc đột ngột. Nhưng cuộc điều tra chưa kết thúc, có vẻ như nó phải nhất thiết dở dang. Để tác giả sẽ lại có một cuộc lang thang mới, và một cuộc điều tra, tìm kiếm đầy khắc khoải khác. Giữa lòng Đà Lạt. Khi cái hồ Đà Lạt trong tâm thức tác giả vẫn đầy ắp.
(Đọc: Ký ức của ký ức, tiểu thuyết của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phanbook & NXB Phụ nữ, 2020)