Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen dù rất bận rộn nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn này vẫn thu xếp cho chúng tôi một buổi tiếp xúc. Khoảng 91% sinh viên mới tốt nghiệp có việc làm, trong đó 40% sinh viên có mức lương trên 8 triệu đồng/tháng (báo Người Lao Động 15-12-2008) là những con số ấn tượng, thuyết phục về chất lượng đào tạo của Trường đại học Hoa Sen. Sự phát triển của ngôi trường đại học tư này gắn liền với tiến sĩ Bùi Trân Phượng.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại phòng làm việc của bà, nằm trong khuôn viên Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12, TP. Hồ Chí Minh).
____
Đâu là lý do khiến bà rời giảng đường đại học (vị trí là phó trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) để về làm việc tại Hoa Sen khi nó còn là một trường dạy nghề?
Có hai lý do khiến tôi quyết định về Hoa Sen. Một là những người sáng lập trường đều là chỗ bạn bè của tôi. Hai là tôi bị chinh phục bởi triết lý giáo dục của Hoa Sen, tức là đào tạo chất lượng thật.
Khi về Hoa Sen, công việc của tôi không hề dính líu gì đến Lịch sử, bộ môn mà tôi đã đứng lớp trong suốt 18 năm làm việc ở trường sư phạm. Tôi được mời về để phụ trách bộ môn tiếng Pháp. Tôi học tiếng Pháp từ phổ thông, thi tú tài Pháp, du học ở Pháp (tốt nghiệp cử nhân Lịch sử Trường đại học Sorbonne) nên tôi sử dụng tiếng Pháp rất quen. Sau này, dù không dạy tiếng Pháp, nhưng tôi vẫn tiếp tục sử dụng ngôn ngữ này như một phương tiện phục vụ nghiên cứu.
Sau một thời gian ngắn phụ trách bộ môn tiếng Pháp, ban lãnh đạo nhà trường yêu cầu tôi chuyển sang phụ trách ngành thư ký văn phòng. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, tôi được cử đi tu nghiệp ở Pháp sáu tháng. Khóa tu nghiệp đó dạy cho tôi rất nhiều điều, không chỉ bó hẹp trong ngành thư ký văn phòng, mà còn giúp tôi hiểu thế nào là doanh nghiệp, thế nào là đào tạo phục vụ doanh nghiệp.
____
Đến giờ, sau 18 năm, giáo dục đại học ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào, thưa bà?
Giáo dục bây giờ đã có ý thức về việc gắn với nhu cầu xã hội hơn. Nhưng có hai xu hướng đáng quan ngại. Một xu hướng gần như chỉ thay đổi ở lời nói hay ở sự kết hợp hời hợt với doanh nghiệp, chưa thật sự đổi gì trong thực chất. Xu hướng kia lại có phần quá thực dụng, có nguy cơ làm mất tính chất nhà trường. Giáo dục đại học không thể chỉ chạy theo thị hiếu số đông mà vội coi đó là nhu cầu xã hội. Giáo dục còn có nhiệm vụ thấy trước nhu cầu, xu thế phát triển lành mạnh, góp phần định hướng chọn lựa và thị hiếu của thanh niên. Nhu cầu xã hội là những yếu tố thực sự thúc đẩy xã hội phát triển một cách căn cơ.
Một phần vì nhu cầu tìm hiểu của chính mình, phần khác cũng vì nhận thức nguy cơ đó mà Trường đại học Hoa Sen đã liên tiếp tổ chức các hội thảo khoa học về giáo dục đại học. Năm 2009 này chúng tôi cũng sẽ tổ chức hai hội thảo về giáo dục đại học, một liên kết với dự án đại học Trí Việt, cái thứ hai là của riêng trường chúng tôi.
____
Từ một giảng viên làm công tác chuyên môn thuần túy tại trường công qua làm công tác quản lý tại một trường tư, tức là phải tính toán, cân đối thu – chi… có vẻ như là một quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng?
Phần lớn những thành viên sáng lập Hoa Sen đều được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là Pháp. Tuy nhiên, chúng tôi được đào tạo theo kiểu hàn lâm ở bậc đại học. Trong khi đó, chương trình của trường Hoa Sen giai đoạn 1991 – 1999 là đào tạo hai năm sau tú tài, bậc học mà chúng tôi chưa có kinh nghiệm. Khi mở trường Hoa Sen, các thành viên sáng lập đều cảm thấy không hài lòng với hiện trạng giáo dục đại học của Việt Nam.
Chúng tôi muốn một mô hình đại học khác, cụ thể là gắn liền với nhu cầu xã hội, điều mà bây giờ được nhắc đến thường xuyên. Thêm nữa, chúng tôi cũng xác định chuẩn mực quốc tế là mục tiêu để hướng tới. Chúng ta phải thoát ra khỏi suy nghĩ rằng Việt Nam là nước nghèo, chịu hậu quả chiến tranh, nên cái gì cũng không giống người ta, thậm chí có giai đoạn người ta còn tự hào vì nền giáo dục của mình không giống người ta. Đó là sự bao biện cho tâm lý nhược tiểu.
Đành rằng giáo dục đại học của các nước không giống nhau hoàn toàn nhưng tất cả đều đáp ứng những chuẩn mực bắt buộc. Một vấn đề nữa, chúng tôi không cố tình thể nghiệm nhưng buộc phải làm là tự chủ tài chính. Lý do là vì không có ai bỏ tiền cho mình, muốn làm thì phải tự xoay xở, cân đối thu chi. Cái thứ tư là thể nghiệm bậc học hai năm, điều mà chúng tôi không có kinh nghiệm. Việc này làm được, chủ yếu là nhờ hợp tác quốc tế. Một đối tác lâu năm của Hoa Sen lúc đó là Phòng Thương mại Công nghiệp Versailles (CCIV).
Là phòng thương mại lớn thứ hai của Pháp, CCIV quản lý nhiều trường chuyên về đào tạo nhân lực, từ dạy nghề đến cao học, đặc biệt là đào tạo “xen kẽ”. “Xen kẽ” là từ chúng tôi dịch ra từ tiếng Pháp, còn có một cách dịch khác là đào tạo luân phiên, hiểu nôm na là học tại trường và thực hành tại doanh nghiệp. Có nhiều mô thức xen kẽ, tùy theo từng điều kiện cụ thể mà áp dụng một cách linh hoạt. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo kinh nghiệm từ các IUT (viện đại học công nghệ) trong các đại học Pháp…
Về phần mình, do có điều kiện đi nước ngoài nhiều hơn, tôi bắt đầu làm luận án tiến sĩ. Nhưng làm luận án được một năm thì tôi tạm ngưng để chuyển sang học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Lúc đó, đọc các bản báo cáo tài chính và có thể hỏi lại kế toán trưởng rằng tại sao phải chi khoản này, tại sao phải chi khoản kia, và quan trọng hơn, hỏi tại sao không thể chi nhiêu hơn cho việc này, việc khác vì mục tiêu sư phạm là nhu cầu cấp bách, thiết thực hơn từ trách nhiệm người quản lý một trường hoàn toàn tự chủ tài chính.
Khi mở trường Hoa Sen, các thành viên sáng lập đều cảm thấy không hài lòng với hiện trạng giáo dục đại học của Việt Nam.
____
Luận án tiến sĩ của bà: “Việt Nam 1918 – 1945, giới và hiện đại: sự xuất hiện của những nhận thức và trải nghiệm mới” được xem là một khảo sát tiên phong về các nữ trí thức và nhà hoạt động nữ quyền ở Việt Nam. Tại sao bà lại chọn đề tài này?
Cùng thời gian tôi về Hoa Sen, thì chị Thái Thị Ngọc Dư, Trưởng khoa Phụ nữ học Trường đại học Mở – Bán công TP. Hồ Chí Minh, mời tôi làm thỉnh giảng cho ngành này..Do tài liệu nghiên cứu sẵn có quá nghèo nàn, nên tôi phải tự nghiên cứu.
Khoảng thời gian đó, tôi có dịp tiếp xúc với một số nhà sử học Pháp. Một người bạn Pháp đã mua tặng tôi cuốn số năm trong bộ sách năm cuốn về lịch sử phụ nữ phương Tây. Khi qua Pháp, tôi đề nghị người bạn ra nhà sách đổi lại cuốn số một vì tôi tin rằng phương pháp luận nằm ở đó. Tôi cũng chủ động tiếp xúc với người chủ biên bộ sách đó, người được xem là đặt nền móng cho những nghiên cứu về lịch sử phụ nữ từ thập niên 1970.
Lịch sử loài người trong một thời gian rất dài là lịch sử của nam giới. Việc nghiên cứu về nữ giới vô hình trung đã làm mới phương pháp luận trong nghiên cứu lịch sử thế giới. Mặt khác, khoảng thời gian từ 1918 đến 1945, theo tôi, là một giai đoạn cực kỳ quan trọng, hình thành nên nước Việt Nam hiện đại. Đây là giai đoạn Việt Nam mở ra với thế giới do bạo lực bên ngoài. Những khác biệt về kinh tế, văn hóa dội vào khiến xã hội Việt Nam phản ứng.
Điều tôi quan tâm là xã hội Việt Nam phản ứng như thế nào? Giai đoạn vừa nêu là lần đầu tiên nữ sinh được đến trường, không phân biệt thân thế, hoàn cảnh… Sau khi nghiên cứu, tôi khẳng định giai đoạn 1918 – 1945 là làn sóng thứ nhất về chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam. Theo đó, có những nỗ lực dung hòa giữa giá trị truyền thống Á Đông và sự du nhập của văn hóa phương Tây, dung hòa giữa hai giới để xác lập quyền bình đẳng nam – nữ… Ngoài những phụ nữ xuất sắc của thời đó, tôi còn tìm được những bằng chứng cho thấy nhiều trí thức nam lúc đó ủng hộ sự phát triển của chủ nghĩa nữ quyền. Có thể liệt kê một số cái tên tiêu biểu như Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh…
____
Vậy còn làn sóng thứ hai?
Làn sóng thứ hai là từ năm 1945 đến 1975 và làn sóng thứ ba là từ 1975 đến nay.
____
Ba làn sóng chủ nghĩa nữ quyền này khác nhau như thế nào, thưa bà?
Chắc chắn là có sự khác nhau. Nhưng vì chưa nghiên cứu về làn sóng thứ hai và thứ ba, nên với tư cách là một người làm khoa học tôi chưa dám phát biểu. Chỉ lưu ý rằng nghiên cứu phụ nữ không có nghĩa là chỉ tập trung vào phụ nữ. Phụ nữ là một lăng kính để nghiên cứu xã hội, để hiểu xã hội. Nói cách khác là nhìn xã hội qua lăng kính phụ nữ.
Sang năm 2010, Hoa Sen sẽ tổ chức một hội thảo về phụ nữ và chiến tranh. Đó cũng sẽ là bước đầu tìm hiểu về làn sóng thứ hai.
Tôi không thích xuất hiện với tư cách là một người thành công. Mong muốn của tôi là xã hội có thêm nhiều người làm được nhiều việc hơn tôi và bớt cực khổ hơn tôi.
____
Bà đánh giá thế nào về vai trò của trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng trong xã hội hiện nay?
Nếu nhìn từ giác độ một nhà nghiên cứu thì cần có bước lùi về mặt thời gian. Như vậy sẽ trầm tĩnh hơn, hạn chế được sự cảm tính. Còn những gì đang diễn ra thì hãy để thế hệ sau phán xét. Có hai điều mà nhiều người hay quên khi đề cập đến các sử gia phương Đông. Thứ nhất, những gì người làm sử viết ra, vua chúa có quyền cho in hay không in, nhưng tuyệt đối không cải sửa, thêm thắt nội dung. Thứ hai, sử gia phương Đông cũng không viết sử thời mình, mà viết sử đời trước. Bởi vì họ hiểu giới hạn của họ, biết vị thế thần dân của họ. Ngô Sĩ Liên, tác giả bộ Đại Việt Sử ký toàn thư, là sử gia đời Lê. Bộ sử ông viết chỉ đến cuối đời Trần là hết.
Nếu để chia sẻ cảm nghĩ, theo tôi, thời nào cũng vậy, chỉ còn là trí thức khi người ta suy nghĩ bằng cái đầu của mình và sống theo mình nghĩ. Trí thức nam hay nữ gì thì cũng không có khác biệt về điều này.
____
Người ta nói rằng đằng sau sự thành công của một người đàn ông có hình bóng của một người phụ nữ. Vậy còn đằng sau sự thành công của một người phụ nữ, cụ thể là bà, thì có gì?
Có những người hiểu và ủng hộ mình, không phân biệt thân – sơ, người trong gia đình hay người ngoài gia đình. Tôi không thích xuất hiện với tư cách là một người thành công. Mong muốn của tôi là xã hội có thêm nhiều người làm được nhiều việc hơn tôi và bớt cực khổ hơn tôi.
____
Cụ thể thì “cực khổ” như thế nào, thưa bà?
Tôi không có thói quen ngồi không. Lúc nào tôi cũng làm một cái gì đó. Vì thế nên ngày làm việc của tôi khá dài vì tôi thích công việc của mình đang làm. Nghĩa là làm việc nhiều giờ trong một ngày với tôi không phải là sự cực khổ. Hơn thế, tôi nghĩ mình là người may mắn vì có điều kiện để làm những điều mình thích. Cái cực khổ đối với tôi là mất quá nhiều thì giờ, công sức cho những việc không đáng.
Chẳng hạn, buổi sáng đi làm, tôi chịu chung nỗi ám ảnh kẹt xe với người dân thành phố. Còn trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấy cơ chế xin – cho vẫn còn khá phổ biến. Người có quyền cho là người có quyền “hành” (người đi xin). Sự tồn tại của cơ chế này trong một chừng mực nào đó, đang kéo lùi sự phát triển của xã hội, làm mòn mỏi sức dân một cách không cần thiết.
____
Có khi nào những khó khăn ngoại tại như vậy làm bà nản?
Tôi chỉ cảm thấy sốt ruột. Triết lý sống của tôi là khi gặp những điều mình không hài lòng, nếu làm được gì thì làm, chứ không “ca cẩm”
____
Một vấn đề nóng bỏng trong ngành giáo dục thu hút sự chú ý của ngành giáo dục hiện nay là chủ trương cổ phần hóa đại học công lập. Từ góc độ một nhà quản lý trường tư thục, bà nghĩ sao?
Tôi nghĩ rằng môi trường giáo dục cũng giống như một hệ sinh thái, cần sự đa dạng, có trường công, trường bán công (với điều kiện nó minh bạch và hiệu quả, như trước kia đã làm được), trường mở, trường tư thục. Tôi ủng hộ việc giảng viên ký hợp đồng với nhà trường. Đó cũng là hướng đi của Hoa Sen từ khi còn là một trường đào tạo nghiệp vụ. Nhờ vậy mà duy trì được chất lượng đào tạo. Thành thực ban đầu tôi cũng chưa có ý định gắn bó lâu dài với Hoa Sen.
Chỉ khi chứng kiến nhà trường không ký lại hợp đồng với một giảng viên không đáp ứng được yêu cầu, trái tim tôi mới thực sự thuộc về Hoa Sen. Quy chế tư thục hiện nay đã thông thoáng hơn nhưng đội ngũ sư phạm vẫn cần phải được bảo vệ. Nếu biến trường học thành công ty, tức là người giữ nhiều cổ phần nhất nắm quyền kiểm soát nhà trường thì rất nguy hiểm.
Nhà trường phải có sự kiểm soát, phải đại diện cho xã hội. Cái khốn khổ nhất hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải lúc nào cũng đại diện được cho xã hội, mà lại không có cơ chế kiểm soát hay đánh giá độc lập. Nếu tăng cường quyền kiểm soát của chỉ ngành giáo dục, đặc biệt đối với trường tư thục thì e rằng cả trường công lẫn trường tư đều không phát triển được với tư cách nhà trường, nhất là đại học, còn nếu biến thành công ty thì tụi tôi càng… chết. Đó là cái khó.
Tôi vẫn thường nhắc nhở các đồng nghiệp rằng tiền chúng ta đang sử dụng là học phí của sinh viên. Chúng tôi xài tiền trực tiếp từ dân nên không thể không cẩn trọng.
____
Một kỳ thi đại học nữa lại đang đến gần. Bà có lời khuyên gì dành cho các sĩ tử, đặc biệt là những người đã nộp hồ sơ vào Trường đại học Hoa Sen?
Thi đại học ở nhiều nước đều là thách thức lớn. Ở Việt Nam càng căng thẳng hơn. Nhưng cũng có phầnhào hứng. Đó cũng là cơ hộiđểcác bạn trẻ tự lấy quyết định, chứng minh mình đã trưởng thành. Những năm gần đây, sĩ tử trong cả nước tỏ ra thực tế hơn, có trách nhiệm hơn, xu hướng khoa bảng có phần giảm, là điều đáng mừng.
Tôi chúc các bạn trẻ tự tin, coi kỳ thi là cơ hội phấn đấu để đạt ước mơ và định hướng học tập, định hướng nghề nghiệp của mình. Tôi biết thi cử bao giờ cũng ẩn chứa rủi ro, còn có mặt chưa hoàn toàn công bằng, hợp lý. Nhưng cuộc sống lúc nào mà chẳng còn những điều như vậy. Làm người trưởng thành là “đảm nhiệm” (assume) thực tế cuộc sống, tự khắc phục khó khăn để khẳng định mình.
Đối với các bạn định thi vào đại học Hoa Sen, tôi chưa biết mỗi bạn đã chọn trường, chọn ngành vì những lý do gì. Nếu lý do của các bạn cùng một hướng với triết lý đào tạo của trường, các bạn sẽ có nhiều cơ may hơn, không chỉ trong kỳ thi tuyển mà chủ yếu là trong quá trình học về sau. Triết lý đào tạo có thể tìm hiểu qua website, văn phòng tư vấn và các sinh hoạt khác của trường. Nói gọn là thực học, học để thành người hữu dụng, tự lập được, tự tin trong giao lưu quốc tế, trong nghề nghiệp sau này.
Cuối cùng, nếu chẳng may thi rớt, không có nghĩa là cùng đường. Còn nhiều cơ hội có thể nắm lấy, miễn là mình ham học. Ham học, chớ không phải ham tấm bằng đại học.
____
Một vấn đề khiến dư luận quan tâm là mức học phí của Trường Đại học Hoa Sen. Con số bình quân 19,5 triệu đồng/niên học được xem là khá cao so với mặt bằng thu nhập chung?
Học phí đại học Hoa Sen hiện không phải là loại cao nhất, còn có một số trường cao hơn, chưa nói đến du học. Cái chính, không nên chỉ nhìn con số tuyệt đối, mà phải so với điều kiện học tập và cơ hội đem lại cho mình; phải thẩm định khả năng bảo đảm cam kết của đội ngũ sư phạm. Mặt khác, sự tự chủ về tài chính khiến đội ngũ sư phạm hành xử có trách nhiệm hơn.
Tôi vẫn thường nhắc nhở các đồng nghiệp rằng tiền chúng ta đang sử dụng là học phí của sinh viên. Chúng tôi xài tiền trực tiếp từ dân nên không thể không cẩn trọng. Cũng vì là trường tư nên chúng tôi chủ động và linh hoạt khi cấp học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đã cứu được nhiều trường hợp, mà cứu trúng.
Trường hợp mới đây nhất là con của một giảng viên đại học. Em này chưa đủ điều kiện về điểm số theo quy định của nhà trường nhưng căn cứ hoàn cảnh thực tế và nỗ lực phấn đấu của em đó, tôi đặc cách giảm 50% học phí cho em từ khi phát hiện khó khăn vào giữa năm nhất đến khi tốt nghiệp. Tôi làm được điều đó là do quy chế tư thục tạo điều kiện cho đội ngũ sư phạm quyền hạn tương xứng với trách nhiệm.
____
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.