Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị nhận xét là đến nay đã trở nên đơn điệu bởi sự trùng lắp giữa các địa phương trong vùng. Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng cần tạo ra những hình thức mới, trong đó nên chú ý đặc thù sinh thái của vùng, khai thác theo hướng dựa vào lợi thế tự nhiên…
Áp lực thay đổi
Từ nhiều năm nay, có một nhận định trở nên quen thuộc mỗi khi bàn về phát triển du lịch của vùng ĐBSCL, đó là sản phẩm không nhiều và trùng lắp khiến du khách chỉ cần đến vài ba địa phương là đủ thỏa mãn, không cần phải tiếp tục tìm hiểu, khám phá các địa phương còn lại của vùng này.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng giữa các địa phương giống nhau và chưa có kinh nghiệm làm du lịch cho nên đến tỉnh nào cũng có những chương trình tương tự, như chèo ghe qua rạch, đến vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá… Ngay cả các món ăn, cách nêm nếm cũng giống nhau.
Cứ phải nghe mãi “điệp khúc” trên nên có lẽ những người làm du lịch tại địa phương cũng cảm thấy không thoải mái.
Gần đây, trong buổi họp báo giới thiệu “Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 1 năm 2019” tại TP.HCM, một số quan chức ngành du lịch của các địa phương bức xúc cho rằng nhận xét như vậy là chưa thỏa đáng, sản phẩm du lịch của vùng hiện đã nhiều và phong phú hơn.
Chẳng hạn ở Kiên Giang có du lịch biển; Bạc Liêu có những cánh đồng điện gió, có con tôm sinh thái; An Giang có du lịch tâm linh… Cho nên, theo các quan chức này, nếu cứ nói sản phẩm na ná nhau là “làm hại” du lịch đồng bằng.
Đặc biệt, định kiến đó nếu cứ nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì càng tai hại hơn vì khiến cho khách du lịch không muốn đến miền Tây Nam bộ.
Điều này cũng không có lợi cho những trung tâm gửi khách như TP.HCM, vì không chỉ ĐBSCL cần TP.HCM đưa khách đến mà TP.HCM cũng cần ĐBSCL để có những địa điểm cho khách tham quan.
- Xem thêm: Tour đường sông: Ngắn mà chất lượng
Hiện các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành quốc tế ở TP.HCM, rất cần các địa phương miền Tây Nam bộ để họ có điểm đến tổ chức tour.
Trao đổi với TBKTSG, một số doanh nghiệp có thế mạnh về thị trường Mỹ hay châu Âu cho biết có khoảng 80% du khách đến TP.HCM là ghé ĐBSCL.
Tuyến tham quan mà khách đi phổ biến nhất là Mỹ Tho, Cái Bè và Cần Thơ. Những người có nhiều thời gian hơn còn đi đường sông từ miền Tây Nam bộ đến Campuchia nhằm thấy rõ sự khác biệt của đời sống sông nước trên dọc đường đi.
Riêng Phú Quốc, tuy điểm đến này khá nổi tiếng nhưng lượng khách chọn kết nối từ TP.HCM ít hơn, một phần vì ở đây cũng có biển tương tự như Nha Trang, Mũi Né nên khách không muốn chi thêm tiền mua vé máy bay và tốn thêm thời gian để đi tour ra đảo.
Gần đây, đã có thêm dịch vụ, sản phẩm du lịch đem lại sự sống động cho một số địa phương. Đồng Tháp khai thác sức hấp dẫn của làng hoa Sa Đéc và vườn quýt hồng để thu hút hàng triệu du khách đến tham quan; Cần Thơ níu chân du khách bằng sức mạnh của du lịch cộng đồng ở những vùng như Cồn Sơn; Phú Quốc có những khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp và khu vui chơi giải trí…
Thế nhưng, theo một số doanh nghiệp, tuy có khác đi một chút nhưng sản phẩm vẫn chưa có nhiều điểm nhấn; vẫn chưa thật thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu hay vui chơi của du khách.
Chẳng hạn, nhiều nơi cho rằng mùa nước nổi với cảnh sắc và sản vật phong phú, đã trở thành một đặc sản du lịch của địa phương.
Thế nhưng, nó chỉ có thể thu hút một bộ phận khách trong nước, còn khách quốc tế lại khó nhận ra điều đó vì thường chỉ đến Việt Nam một lần.
Một số nơi như Bến Tre đã có khu du lịch đông khách nhờ các trò chơi sông nước khác hơn so với trước đây, nhưng đó lại là kiểu mà các khu du lịch ở một số địa phương như Đồng Nai đã thực hiện từ vài năm trước. Cho nên, doanh nghiệp vẫn nói na ná, chưa mới, chưa khác biệt là do vậy.
Với cơ sở lưu trú, nhiều doanh nghiệp muốn đưa du khách đi xa hơn nhưng không được vì thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng.
Trong khi đó, hệ thống homestay tuy được mở rất nhiều nhưng lại khó đưa khách vào nghỉ vì đa số không được đầu tư bài bản, chỉ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của những người du lịch phượt.
Dựa vào lợi thế tự nhiên
Vậy phải làm gì cho du lịch đồng bằng hấp dẫn hơn? Theo nhiều doanh nghiệp, trước hết là hệ thống giao thông phải được kết nối thông suốt, thuận tiện đi lại giữa các điểm du lịch trong vùng. Kế đến là tận dụng tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên sông nước để làm cho du lịch miền Tây Nam bộ khác hẳn các vùng khác.
Du lịch đường sông trong nội vùng và kết nối đến Campuchia bằng tàu du lịch có chất lượng cao được cho là một gợi ý tốt cho các địa phương.
Rất nhiều khách quốc tế sẵn sàng chi hàng trăm, hàng ngàn đôla Mỹ để lênh đênh vài ngày trên tuyến du lịch dọc sông Mêkông, nhưng chưa có nhiều nơi đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hai bên bờ và tàu thuyền có chất lượng cao cho tuyến này.
Cuối tháng trước, trong lần hạ thủy du thuyền 4 sao đầu tiên để chạy trên tuyến quốc tế này, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, ông Trần Trọng Kiên, cho rằng nhu cầu của khách quốc tế là rất lớn, trong khi ngành du lịch mới chỉ khai thác được một phần nhỏ.
Vì thế, ngoài một số tàu đang chạy nội vùng, trong vòng năm năm tới, Thiên Minh cùng với đối tác nước ngoài sẽ đóng thêm chín du thuyền nữa để đưa khách qua lại giữa ĐBSCL và Campuchia.
Khai thác du lịch dựa vào lợi thế của vùng, đi theo hướng thân thiện và dựa vào tự nhiên cũng là gợi ý của nhiều doanh nghiệp cho du lịch miền Tây Nam bộ.
Có nhà đầu tư đã rút ngắn được một phần ba thời gian hoàn vốn đầu tư khi quyết định không bê tông hóa khu nghỉ của mình và thay vào đó là kiểu xây dựng thân thiện với môi trường, mở nhiều không gian cho khách tiếp cận với thiên nhiên, dùng thực phẩm được trồng ngay trong khu nghỉ và mở những tour kết nối khách với cộng đồng dân cư xung quanh.
- Xem thêm: Khai thác thị trường du lịch tàu biển
Có doanh nhân đang kinh doanh du lịch tàu biển ở TP.HCM quyết định bỏ tiền tỉ mua hàng chục chiếc ghe cho người dân ở chợ nổi Cái Bè trở lại nghề buôn bán trên sông nước.
Cùng với phương tiện, doanh nhân này cũng hướng dẫn người dân cách thức phục vụ du lịch thông qua những hình thức sinh hoạt của chợ nổi.
“Khách nước ngoài ai cũng mê chợ nổi. Ở Thái Lan người ta đào kênh làm chợ nổi nhân tạo mà khách vẫn tấp nập. Còn miền Tây có nhiều chợ nổi sống động, tự nhiên thì lại không khai thác du lịch được bao nhiêu và lại đang dần mất đi do thiếu đầu tư”, ông nói và cho rằng nếu kết hợp chuyện mua bán của người dân ở chợ nổi với các tour, tuyến đến các làng nghề lân cận thì sẽ tạo nên những chương trình du lịch hấp dẫn cho địa phương.
Chỉ cần đầu tư dựa vào những lợi thế sẵn có như vậy là đã tạo được sự khác biệt, tạo nên sức sống cho du lịch, không cần phải đi quá xa để mang về những mô hình đã quá cũ.