Vitamin D đem lại những lợi ích rõ rệt cho cơ thể như giúp xương chắc khỏe, cải thiện tâm trạng, giúp giảm cân…
Vậy mà khi cơ thể thiếu loại vitamin này, không phải ai cũng biết mình đang bị thiếu thành phần dinh dưỡng quan trọng đó. Nếu nhận thấy có một hoặc vài dấu hiệu dưới đây, tốt nhất là bạn nên xin xét nghiệm máu để biết có cần phải bổ sung thêm vitamin D cho cơ thể hay không.
1. Đau và yếu cơ
Tình trạng này có thể là hậu quả của việc cơ bắp và dây thần kinh mô không được cung cấp đầy đủ vitamin D. Thông tin do Trung tâm Chăm sóc sức khỏe thuộc Đại học Minneapolis (bang Minnesota, Hoa Kỳ) công bố năm 2003 cho thấy khoảng 93% trong tổng số 150 bệnh nhân đến khám đau cơ không có dấu hiệu đặc trưng là do bị thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D cũng khiến sức chịu đựng của cơ thể giảm đi và nhạy cảm hơn với cơn đau.
2. Trầm cảm
Mặc dù các nhà nghiên cứu không giải thích rõ tại sao vitamin D có khả năng điều tiết tâm trạng, nhưng một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Clinical Endocrinology & Metabolism cho kết luận là phụ nữ có hàm lượng vitamin D thấp gấp hai lần bình thường thì khả năng bị trầm cảm cao hơn, còn những người có đủ hàm lượng vitamin D thường cảm thấy hạnh phúc hơn.
3. Gãy xương
Xương không tiếp tục phát triển khi người ta qua tuổi trưởng thành nhưng vẫn luôn trong tình trạng luân chuyển thành phần và thay đổi mật độ. Khi cơ thể thiếu vitamin D, mật độ xương giảm nhanh hơn, về lâu dài có thể dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Ở trẻ em, tình trạng thiếu vitamin D mãn tính ngăn cản quá trình canxi hóa và hậu quả là bị bệnh còi xương, mà hai dấu hiệu đặc trưng là xương bị biến dạng hay bị mềm.
4. Mắc bệnh tim mạch
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khẳng định vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, giúp điều hòa huyết áp. Vì vậy, khi cơ thể không nhận được đầy đủ vitamin D thì huyết áp có thể tăng lên. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ, mức vitamin D thấp còn khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành tăng cao.
5. Hay buồn ngủ
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Sleep Medicine năm 2012 cho thấy nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến nhu cầu ngủ nhiều ban ngày.
6. Thường xuyên cáu gắt
Nếu phụ nữ đang trong độ tuổi tiền mãn kinh mà thường cảm thấy khó chịu thì trước tiên nên kiểm tra xem mình có bị thiếu hụt vitamin D không. Lý do là chất dinh dưỡng này có ảnh hưởng đến nồng độ serotonin trong não, gây tác động xấu đến tâm trạng của họ.
Vitamin D có thể được cơ thể hấp thu thông qua ba nguồn khác nhau là thực phẩm, ánh sáng mặt trời và thực phẩm chức năng. Vì vậy chúng ta nên chọn những loại thức ăn giàu vitamin này, đồng thời nên thường xuyên dạo bộ vào buổi sáng. Tất nhiên, có thể dùng thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin D nhưng phải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Có khi sợ thiếu vitamin D, một số người tự bổ sung bằng thực phẩm chức năng nhưng lại dùng quá liều. Tiêu thụ quá mức vitamin D có thể dẫn đến ngộ độc và khiến lượng canxi trong máu cao, gây ra triệu chứng mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, cảm giác khát nước, tiêu chảy và đau cơ.