Tetra Pak là thương hiệu Thụy Điển luôn gắn kinh doanh với phát triển bền vững. Hộp giấy Tetra Pak được làm chủ yếu từ sợi gỗ khai thác từ rừng tái sinh có kiểm soát. Mục tiêu của công ty là sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 100% nguyên liệu tái sinh cho tất cả sản phẩm. Công ty cũng đặt cược vào công nghiệp 4.0 như là đòn bẩy để giúp các nhà sản xuất (NSX) thực phẩm và đồ uống (F&B) phát triển kinh doanh một cách bền vững. Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam đã có những chia sẻ về định hướng này.
Là công ty có hơn 65 năm kinh nghiệm, xin ông cho biết hiện nay ngành công nghiệp F&B Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể nào?
Đầu thập niên 90, sữa nước không nằm trong khẩu phần ăn của người Việt chủ yếu do lúc đó Việt Nam chưa tiếp cận công nghệ chế biến và đóng gói sữa trong hộp giấy tiệt trùng an toàn. Sử dụng công nghệ tiệt trùng UHT và hộp giấy tiệt trùng của Tetra Pak, các NSX bắt đầu khai phá thị trường sữa nước đóng hộp. Nói về tiêu thụ sữa nước, từ con số gần như bằng 0 đầu năm 1990, lượng tiêu thụ trên đầu người đã tăng tới 26 lít vào 2017, và được dự đoán sẽ tăng đến 30 lít trên đầu người vào năm 2020.
Những khách hàng đầu tiên của sữa nước đóng hộp giấy là thế hệ millennials và tiếp theo là thế hệ Z. Hai thế hệ này, chiếm hơn 34% dân số, đang dẫn dắt sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng. Họ muốn có nhiều lựa chọn hơn, và chúng ta có thể thấy điều này qua sữa chua uống cũng như các sản phẩm thay thế cho sữa bò như sữa làm từ củ, hạt thực vật đang trở nên phổ biến. Điều tiếp theo mà họ quan tâm là bao bì phải thuận tiện để sử dụng trong cuộc sống năng động. Thế hệ millennials, giờ đã lập gia đình, cũng sử dụng nhiều hơn những sản phẩm hộp giấy lớn 1 lít dành cho cả gia đình.
Xu hướng mới nhất và sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai đó là người tiêu dùng quan tâm đến tác động môi trường của sản phẩm họ sử dụng. Bao bì được làm từ chất liệu như thế nào, chất liệu đó có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hay không? Tất cả những xu hướng này, đặc biệt yếu tố môi trường bền vững sẽ là điều các NSX F&B cần phải cân nhắc.
Vậy các NSX F&B cần có cách tiếp cận như thế nào để có thể cân bằng giữa các mục tiêu kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và phải giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường?
Theo tôi đây là vấn đề có liên quan chặt chẽ tới sự tiến hóa trong ngành công nghiệp thực phẩm, mà cụ thể ở đây là sự nổi lên của công nghiệp 4.0.
Cùng với các đối tác công nghệ đang dẫn đầu trong công nghiệp 4.0, chúng tôi làm việc chặt chẽ với các NSX để xem những ứng dụng 4.0 như: dữ liệu lớn (Big Data), trí thông minh nhân tạo (AI), tự động hóa (Robotics), thực tế ảo tăng cường (AR), mã QR… sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu như thế nào.
Các nhà máy của khách hàng chúng tôi đang có các dây chuyền chế biến và đóng gói của Tetra Pak. Tất cả có thể được lắp đặt các cảm biến giúp thu thập dữ liệu để phân tích thông qua AI. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể tối ưu hóa được việc sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng nước, năng lượng cho toàn bộ quá trình sản xuất, và tăng hiệu quả sản xuất. Việc phân tích dữ liệu cũng cho phép các NSX nắm bắt được khi nào một bộ phận trong dây chuyền đã đến lúc cần phải thay thế, bảo dưỡng.
Trước đây, NSX chỉ có hai lựa chọn, một là khi nào sự cố xảy ra thì mới thay thế, sửa chữa và điều này không tốt cho kinh doanh; thứ hai là dựa theo kinh nghiệm để đoán khi nào thiết bị cần phải bảo dưỡng, nhưng như thế cũng không tối ưu. Còn bây giờ AI có thể dự đoán chính xác khi nào cần phải can thiệp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí nguyên liệu và tối ưu hiệu quả sử dụng thiết bị.
Một ví dụ khác là công nghệ thực tế ảo tăng cường. Nếu như trước đây, khi thiết bị của NSX bị hỏng thì chuyên gia của Tetra Pak ở Hà Nội hay châu Âu phải bay đến sửa, dẫn đến thời gian dừng máy lâu. Với AR thì người kỹ sư ở nhà máy và chuyên gia ở bất cứ đâu chỉ cần đeo kính Hololens là có thể giải quyết sự cố theo thời gian thực. Khi người kỹ sư ở nhà máy nhìn thấy lỗi hỏng thì chuyên gia ở châu Âu cũng thấy và tư vấn cách sửa chữa. Kỹ sư tại các nhà máy chỉ cần làm theo hướng dẫn, rất tiết kiệm thời gian và giảm phát thải carbon từ việc di chuyển.
Việc ứng dụng mã QR cũng sẽ biến các hộp giấy trở nên tương tác hơn với người tiêu dùng, hay nói cách khác trở nên thông minh hơn. Với mã QR, người dùng có thể truy xuất mọi thông tin liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, biết được nơi họ có thể mang vỏ hộp tới tái chế, hay tham gia một chương trình khuyến mại.
Vậy hộp giấy Tetra Pak đã đáp ứng nhu cầu hướng tới tính bền vững của thị trường ra sao?
Kể từ khi thành lập, chúng tôi luôn tìm cách đưa những nguyên liệu thân thiện với môi trường vào trong thiết kế của hộp giấy. 100% sợi gỗ làm nên hộp giấy Tetra Pak được khai thác từ nguồn rừng tái sinh và quản lý có trách nhiệm, được chứng nhận bởi tổ chức quốc tế FSC như logo có trên vỏ hộp. Chúng tôi đang nỗ lực để tất cả các loại hộp giấy sẽ được làm 100% từ nguyên liệu tái sinh. Nhờ vậy trong khâu phân phối tới các NSX và người tiêu dùng, hộp giấy có tỷ lệ phát thải carbon rất thấp nếu so với các loại bao bì khác.
Tại hầu hết các quốc gia mà Tetra Pak có mặt, trong đó có Việt Nam, chúng tôi đều xây dựng hạ tầng thu gom và tái chế vỏ hộp sau sử dụng. Vỏ hộp có thể được tái chế 100% thành các sản phẩm giấy, tấm pallet, mái lợp. Mặc dù đã làm trong lĩnh vực này 20 năm rồi nhưng nhìn thấy vỏ hộp giấy được đưa vào tái chế, biến đổi thành sản phẩm hữu ích khác luôn là khoảnh khắc thú vị đối với tôi.
Điều đáng nói thêm ở đây là khâu thu gom vỏ hộp để tái chế. Để làm được việc này không chỉ một mình Tetra Pak làm mà đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm NSX, chính phủ và cộng đồng. Chúng tôi làm việc với những người thu gom để họ hiểu hộp giấy có thể thu gom để tái chế được. Chúng tôi cũng hợp tác với trường học ở TP.HCM để thu gom vỏ hộp giấy. Và chúng tôi tiếp xúc với tất cả các tổ chức phi chính phủ cũng như với chính quyền địa phương. Tóm lại là tất cả ai muốn cùng giải quyết vấn đề rác thải thì chúng tôi sẽ làm việc với họ.
Tái chế cũng như vấn đề kinh tế tuần hoàn là hai việc mà chúng tôi rất quan tâm và có cán bộ chuyên trách tại Việt Nam. Chúng tôi tích cực làm việc để Tetra Pak có thể thiết lập được nền tảng kinh tế tuần hoàn trong những năm tới đây.
Nhân đây, ông có thể đưa ra những dự đoán về xu hướng ngành bao bì đóng gói trong 10 năm tới?
Chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều nhà máy thông minh kết nối với nhau. Xu hướng “cá nhân hóa” sản phẩm tiêu dùng ngày càng phát triển. Người tiêu dùng chắc chắn sẽ lựa chọn sản phẩm dựa trên yếu tố thân thiện với môi trường. Việc tái chế hay kinh tế tuần hoàn sẽ phát triển ở quy mô cao hơn. Bao bì trở nên thông minh hơn. Xu hướng mua sắm thực phẩm ăn uống trên mạng nở rộ.
- Tên: Tetra Pak
- Xuất xứ: Thụy Điển
- Quy mô: Hơn 25.000 nhân viên với doanh thu hơn 11,5 tỉ euro năm 2017
- Lĩnh vực kinh doanh:
– Giải pháp chế biến thực phẩm và đồ uống
– Giải pháp đóng gói và bao bì giấy
– Dịch vụ kỹ thuật