Công nghiệp 4.0 hiện diện trong mọi ngành sản xuất. Với ngành F&B (Food & Beverage – Thực phẩm và đồ uống), công nghiệp 4.0 mang đến những đột phá mới, thay đổi diện mạo ngành.
Việt Nam với dân số trên 90 triệu được coi là thị trường giàu tiềm năng cho ngành F&B. Theo nghiên cứu Toàn cảnh ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam năm 2018 của Vietnam Report, F&B hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên; đồng thời chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (khoảng 35%).
Bên cạnh đó, những xu thế tất yếu từ công nghiệp 4.0 và sự gia nhập của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới sẽ tạo “cú hích” cho thị trường F&B trong nước thông qua việc giao thoa công nghệ.
Trong tuần lễ Hội chợ công nghệ công nghiệp lớn nhất thế giới Hannover Messe 2019 tại Đức, Tập đoàn Tetra Pak chuyên cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển (có mặt tại thị trường Việt Nam nhiều thập niên qua) đã giới thiệu những nền tảng công nghệ đột phá, hứa hẹn đem đến một làn gió mới cho ngành công nghiệp F&B.
Nhà máy của tương lai
“Chúng ta đang ở một thời kỳ mà thị trường thay đổi với tốc độ chóng mặt. Người tiêu dùng và cả nhà quản lý đang yêu cầu chúng ta phải có một phương pháp sản xuất mới hiệu quả hơn và đảm bảo an toàn thực phẩm hơn” – đây là nhận định của ông Johan Nilsson, Phó chủ tịch Bộ phận công nghiệp 4.0 và số hóa tại Tetra Pak.
Chính vì vậy, Tetra Pak đã phát triển giải pháp “nhà máy của tương lai”, được kỳ vọng sẽ đem đến một cuộc cách mạng trong việc vận hành các nhà máy chế biến thực phẩm.
Tại đây, máy móc sẽ có khả năng giao tiếp với nhau cũng như giao tiếp với toàn bộ các hệ thống kỹ thuật số trong quá trình vận hành.
Chúng có thể tự động tiếp nhận các nhiệm vụ như phân tích sự cố, tự đặt hàng và giao phụ kiện, cũng như tìm kiếm kỹ sư phù hợp nhất để giải quyết một công việc nào đó.
Với sự hỗ trợ của những giải pháp thông minh, doanh nghiệp sẽ có nhân lực nhiều hơn để tập trung quản lý nhà máy, từ đó nhanh chóng đưa ra các quyết định chính xác, giúp nâng cao tốc độ sản xuất, giảm lỗi phát sinh và hạn chế sản phẩm bị lỗi.
Hộp giấy số
Một trong những xu thế thường được nhắc đến khi nói tới công nghiệp 4.0 là số hóa. Vận dụng sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, Tetra Pak đã biến các hộp giấy đựng sữa và nước hoa quả thông thường trở thành kênh thông tin tương tác, truyền tải dữ liệu đầy đủ nhờ sự kết hợp giữa QR code, in ấn số hóa và quản lý dữ liệu.
Theo Tetra Pak, hộp giấy số này đã được thử nghiệm thành công và đo lường được hiệu quả trong bán lẻ sản phẩm với các khách hàng tại Tây Ban Nha, Costa Rica, Trung Quốc, Cộng hòa Dominica và Ấn Độ, đồng thời Tetra Pak đã làm việc với các nhà sản xuất sữa, nước hoa quả và đồ uống khác trên thế giới.
Tại Tây Ban Nha, một doanh nghiệp đã tăng doanh số 16% nhờ ứng dụng nền tảng hộp giấy kết nối mới này trong chiến dịch quét mã nhận quà của mình.
Giải pháp mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Cụ thể, những hộp giấy đặc biệt này cho phép các hãng thực phẩm truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chu kỳ sản xuất sản phẩm.
Điều này giúp gia tăng năng suất, kiểm soát chất lượng và tạo chuỗi cung ứng minh bạch. Giải pháp giúp truy dấu và truy xuất lịch sử hoặc vị trí của bất kỳ sản phẩm nào, cho phép đánh giá hiệu quả bán hàng của sản phẩm trên thị trường cũng như phát hiện các vấn đề tiềm ẩn.
Đối với các nhà bán lẻ, giải pháp sẽ giúp cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng theo thời gian thực và tạo điều kiện cho các nhà phân phối theo dõi được tình hình tồn kho, được cảnh báo khi phát sinh vấn đề, kiểm soát hiệu suất của việc giao hàng.
Với người mua hàng, giải pháp giúp họ nắm bắt được nhiều thông tin như sản phẩm được sản xuất tại đâu, các nguyên liệu đến từ trang trại nào và hộp giấy sẽ được tái chế tại đâu.
Cắt giảm sử dụng năng lượng
Công nghiệp 4.0 không chỉ chú trọng phát triển theo hướng số hóa mà còn ở khía cạnh phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường.
Theo công bố của Tetra Pak, hiện tập đoàn đang hợp tác với ABB – tập đoàn nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ điện lực và tự động hóa để phát triển chương trình đánh giá việc sử dụng năng lượng, qua đó giúp các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống giảm thiểu tác động tới môi trường, cắt giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận.
Cũng theo ông Nilsson, động lực thúc đẩy Tetra Pak triển khai chương trình này là bởi “tất cả các ngành công nghiệp đang tập trung vào việc giảm thiểu tác động của sản xuất tới môi trường”. Và chương trình đánh giá việc sử dụng năng lượng tại nhà máy được Tetra Pak coi là một ví dụ cụ thể của nỗ lực này.
- Xem thêm: Nét Việt ở văn phòng Tetra Pak
Được biết, chương trình này cho phép đánh giá tổng thể nhà máy, từ đó đề xuất cắt giảm năng lượng tiêu thụ tại các khu vực phù hợp, giúp doanh nghiệp ra quyết định chính xác về việc nên sử dụng các tài nguyên hiện có như thế nào.
Chương trình đã được thử nghiệm tại châu Mỹ, cho thấy có thể giảm khí thải carbon khi sản xuất thực phẩm, đồ uống và giảm chi phí năng lượng từ 15% đến 25%.
Không chỉ dừng lại ở các giải pháp nêu trên, Tetra Pak có tham vọng vươn xa hơn trong lĩnh vực số hóa sản xuất thực phẩm.
Ngoài ABB, hãng hiện đang hợp tác với các tên tuổi hàng đầu khác như Microsoft, SAP và nhà cung cấp giải pháp vận chuyển tự động Elettric80 với tầm nhìn dẫn đầu cuộc chuyển đổi số trong ngành sản xuất thực phẩm để hỗ trợ nhiều hơn khách hàng toàn cầu, trong đó có Việt Nam trong kỷ nguyên số.