Caroline Reichardt – Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Á, về nước lần đầu tiên năm 1988, thời điểm Việt Nam vừa vùng vẫy thoát ra khỏi cơ chế bao cấp nặng nề. Sau hơn ba năm đi đi về về, người phụ nữ mang trong mình nửa dòng máu Việt này quyết định khởi nghiệp tại quê mẹ. Bởi chỉ có như vậy, bà mới có cơ hội đóng góp nhiều nhất cho quê hương.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại văn phòng của bà trên lầu bốn một chung cư cũ ngay góc ngã tư Đồng Khởi – Lý Tự Trọng, quận 1. Dường như nhận thấy sự tò mò của người đối thoại về hai tấm hình lồng khung đặt trên bàn thờ giữa phòng khách, bà nói, như giãi bày:
Đấy là hình cha mẹ tôi. Cha tôi là người Đức. Ông đi lính lê dương, từng tham chiến ở Algerie, qua Maroc trước khi gặp mẹ tôi ở Sài Gòn. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Năm 1975, khi đất nước Việt Nam thống nhất, cả gia đình tôi quay về Paris dù cha tôi đã bày tỏ với chính quyền mới nguyện vọng tiếp tục ở lại trên mảnh đất mà ông đã sống và làm việc gần bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1981, tôi cùng một số bạn bè cùng mang trong mình nửa dòng máu Việt, hùn hạp thành lập công ty máy tính. Năm 1988, tôi trở lại Việt Nam lần đầu tiên.
____
Thời điểm đó, Việt Nam vừa thoát ra khỏi cơ chế bao cấp, đất nước còn bộn bề khó khăn. Là một nhà kinh doanh, hẳn rằng bà nhìn thấy cơ hội gì ở quê ngoại?
Năm 1986, nghe tin Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, mở cửa nối lại giao thương với thế giới, tôi vô cùng mừng rỡ. Với tôi, đó là thời cơ để quay về và đóng góp cho đất nước. Còn làm gì thì chưa biết. Gõ cửa đại sứ quán Việt Nam tại Paris, tôi trình bày nguyện vọng. Những nhân viên sứ quán tỏ ra khá niềm nở, và hứa sẽ hỗ trợ chúng tôi. Năm 1988, chúng tôi ký được một hợp đồng trang bị toàn bộ hệ thống máy tính cho Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). Khi nghe phi hành đoàn thông báo máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi lặng đi vì xúc động. Lần đầu tiên tôi nếm trải trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “thiêng liêng”. Tôi đã khóc, khóc thật nhiều trong những ngày đầu đặt chân xuống Sài Gòn.
Mười ba năm kể từ khi đất nước im tiếng súng, đường phố Sài Gòn, nhất là khu vực trung tâm, hầu như không thay đổi so với hình dung của tôi. Hồi ấy đất nước vẫn lạc hậu, người nghèo vẫn còn nhiều. Sau ba năm đi đi về về thực hiện hợp đồng, tôi nghĩ cơ hội về sống và làm việc ở quê hương đã chín muồi.
Khi nghe phi hành đoàn thông báo máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi lặng đi vì xúc động. Lần đầu tiên tôi nếm trải trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “thiêng liêng”.
____
Sự “chín muồi” nên được hiểu như thế nào?
Thực ra, chuyên môn của tôi không phải là máy tính. Tôi học về kinh doanh. Việc tham gia hùn hạp làm ăn với bạn bè sau khi ra trường là một cơ hội để tôi tích lũy kinh nghiệm xây dựng và điều hành công ty. Sau mười năm làm việc, sự hứng thú của tôi với ngành này không còn nữa. Kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Việt Nam đã bị ngưng vô thời hạn do khó khăn về tài chính. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước là giai đoạn thoái trào của ngành công nghiệp máy tính. Những “cá lớn” tầm cỡ như IBM còn khốn đốn, phải sa thải hàng loạt nhân viên, thu hẹp sản xuất, huống chi chúng tôi chỉ là những con “cá nhỏ”. Vậy là tôi quyết định sang nhượng lại toàn bộ cổ phần. Năm 1993, tôi về nước, thành lập Công ty Mỹ Á.
____
Nhưng thực tế là mãi đến năm 1998, Việt Nam mới có Luật Đầu tư nước ngoài?
Vậy nên tôi phải nhờ người dì ruột đứng tên thành lập công ty. Là người dân dã, không rành chuyện làm ăn, bà chỉ nói với tôi: “Dì đồng ý giúp con tư cách pháp nhân. Nhưng con đừng làm chuyện bất hợp pháp mà tội nghiệp dì”. Trước khi khởi nghiệp tại quê nhà, tôi có tiếp xúc với một số công ty Pháp muốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do các rào cản về luật pháp, thủ tục… nên thay vì đầu tư trực tiếp, họ đề nghị Mỹ Á làm đại diện. Theo đó, chúng tôi thay họ thu gom lụa tơ tằm rồi thuê gia công theo mẫu họ gửi qua để xuất khẩu. Việc mang trong mình hai dòng máu và có điều kiện sống và làm việc ở cả môi trường trong và ngoài nước là một lợi thế, khiến tôi có thể bắc những cây cầu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu hợp tác với nhau. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn tiếp tục làm đại diện cho một số công ty nước ngoài.
____
Có khi nào cầu đã bắc xong mà hai bên vẫn không đến được với nhau?
Có chứ.
____
Theo kinh nghiệm của bà, nguyên nhân chủ yếu là gì?
Chủ yếu là sự khác biệt giữa văn hóa làm việc. Một trong những đặc điểm phổ biến của người Việt mình là trong khi thương thảo hợp đồng, nếu có những điều khoản không đồng ý thì cũng không nói thẳng vì cho rằng đó là phép lịch sự, ngại mất lòng đối tác. Nhưng khi ký hợp đồng thì phải rõ ràng, Chính sự khiến người nước ngoài cho rằng người Việt mình không thẳng thắn, thiếu nghiêm túc.
Có một chuyện xảy ra cũng khá lâu. Qua sự giới thiệu của tôi, một doanh nghiệp trong nước hùn với một nhóm đầu tư Singapore đầu tư xây dựng cửa hàng thời trang khá lớn. Tỷ lệ vốn góp là 50/50. Tôi cũng góp một ít cổ phần với phía Singapore. Tuy nhiên, hùn nhưng không hạp. Quan điểm của phía nước ngoài là tiếp tục đầu tư, từ năm thứ ba mới bắt đầu thu hồi vốn. Nhưng phía Việt Nam thì không đủ kiên nhẫn. Họ quan niệm tiền không vô là thua, chưa kể còn phải bỏ thêm vốn. Mong muốn về thời hạn sinh lời của hai bên không ăn khớp. Sau nửa năm hoạt động, liên doanh đổ vỡ. Tâm lý ăn xổi có lẽ là hệ quả của mấy thập niên binh lửa, thường xuyên đối diện với bất trắc, nay sống mai có thể chết, khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn, chú trọng cái trước mắt hơn là sự lâu dài.
Tôi không có thói quen nhấm nháp những dư vị của quá khứ, dù cay đắng hay ngọt ngào. Quá khứ giống như một cái đèn, nhưng chỉ thắp sáng phía sau lưng.
____
Là người bắc cầu, bà có cảm thấy hối tiếc?
Tôi không có thói quen nhấm nháp những dư vị của quá khứ, dù cay đắng hay ngọt ngào. Quá khứ giống như một cái đèn, nhưng chỉ thắp sáng phía sau lưng. Tôi luôn nhìn về phía trước và tự nhủ làm hết khả năng của mình.
____
Vậy bây giờ Caroline Reichardt đang nhìn về cái gì?
Trước mắt, tôi mong Jetset Vietnam sẽ đứng được. Jetset Vietnam là mô hình tương tự như một câu lạc bộ mà tôi là người sáng lập, đối tượng hướng đến chủ yếu là các doanh nhân, những người thường xuyên làm ăn với các đối tác từ nhiều nền văn hóa. Mục tiêu của câu lạc bộ là trang bị cho hội viên những kỹ năng xã hội theo chuẩn giao tế quốc tế, từ phong cách phục trang cho từng thời điểm, kỹ năng bàn tiệc, thưởng thức rượu vang, phân biệt sự khác nhau giữa tiệc mang phong cách Âu, Á, cho đến cách bắt tay, nhận lời mời… Thực ra những phép tắc này không khó. Nhìn chung là những chuyện nho nhỏ nhưng lại góp phần khá quan trọng trong việc tạo ấn tượng ban đầu với đối tác.
____
Ý tưởng về mô hình kinh doanh này từ đâu, thưa bà?
Ý tưởng phát triển Jetset định hình cách nay bảy năm, xuất phát từ cuộc sống. Cụ thể, một số bạn bè, đối tác của tôi tâm sự rằng họ cảm thấy không tự tin khi giao tế với các đối tác nước ngoài do không rành rẽ những nguyên tắc giao tiếp. Tôi đã mời một chuyên gia trong lĩnh vực này về Mỹ Á để phát triển Jetset nhưng do nhu cầu lúc đó chưa đủ lớn nên dự án tạm ngưng lại, còn cậu ấy thì chuyển sang phụ trách một công việc khác và hiện vẫn là cộng sự của tôi. Năm 2009, kinh tế khủng hoảng, nhiều đơn hàng bị ngưng lại. Không muốn ngồi không, tôi mới lật lại bản kế hoạch phát triển Jetset. Sau hơn một năm chuẩn bị, câu lạc bộ này chính thức khai trương vào tháng 3 vừa qua.
____
Đến nay, câu lạc bộ đã có bao nhiêu hội viên?
Danh sách đăng ký hiện đã vượt quá con số 30 người. Ngoài ra, những người quan tâm có thể tham gia các lớp học tổ chức thường xuyên. Chẳng hạn lớp học về tiệc Nhật, sau khi nghe giáo viên giới thiệu về những nét đặc thù và cách thưởng thức các món ăn, các học viên sẽ thực hành tại chỗ.
____
Sau hơn hai mươi năm làm việc và sống tại Việt Nam, bà đã tính đến việc nhập quốc tịch?
Thời điểm Luật Quốc tịch ra đời, tôi rất háo hức. Tuy nhiên, khi làm đơn xin nhập tịch tôi mới phát hiện ra một số quy định dưới luật khiến mình không thể đáp ứng được. Thí dụ như phải có giấy chứng nhận thường trú tại Việt Nam tối thiểu là năm năm. Nhưng trước khi có Luật Quốc tịch, các cơ quan hữu trách chỉ cấp giấy tạm trú và thực tế là cứ sáu tháng, tôi lại phải qua Pháp để gia hạn visa. Những ràng buộc như vậy ít nhiều làm “nguội” bớt bầu nhiệt huyết của nhiều người thực lòng muốn trở về gắn bó với quê hương. Họ cảm thấy tấm lòng mình chưa được đón nhận một cách trọn vẹn. Thực ra việc nhập quốc tịch sẽ giúp cho công việc làm ăn của tôi thuận lợi hơn, chẳng hạn như mua một miếng đất để xây văn phòng công ty, thay vì đi thuê như hiện nay. Còn việc có quốc tịch hay không không ảnh hưởng gì đến việc tôi là người Việt.
____
Bà có nghĩ mình sẽ ở lại Việt Nam đến cuối đời?
Hy vọng là như vậy. Thành thực, tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm thế ra đi. Tôi thừa hưởng từ mẹ tôi quan niệm rằng hãy sống như một con tàu. Bến còn vui, còn thoải mái thì mình buông neo. Chừng nào hết vui, thì mình nhổ neo, tìm bến mới. Phật dạy rằng không có gì là vĩnh cửu.
____
Trên bàn thờ cha mẹ bà ở góc phòng đặt một bức tượng Phật. Bà cũng là Phật tử?
Đúng. Tôi nhập đạo từ khi còn ở Pháp. Mẹ tôi cũng là Phật tử.
____
Dường như bà chịu ảnh hưởng khá nhiều từ thân mẫu?
Cha tôi là người Công giáo. Tuy nhiên, cha mẹ tôi không hướng đạo, cho phép con cái chủ động lựa chọn tôn giáo, miễn là sống tử tế và đạo đức. .
____
Bà có thường đi chùa?
Không. Tôi không đến chùa tìm Phật. Tôi thờ Phật ở trong lòng mình.
____
Bằng cách nào bà có thể chứng nghiệm được điều đó?
Đạo Phật “ghìm cương” mình lại, khiến mình bớt “hung dữ” trong cách hành xử với cộng sự, đối tác. Lúc thị trường khó khăn, việc làm ít, thay vì sa thải bớt nhân viên không cần thiết để giảm chi phí, thì tôi cố gắng giữ họ lại bằng cách bán bớt một phần tài sản để có chi phí bù đắp cho quỹ lương. Có người nói tôi làm không đúng, đã kinh doanh phải đặt lợi nhuận lên trên hết.
Đạo Phật “ghìm cương” mình lại, khiến mình bớt “hung dữ” trong cách hành xử với cộng sự, đối tác.
____
Làm được như vậy có lẽ vì công ty của bà có quy mô nhỏ?
Đúng vậy. Trước khi lập công ty, tôi chủ trương chỉ tuyển từ bốn đến năm nhân viên, hoạt động ở quy mô vừa sức mình.
____
Có mâu thuẫn hay không khi làm kinh doanh mà lại không muốn doanh nghiệp của mình lớn?
Tôi không nghĩ rằng công ty cứ phải lớn mới có thể đóng góp được cho đất nước. Quan trọng là tôi góp được “một viên gạch” xây dựng quê hương. Muốn vậy, phải làm hiệu quả. Càng nhiều người càng khó quản lý. Khi còn làm việc ở Pháp, tôi đã thấm thía sự mệt mỏi vì quản lý khoảng 150 nhân viên trong công ty. Tuy nhiên, thời thế buộc mình phải thay đổi. Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á, các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường, nhiều hợp đồng bị ngưng lại, chúng tôi thiếu việc làm. Năm 2001, tôi thành lập trung tâm Vietnam Cookery Center (VCC), vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa giới thiệu văn hóa ẩm thực với khách du lịch nước ngoài bằng cách liên kết với các công ty lữ hành để tổ chức các khóa dạy nấu ăn cho du khách. Sau khi nghe giáo viên giới thiệu, thí dụ như phong tục Tết của người Việt, chúng tôi sẽ hướng dẫn học viên thực hành khoảng ba món rồi thưởng thức tại chỗ. Xác định quỹ thời gian của du khách khá eo hẹp nên mỗi lớp học chỉ kéo dài chừng bốn giờ đồng hồ. Trung tâm vừa khai trương thì xảy ra vụ khủng bố 11/9 chấn động nước Mỹ khiến nhiều người e ngại đi du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không, nghĩa là VCC thiếu học viên. Khi ngành hàng không vừa hồi phục lại thì đến lượt đại dịch SARS, rồi cúm gà… Đến năm 2006 thì VCC bắt đầu đứng được và hiện vẫn đang hoạt động khá tốt. Mặc dù hạn chế tuyển dụng nhưng bây giờ tổng số số người làm việc ở Mỹ Á đã lên đến con số 30.
____
Với 30 con người thì văn phòng này trở nên quá chật chội?
Trụ sở chính của công ty đặt bên quận Bình Thạnh, còn văn phòng này chỉ là chi nhánh dành riêng cho Jet Set Vietnam. Cũng như cái trung tâm thương mại vừa mọc lên trên nền công viên bên kia đường, tòa chung cư này rồi cũng sẽ đến lúc bị đập đi. Khi nghe phong thanh tin này cách nay tám năm, tôi lập tức dọn về đây. Tôi muốn làm việc ở đây cho đến ngày nó biến mất.
____
Có gì đặc biệt khiến bà quyến luyến tòa chung cư này đến như vậy?
Chưng cư này là một trong những chứng tích của Sài Gòn xưa đang dần mất đi. Nó là tòa chung cư đầu tiên ở châu Á mà người Pháp áp dụng bê tông cốt thép trong quá trình xây dựng. Kiến trúc sư thiết kế tòa nhà này theo kiểu Pháp, lầu áp mái được ngăn thành nhiều phòng dành cho gia nhân, lái xe ở. Chính vì vậy nên nhiều người Việt trong giới thượng lưu Sài Gòn tẩy chay tòa nhà này vì không chấp nhận được việc “đầy tớ ở trên đầu chủ”. Cách nay ít bữa, tôi có gặp hai vợ chồng người Pháp thăm lại chung cư này. Hỏi ra mới biết cách nay 80 năm, bà vợ đã được sinh ra ở đây. Có lẽ với bà ấy, đây là cơ hội cuối cùng để thăm lại nơi mình cất tiếng khóc chào đời.
____
Đâu có gì là vĩnh cửu?
Vẫn biết vật đổi sao dời là quy luật không thể cưỡng lại của thời gian nhưng chứng kiến những dấu tích khơi gợi lại hình ảnh Sài Gòn xưa đang mất dần khiến nhiều người không khỏi hẫng hụt. Mà đâu chỉ có riêng tôi. Một buổi sáng cách nay gần hai tháng, khi đi tập thể dục, tôi gặp một anh bạn người Úc xách theo máy ảnh đi vòng vòng chụp hình khu tứ giác Eden để hoàn tất bộ ảnh về khu vực này vào nhiều thời điểm trong ngày trước khi nó chính thức bị giải tỏa. Sau 19 năm sống và làm việc ở Sài Gòn, khu thương mại này trở nên quá thân thương với cá nhân anh.
Đành rằng không thể cứ giữ mãi hình ảnh của Sài Gòn như cách nay ba mươi năm, nhưng điều tôi quan tâm là cảnh quan sẽ thay đổi theo hướng nào. Chứng kiến những đổi thay của trung tâm Sài Gòn, tôi lại bâng khuâng khi nghĩ đến những dự án đang bao vây trung tâm Hà Nội.
____
Một câu hỏi cuối cùng. Với bà, Sài Gòn đẹp nhất vào lúc nào?
Từ 5 giờ sáng đến 6 giờ 30. Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng thời gian đầu ngày là lúc người ta dễ gần nhất. Xin kể một câu chuyện nhỏ. Tôi vẫn nhớ lần mình xách theo một cây vợt cầu lông, đi lang thang trong Công viên Tao Đàn. Dù không hề quen biết nhưng mấy người đang thi đấu vẫn rủ tôi vào chơi cùng với họ. Đến giờ thì chúng tôi đã trở thành bạn bè. Cũng là những người đó, nhưng nếu vào một thời điểm khác, chẳng hạn như lúc đi đường, nhất là vào giờ cao điểm, tất cả phải tranh giành để chen lên trước thì chưa chắc họ đã giữ được sự thân thiện đến như thế. Nói vậy không có nghĩa rằng tôi nghi ngờ thái độ vô tư của những người bạn ở công viên. Ý tôi là sự cởi mở, hào hiệp… hay nói rộng ra là phần thiện tính trong con người cũng cần không gian để thở.
____
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.