Những tinh hoa Đà Lạt thời quá khứ một lần nữa được phủi lớp bụi thời gian, nâng niu tái hiện và bảo tồn trên trang viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên qua cuốn biên khảo vừa ra mắt bạn đọc: ‘Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ’.
Nguyễn Vĩnh Nguyên là nhà báo, nhà văn. Anh là tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết. Những năm gần đây, anh dành phần nhiều thời gian để nghiên cứu, viết và xuất bản các cuốn sách về Đà Lạt. Các đầu sách về Đà Lạt anh đã viết như: Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (tản văn, năm 2014); Đà Lạt, một thời hương xa (du khảo, 2016); Đà Lạt, bên dưới sương mù (biên khảo, 2019); Ký ức của ký ức (tiểu thuyết, 2019).
Về việc dành nhiều thời gian và tâm trí cho Đà Lạt, tác giả đã tự vấn: “Tôi tự hỏi, kho tàng Đà Lạt liệu có cần thiết phải diễn giải nhiều như vậy không? Chắc là độc giả cũng đã tự hỏi như vậy khi thấy một kẻ loay hoay mãi mà không thoát được khỏi đám sương mù của một thành phố. Nhưng rồi sự viết và sự đọc, theo một cách nào đó, vẫn diễn ra”.
“Việc phục dựng những cuộc gặp gỡ lấp lánh trong tiến trình lịch sử đô thị, phải chăng là nuôi sống một huyễn tưởng về một Đà Lạt từng là?”, những dấu hỏi của chính tác giả, cho dù có được tác giả tự giải đáp hay không, thì đều có ý nghĩa trong việc mang đến cho người yêu Đà Lạt những câu chuyện, lý giải vô cùng thú vị về nơi chốn đặc biệt này.
Cuốn biên khảo này nói về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử Đà Lạt. Đầu tiên, đó là cuộc gặp giữa hai người Pháp có công khai sinh thành phố là bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer; và kết sách là cuộc gặp với hiền thê người Đà Lạt của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Giữa hai cuộc gặp gỡ đó là những cuộc gặp gỡ thú vị khác. Đó là: cuộc gặp của những nhóm cư dân Việt, Ấn, Hoa trong đời sống thương mại ở khu trung tâm; cuộc gặp của những nông dân Pháp, Việt đầu tiên làm nên không gian nông nghiệp mà ta gọi là nhà vườn…; cuộc gặp của những tao nhân mặc khách; cuộc gặp trong lý tưởng độc lập của những chính khách tham dự Hội nghị Trù bị Đà Lạt 1946; cuộc gặp của giới quý tộc; cuộc gặp trên hè phố…
Một số nội dung độc giả có thể tìm thấy trong tác phẩm biên khảo này: Alexandre Yersin và Paul Doumer đã từng đi ngựa băng rừng để tìm viễn kiến cho một đô thị; Những nhà nông, nông trại đầu tiên trong thành phố mà canh nông là một yếu tố làm nên mã gene đô thị. Cuộc hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu có thể có nhiều khúc khuỷu, nhưng có phải được khởi đầu từ những toan tính thực dụng của một Hoàng đế mà số phận buộc phải làm Hoàng đế như nhiều người đã nhìn nhận định kiến?; Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có phải là người bạc nhược như trong những diễn tả của những người từng “chung thuyền” trong Hội nghị Trù bị Đà Lạt 1946?; Hàn Mặc Tử đã bị khí trời Đà Lạt khiến cho suy nhược ra sao để rồi dệt nên trên trang giấy một Đà Lạt trăng mờ bất tử?; Những bác sĩ phương Tây mà người Đà Lạt cần phải tri ân; Người bản địa được các nhà thừa sai nâng niu ra sao, và vị trí trung tâm của họ được diễn dịch thế nào trong chính sách nghiên cứu dân tộc học thời VNCH?; Những kinh nghiệm chụp ảnh Đà Lạt của hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng Sài Gòn: Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh…
Cuốn sách Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ cũng cung cấp một số nội dung, tài liệu thú vị khác trong phần phụ lục.
Những tinh hoa Đà Lạt thời quá khứ một lần nữa được phủi lớp bụi thời gian, nâng niu tái hiện và bảo tồn trên trang viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Tác phẩm này cùng với du khảo Đà Lạt, một thời hương xa và biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù làm thành bộ ba khảo cứu dành cho những độc giả yêu mến Đà Lạt.
Sách do NXB Trẻ ấn hành, dày 356 trang. Trong lần xuất bản đầu tiên, biên khảo Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ được NXB Trẻ thực hiện hai phiên bản: bìa cứng (200 bản) và bìa mềm (2.000 bản). Kèm theo sách là món quà tặng bạn đọc yêu Đà Lạt: bản đồ phân vùng thành phố Đà Lạt do Service géographique de l’Indochine (Sở Địa dư Đông Dương) ấn hành năm 1952 được thu thập từ Thư viện Đại học Toronto và một book-mark dưới dạng bưu ảnh (post card).
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn:
Bộ sách góp phần quan trọng cho bảo tồn và chỉnh trang di sản Đà Lạt
“Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ. Con người và đô thị Đà Lạt 1899-1975” là cuốn sách thứ ba khảo cứu về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên, kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt của thành phố.
Rất ấn tượng về cách làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp của tác giả, đã bỏ nhiều thời gian truy tầm và kiểm chứng tư liệu gốc từ các cuộc phỏng vấn, từ hình ảnh và tài liệu lưu trữ tại các thư việc và Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Do đó, bộ sách này nên đưa vào danh mục tài liệu quan trọng của các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội về lịch sử, về văn hóa xã hội, và về bản sắc đô thị Đà Lạt.
Những bộ sách như thế này góp phần quan trọng cho công cuộc bảo tồn và chỉnh trang di sản quy hoạch kiến trúc của Đà Lạt, lồng vào đó những câu chuyện thú vị về Đà Lạt, để kể cho khách du lịch và cho những thế hệ nối tiếp, để họ hiểu và yêu Đà Lạt nhiều hơn, không chỉ về khung cảnh thơ mộng và các công trình đẹp, mà cả về tư tưởng sâu sắc, những hoài bão và sự ấm áp của tình người…