Ở Hà Nội, cứ 100.000 phụ nữ thì có 30 người bị ung thư vú còn ở TP.HCM con số này là 20. Và cứ mỗi năm, trên cả nước lại có thêm 14.000 phụ nữ bị mắc bệnh.
Ung thư vú luôn là nỗi ám ảnh của phụ nữ không chỉ vì nguy cơ mất đi bộ ngực mà việc điều trị cũng khá phức tạp. Thật may, buổi trò chuyện với GS-TS-BS Nguyễn Sào Trung, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã mở ra những hy vọng mới về căn bệnh này. GS Nguyễn Sào Trung cho biết:
Cũng như nhiều loại ung thư khác, ung thư vú điều trị có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Thực tế hiện nay, kết quả điều trị ung thư vú khá lạc quan nhờ mọi người có ý thức phát hiện bệnh sớm, bác sĩ tay nghề cao và máy móc, thuốc men đầy đủ.
Phương thức điều trị ung thư vú tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, tình trạng sức khỏe (có các bệnh khác như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư khác) nhưng thời điểm phát hiện bệnh là yếu tố quyết định. Nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu nên cơ hội chữa khỏi đến hơn 80%.
Các phương pháp điều trị ung thư vú đang được áp dụng hiện nay có gì mới không, thưa bác sĩ?
Vẫn luôn là điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật và xạ trị sẽ giảm thiểu nguy cơ ung thư tái phát tại chỗ. Còn điều trị toàn thân, tiêu diệt những tế bào ung thư đã lan ra khỏi vú vào hệ thống bạch huyết và mạch máu thì có hóa trị, điều trị bằng nội tiết tố và điều trị nhắm trúng đích phân tử…
Ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng có thể xem như bệnh toàn thân hơn là bệnh khu trú một chỗ. Tế bào ung thư không chỉ ở tuyến vú mà còn di chuyển đến nhóm hạch bạch huyết ở nách. Ngoài ra, tế bào ung thư còn theo mạch máu hình thành ổ di căn ở một số nơi khác trên cơ thể.
Nhiều người rất quan tâm đến việc bảo tồn bộ ngực trong điều trị ung thư vú. Xin bác sĩ chia sẻ thêm về kỹ thuật này?
Sau khi phẫu thuật cắt tuyến vú, bệnh nhân có thể đề nghị bác sĩ phục hồi hình dáng tuyến vú bằng phẫu thuật tái tạo tuyến vú. Có thể tái tạo ngay khi mổ cắt bỏ tuyến vú hoặc vài năm sau đó.
Nếu có nhu cầu tái tạo tuyến vú, bệnh nhân nên trao đổi trước để bác sĩ sẽ tư vấn phương thức tốt nhất. Có thể sử dụng túi ngực hay sử dụng chính mô cơ của bệnh nhân. Kỹ thuật mổ bảo tồn, tái tạo vú có thể được thực hiện tốt ở Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Giữa hai phương pháp đặt túi ngực và sử dụng chính mô trên cơ thể thì phương pháp nào thuận tiện hơn?
Thuận tiện hay không tùy theo lựa chọn của mỗi bệnh nhân. Phương pháp sử dụng túi ngực tương đối dễ và nhanh, phẫu thuật viên chuyên về tạo hình cũng thực hiện được, không nhất thiết phải bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Nhưng lưu ý là giá túi ngực khá cao, không phải ai cũng đủ khả năng sử dụng.
Còn về phương pháp sử dụng mô cơ, bác sĩ sẽ dùng da và mô phía sau kèm theo cơ lưng, bụng, mông… để tái tạo vú. Kỹ thuật này rất phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên lành nghề điều trị bệnh ung thư cũng như tái tạo.
Đặt túi ngực ban đầu thì đẹp nhưng 10-20 năm sau, hai vú sẽ không còn cân đối vì túi ngực có khuynh hướng giữ nguyên vị trí trên thành ngực trong khi vú tự nhiên thay đổi theo tuổi và trọng lượng cơ thể. Còn dùng mô cơ thì thường để lại sẹo chỗ lấy da cơ nhưng hai vú không mất cân đối về sau.
Liệu bệnh nhân sẽ gặp những biến chứng gì nguy hiểm trong điều trị không, thưa bác sĩ?
Phẫu thuật dù nhỏ hay lớn cũng có thể gặp các biến chứng chảy máu, nhiễm trùng…, phẫu thuật ung thư vú cũng không ngoại lệ, nhưng rất ít xảy ra và có thể khắc phục được dễ dàng.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm về hiện tượng phù tay sau điều trị. Do việc phẫu thuật sẽảnh hưởng đến đường dẫn bạch huyết ra cánh tay bên vú phẫu thuật. Cần chú ý tránh khiêng xách nặng, tránh massage, tránh nắng nóng… để tay không bị phù nề, vừa khó chịu lại vừa không thể trở lại trạng thái bình thường.
Nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc bào chế từ cây trinh nữ hoàng cung hoặc dùng đông – tây y kết hợp để mong điều trị bệnh nhanh hơn. Bác sĩ có khuyến khích các cách chữa trị này?
Thuốc bào chế từ cây trinh nữ hoàng cung cũng như một số loại thực phẩm chức năng khác bào chế từ động thực vật như: lá cây đu đủ, mật gấu, sừng tê giác, huyết rắn hổ, rắn lục, sụn cá mập, mật gấu, sừng tê giác… chỉ giúp bồi bổ cơ thể, nâng cao khí lực, tăng sức đề kháng chống bệnh tật chứ không thể điều trị bệnh.
Lưu ý là y học thế giới đã cảnh báo rằng dùng thực phẩm chức năng có thể giảm tác dụng điều trị bằng hóa chất. Vì vậy, chỉ sau điều trị ung thư, chúng ta mới nên sử dụng các loại thực phẩm chức năng có chứng nhận, kiểm định rõ ràng.
Việc sử dụng kết hợp cả đông – tây y trong điều trị theo tôi là không tốt, lợi bất cập hại vì dùng kết hợp một số thuốc sẽ có tính chất tương kỵ nhau về lý, hóa, có thể gây độc cho cơ thể.
Như trên bác sĩ có nói, cơ hội chữa khỏi càng cao khi bệnh phát hiện ngay ở giai đoạn đầu. Vậy các cách để phát hiện sớm ung thư vú ra sao?
Phát hiện bệnh sớm bằng cách tự khám vú và tầm soát bệnh. Phụ nữ sau 20 tuổi nên tự khám tuyến vú của mình mỗi tháng một lần, sau khi vừa hết kinh nguyệt. Nếu phát hiện khối u trong vú thì hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa. Cũng không nên quá hốt hoảng khi phát hiện u nhú vì 90% u vú là u lành tính.
Phụ nữ có tiền căn gia đình ung thư vú, buồng trứng, đại tràng, không sanh con hoặc không cho con bú thì nên đi kiểm tra sau tuổi 25, người không có tiền căn gia đình bị các loại ung thư trên và có cho con bú thì nên tầm soát ung thư vú từ sau tuổi 30 bằng siêu âm, nhũ ảnh…
Một số thông tin cho rằng phương pháp nhũ ảnh cho kết quả tốt hơn siêu âm, đúng không thưa bác sĩ?
Nhũ ảnh cho kết quả phát hiện khối u tốt hơn ở phụ nữ có ngực lớn, tuyến vú có nhiều mỡ (phụ nữ châu Âu, Mỹ). Còn với phụ nữ Việt Nam có ngực nhỏ, ít mô mỡ thì tôi thấy siêu âm dễ phát hiện khối u hơn mà rẻ hơn. Hiện nay, máy siêu âm ở các bệnh viện khá hiện đại, bác sĩ có kinh nghiệm có thể phát hiện trên 90% ổ ung thư trong tuyến vú. Đã có những công trình khoa học so sánh về hai phương pháp tầm soát này, kết quả siêu âm tương đương hoặc cao hơn nhũ ảnh.
Cũng cần lưu ý mọi người về thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày để phòng bệnh. Vì mọi loại ung thư, trong đó có ung thư vú đều do lối sống mà ra. Thực hiện một lối sống lành mạnh, ăn ít mỡ, năng vận động, tránh béo phì, cho con bú là cách phòng bệnh ung thư vú. Còn nếu gen đã quy định bệnh ung thư thì đành “trời kêu ai nấy dạ” mà thôi.
Cũng có cách phẫu thuật vú dự phòng khi trong gia đình có người bị ung thư vú và người đó mang gen ung thư nhưng không mấy ai thực hiện cả. Chỉ có mỗi trường hợp diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie có mẹ và dì đều bị ung thư vú, bản thân cô cũng có gen đó nên mới quyết định cắt bỏ ngực trước khi bị ung thư.
Sự kiện nữ diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie quyết định phẫu thuật vú dự phòng ung thư đã khiến cả thế giới xôn xao…
Thực ra, phẫu thuật dự phòng đã được nói đến trong sách vở rất lâu nhưng rất ít người thực hiện, nhất là ở Việt Nam. Có lẽ phụ nữ không ai muốn mất đi bộ ngực tự nhiên, cho đến khi phát bệnh. Sau khi thông tin về việc phẫu thuật dự phòng của Angelina được đưa rộng rãi trên báo chí, có một số phụ nữ đến Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm gen ung thư vú (khoảng 25 triệu đồng/lần). Nhưng những người mang gen bệnh sau đó cũng không ai quyết định phẫu thuật dự phòng cả.
Việc có nên thực hiện phẫu thuật vú dự phòng là tùy theo quan điểm của mỗi người. Nếu không yên tâm thì nên làm để không phải nơm nớp lo sợ về bản án ung thư treo lơ lửng trên đầu. Cuộc sống khó có thể có được hạnh phúc nếu tâm cứ mãi lo lắng, bất an.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.