Nói về hoạ sĩ, đồng thời là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam đương đại Trần Huy Hoan có thể được mô tả ngắn gọn như sau: quần kaki lửng, xe jeep hạng ruồi, xưởng sáng tác đầy gà, vịt, bông lau, sen súng (tất cả đều là đồ trang trí), hết sức có ý thức, am hiểu, thông cảm về luật kiểm duyệt.
Những đặc điểm có vẻ “da-da” của anh (một phong cách mỹ thuật châu Âu đầu thế kỷ XX với những đặc trưng hoàn toàn không liên quan đến nhau, lắp ghép hỗn tạp, vô nghĩa), có vẻ không khớp nhau, không lãng mạn, trong khi đề tài chủ yếu của anh là phụ nữ khoả thân hết sức e ấp, gợi cảm và cũng rất Việt Nam. Ở anh có cái điềm đạm, đầy trách nhiệm trong đam mê, có cái tình tứ nhưng lại tỉnh táo, kiêu hãnh và khiêm cung cùng song song tồn tại trong công việc cũng như quan niệm về cuộc đời.
Một thời gian rồi không thấy ảnh của Huy Hoan nữa, lại nghe anh sắp có triển lãm tranh?
Trước đây tôi chụp ảnh nhiều, giờ thì vẽ tranh nhiều hơn. Tôi không để cho mình nhàn rỗi bất cứ lúc nào, giờ lại độc thân nên càng có nhiều thời gian cho công việc. Lúc nào thấy “phong trào nhiếp ảnh” đi xuống thì lại đẩy “tinh thần hội họa” lên cao.
Anh có vẻ rất ý thức về việc tạo ra khuynh hướng mới?
Đấy là nói cho vui. Lâu nay tôi chỉ hoạt động trong hai lĩnh vực nhiếp ảnh và hội hoạ, không thứ này thì thứ kia. Đôi khi tôi cũng lấn sân sang trang trí nội thất, quay phim điện ảnh, nhưng cũng là để rèn một chút nghề mình đã học. Nói là nhiều nghề nhưng cũng nằm trong cái hướng chính là tạo hình. Tất cả mọi ngôn ngữ cũng chỉ để kể một câu chuyện mà mình thích thôi.
Câu chuyện đó có nội dung gì?
Nội dung yêu thích nhất của tôi là về phụ nữ, tất nhiên rồi.
Anh vẽ và chụp ảnh về phụ nữ, nhưng hình như chỉ là phái đẹp trong trạng thái nguyên thuỷ vì gia tài trong hơn 30 năm là khoảng 100 bức ảnh thuộc loại này. Có gì đặc biệt khiến anh bị mê hoặc đến vậy?
Chẳng có gì cao siêu. Thượng đế đã sinh ra người đàn ông và người đàn bà thì Thượng đế cũng đã có ý định cho họ thích nhau từ lúc đầu rồi. Tôi cũng chỉ là một người bình thường, bằng da bằng thịt, với tâm lý cũng hết sức tự nhiên. Rồi khi được chắp thêm ý thức, thì vốn là đàn ông, tôi phải thừa nhận đàn bà là một thực thể duyên dáng, đáng yêu, với nhiều đức tính làm đẹp cho đời.
Nhưng phụ nữ cũng làm anh đau khổ, sau hai cuộc hôn nhân không thành?
Mỗi người đàn bà đi qua đều để lại trong tôi nhiều làn sóng, cơn bão khác nhau. Nỗi buồn kể ra cũng có những giá trị nhất định. Có thể có người chọn cây cảnh, có người chọn xe hơi, nhưng nếu chọn một đề tài để ngợi ca cả đời thì tôi vẫn chọn phụ nữ. Đó là một đề tài xứng đáng để mình đeo đuổi mãi.
Nhưng anh có nói rằng phụ nữ chiếm một khối lượng lớn tâm trí của anh. Phải hiểu sao khi anh từ chối nghĩ rằng mình đang ca ngợi cả thế giới phụ nữ?
Thực ra mà nói tôi yêu nhiều phụ nữ nhưng chỉ có vài người cụ thể mà tôi được yêu. Tuy kỳ vọng rất lớn, nhưng có bàn tay ai ôm được cả thế giới. Tôi cố gắng để những tác phẩm mà mình thực hiện, dù nó có mất đi những dấu chỉ ấn định do tính vĩnh cửu của nude mang lại thì vẫn còn cảm xúc của tác phẩm, khiến người ta nhận ra đó là Trần Huy Hoan. Nếu không làm được điều đó thì tôi thất bại. Tôi không thích mình giống một họa sĩ Nhật Bản hay Trung Quốc nào đó. Tất nhiên họ có thể là tên tuổi lớn nhưng mình không thích giống họ. Tôi sẽ cố gắng để trong tay không tấc đất thì đã có nghệ thuật nâng mình lên. Vấn đề văn hoá, cách nhìn, cách bộc lộ thì tôi gửi gắm vào những chỗ tinh tế hơn, ví dụ như dùng trang phục hay đạo cụ.
Như vậy chữ ký Huy Hoan có thể được nhận dạng qua cảm xúc được gửi gắm trong tác phẩm. Anh có thể định nghĩa cảm xúc đó?
Trước hết, đó là sự hy sinh. Tôi đã yêu cái gì thì phải yêu thật sự, phải trả giá. Ngày xưa có những họa sĩ Trung Quốc vẽ về đá, về những con cua, con chim. Họ ngồi luyện để vẽ, vẽ một vạn, một triệu con cua, phiến đá để đến lúc chỉ cần vung bút vẽ một lần thôi là họ có ngay tuyệt tác. Đó là cách của người Á Đông, luyện và nghĩ, khác với phương Tây. Cùng là nói về chuyện êm thì người phương Tây phải là nệm mút, lò xo chẳng hạn. Ở phương Đông, anh chỉ êm khi lòng anh êm. Cho nên các cụ ngày xưa thấy toàn dùng phản gỗ, sàn đá. Nếu lòng êm thì ngồi vào phiến đá cũng êm. Ngược lại, lòng có sóng thì ngồi nệm êm cũng đâu có êm. Nude của tôi là nude Việt Nam, rất Á Đông, rất riêng.
Mùa hè, người phương Tây thấy biển là có thể cởi tung quần áo ra, do đó tranh nude của họ thể hiện theo ngôn ngữ phóng khoáng, cởi mở của chính họ. Nhưng phụ nữ Việt Nam nhiều khi chỉ hở một tí cái lườn áo dài thôi cũng đã cảm thấy cần che đậy lại ở những chỗ đông người. Lúc làm phim, tôi để ý thấy cô nào con nhà gia giáo thì rất kín đáo, chỉ khi nào họ cởi mở với một người nào đó thì đó mới thực sự là người họ chọn. Đây là một quan niệm khá hay. Họ điều tiết được sự cởi mở, sự gợi cảm của họ. Các vấn đề trên đời này đều là liều lượng thôi.
Anh tiết chế dựa trên những điều cấm kỵ. Đó có phải là thử thách và sức hấp dẫn để ngay từ đầu anh theo đuổi ngành nghệ thuật này?
Đúng vậy! Văn minh loài người luôn có những quy định. Không ai trần truồng như người nguyên thủy mà ra đường cả. Anh có thể bắt tay một người, nhưng nếu xông vào lột đồ cô ta thì không ổn. Nếu người ta quy định phụ nữ ra đường phải bọc cái bàn tay lại thì chắc chắn Trần Huy Hoan chỉ chụp cái bàn tay, vì lúc ấy cái bàn tay trần đã trở thành một điều cấm kỵ.
Giống như giấy in tiền thì có giá trị quy đổi, sự kín đáo về thân thể là một quy định mà chúng ta phải chấp nhận. Do vậy sự kín đáo trở nên có giá trị.
Giá trị đó trong tranh và ảnh của anh được thể hiện như thế nào?
Những gì tôi đưa ra luôn là sự e ấp. Có thể đó là một sự e ấp tinh thần, nếu như tôi để lộ một chút trên vẻ mặt. Nếu có hở hang về mặt cơ thể thì tôi dùng sáng hay tối để che đậy. Làm vậy để người ta thấy tính cách Á Đông là ở chỗ đó. Hoặc là tư thế chẳng hạn. Người phương Đông, kể cả trong tình trạng không mặc quần áo, vẫn có một cái gì đó e ấp hơn người phương Tây. Có khi không còn gì, chỉ còn một mớ tóc mà họ vẫn thích nguỵ trang. Họ biết phần nào được khoe ra, phần nào còn giữ lại. Tôi nghĩ mọi thứ đều xuất phát từ văn hóa hết. Mình là phương Đông, dù hiện nay các cô gái hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì trong họ vẫn không mất đi vẻ Á Đông. Tôi muốn giữ lại cái thần, cái vẻ đó, cái sự dè dặt rất có liều lượng, đến độ hơi thiếu thiếu, thòm thèm một tí. Ảnh của tôi bao giờ cũng cho người ta cảm thấy bị thiếu một tí. Đó là tinh thần chung của phụ nữ Việt Nam chứ không phải riêng gì tôi. Tất nhiên tôi có nguyện vọng cao hơn, nhưng giờ thì mọi người đã nhận ra được đây là ảnh của tôi, ảnh của một nghệ sĩ Việt Nam.
Còn riêng về cá nhân?
Phần tôi, tôi chỉ mong mình được hiểu thêm về người phụ nữ Việt Nam, còn yêu thì chắc chắn muốn yêu hết rồi (cười). Đấy là nói đùa, còn thực sự thì tôi muốn thông qua một vài người phụ nữ để yêu hết những người phụ nữ khác. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài Nhớ mùa thu Hà Nội có một câu rất hay: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người.” Không thể nào nói hôm nay đọc sách Kiều để yêu một người phụ nữ được. Tôi phải có một cô Kiều bằng da bằng thịt, phải tiếp xúc với nhiều người phụ nữ thì mới biết được đức tính chung của người phụ nữ Việt Nam. Họ là ai, tại sao họ lại như thế. Tôi không định tả cô X, nhưng muốn thông qua cô để nói rằng người phụ nữ Việt Nam nói chung có tinh thần như thế. Cuộc chơi của tôi khá mất thời gian, nhưng cho dù bây giờ có kết quả thì đối với tôi cũng là sớm, mà nếu hết cả cuộc đời chẳng đi đến cái gì thì tôi vẫn cứ cắm cúi làm thôi. Tôi không có kỳ vọng gì về thành công ghê gớm, nên cũng không bất ngờ nếu không có thành công. Tôi hết tuổi dò xét rồi, bây giờ chính tôi dò xét tôi. Đôi khi tôi vẫn hy vọng rằng tôi có thể làm hay hơn vì tôi chưa thật bằng lòng với những cái đang có. Phụ nữ còn nhiều điều để khám phá quá, chỉ hi vọng còn đủ sức khoẻ và sự đam mê mà đeo đuổi.
Là một người đàn ông trong xã hội Việt Nam hiện đại, anh có cảm thấy kỳ vọng nào?
Tôi chưa đủ sức để đại diện cho phái mạnh, nhưng chắc chắn tôi đại diện được cho mình (cười). Trước hết, đó là một đời sống thoải mái. Có thể khó khăn trong lao động, sáng tác, nhưng đặc biệt tinh thần tôi rất thoải mái, mình yêu cái gì mình thoải mái làm. Có lẽ tôi chọn nghiệp sáng tác là đúng, vì hầu hết mình tiếp xúc với cái đẹp. Giả sử tôi phải tiếp xúc với toàn tai nạn giao thông thì ý tưởng của tôi chắc cũng phải khác đi, cũng do tâm lý con ngưòi cả thôi. Cuộc chơi nào cũng là cơn nghiện, có đam mê, có trả giá, nhưng có lẽ tôi đỡ hơn, vì sự sáng tác mệt nhọc của tôi ngày hôm nay là triển lãm của chính tôi ngày mai, cho nên nó luôn cho phép tôi hồi sức. Tuy nhiên, kỳ vọng của người làm nghệ thuật thì luôn lớn.
Anh có chịu áp lực nào không?
Người sáng tác ở Việt Nam không chịu áp lực nhiều, nhưng khó khăn thì có, anh muốn thể nghiệm điều gì cũng gặp khó khăn, nhất là làm nghệ thuật mới, nhạy cảm. Sự dè dặt của các nhà quản lý là hợp lý vì họ phải xét trên trình độ dân trí, mặt bằng văn hóa tiếp nhận nghệ thuật của mình. Nhưng bao giờ văn nghệ sĩ cũng phải đi trước. Họ có một cái nhìn dự báo. Nếu như mặt bằng văn hóa chung không cập nhật được dự báo của họ thì có thể sẽ bị lệch lạc. Ngay như triển lãm nghệ thuật khoả thân đã được chấp nhận, nhưng muốn phóng to một bức cỡ 15 mét vuông treo giữa phố chính để đạt được những hiệu ứng nhất định thì không ổn về khía cạnh quản lý văn hoá. Có điều, nếu chuẩn bị rất kỹ mà không thể đưa ra cuộc sống cho mọi người thưởng thức thì cũng buồn. Đã không làm vì tiền thì ít nhất anh cũng phải được cơ hội gửi đến khán giả một cách xứng đáng. Các khó khăn về triển lãm, trưng bày, in ấn để truyền bá, chuyển hoá lao động của mình thành một điều có ý nghĩa… thực sự là rào cản đối với người sáng tác. Thế nhưng nhà quản lý cũng có lý và đấy là mâu thuẫn.
Do mặt bằng dân trí, đặc thù khu vực, sự kín kẽ lại gây tò mò cho các giới. Đến khi trưng bày ra thì sự tò mò được thoả mãn nên mới gây ra những phản ứng không được lành mạnh.
Nhưng những bức ảnh nude đã từng được công chúng biết đến đều cho thấy Trần Huy Hoan là một người hết sức khắt khe đối với tác phẩm của mình?
Tôi là người làm loại hình khá nhạy cảm nên phải kỹ lưỡng trước khi công bố. Đến giờ này, những công bố của tôi vẫn còn hết sức dè dặt, chưa xứng đáng với công sức tôi đã làm. Tôi có một mong muốn là ít ra mình cũng đại diện tiếng nói một số đàn ông để ngợi ca phụ nữ một cách nghiêm túc. Bây giờ đã thoáng hơn xưa rất nhiều. Những năm 1970, khó khăn đến độ tôi cứ luôn nghĩ mình là người phạm tội. Bây giờ các bạn trẻ được rộng đường hơn nhiều trong việc tiếp thu về văn hoá, sáng tác trong những địa hạt cấm kỵ, đâm ra nhiều khi cách làm việc, liều lượng đưa ra chưa đúng, vấp phải hạn chế nhất định về mặt thẩm mỹ mà nếu công bố hơi vội vàng hoặc không chính thức thì sẽ gây ảnh hưởng chung đến những khu vực sáng tác khác.
Anh có mong muốn gì khi một năm mới sắp đến?
Mong rằng tôi vẫn còn sức sáng tác. Mong có cuộc triển lãm lúc nãy tôi đề cập: một thể hiện siêu thực về nude qua tranh vẽ. Khi hiện thực của những tấm ảnh đã được khám phá thì siêu thực hội hoạ là một phát triển tự nhiên và biện chứng đối với riêng tôi, để thấy rằng tôi là người của thế kỷ XXI vẽ, chứ không làm lại những gì người đi trước hay chính mình đã làm.
Xin chúc anh luôn dồi dào cảm hứng sáng tác!