Nghe đừng thấy lạ tai nhé. Về già, bạn sẽ là con của con bạn. Này nhé, một hôm nào đó con bạn về thăm cha mẹ (nếu ở riêng) hoặc vào phòng riêng của cha mẹ (nếu ở chung nhà). Đứa con “mắc bệnh sạch” mò vào cái bàn lỉnh kỉnh chai lọ, thuốc men đủ loại, và chẳng may bữa đó cha mẹ mệt, đãng trí sao đó, uống sữa xong chưa kịp đem cái ly ra.
Đứa con sẽ kêu ầm lên như sắp cháy nhà: “Kiến, trời ơi đầy kiến, uống xong không chịu rửa ly, kiến bu đầy, ghê quá, toàn kiến hôi…”.
Đừng tưởng bạn làm ăn góp nhặt xây được cái nhà đã là lớn. Con bạn chê xa, chê nhà lớn quá ở phải tốn nhiều chi phí, tưới cây, làm cỏ… Mơ ước của chúng là căn hộ cao cấp hiện đại, nội thất hợp lý sang trọng, ít đồ đạc lỉnh kỉnh mà người già sống qua thời nghèo khó, cái gì cũng tích cóp. Có “view” đẹp, có hồ bơi.
Con bạn không phải nông dân nên không thích cây cỏ. Ngắm thì được, chứ ở ban công mà đem trồng mấy bụi cây, tưới nước ướt là chúng yêu cầu bỏ đi liền. Chúng không ưa vườn tược, ao cá, sợ con của chúng té, sợ rắn, sợ sâu bọ. Cái cây xanh, chúng sẽ nghi ngờ lỡ đâu có rắn lục? Có con ong đất bay vào nhà là chúng nói mọi người cẩn thận kẻo ong chích. Nói chung, chúng sống hợp lý và bắt bố mẹ cũng phải hợp lý theo, bất kể chuyện thay đổi con người ngay lập tức lối sống, thói quen là không thể, nhất là với người già.
- Xem thêm: Mẹ… làm dâu lần nữa?
Thậm chí với một số người, sự thay đổi đột ngột gây ra sợ hãi, đau buồn. Lý sự của chúng là: sống hợp lý, vệ sinh là có lợi cho chính sức khỏe của cha mẹ. Với lòng tự tin này, chúng sẽ bắt bạn phải tuân theo, như ngày xưa chúng còn bé, bạn đã bắt chúng phải thế này, phải thế kia mới hợp lý.
Nghe đến đây, bạn bắt đầu tin, phải không? Gạt ra ngoài câu chuyện tồi tệ về con cháu ngược đãi cha mẹ, ông bà, chúng ta chỉ nói chuyện trong những gia đình tử tế thôi đấy. Cha mẹ bây giờ không phải người quyết định, mà chính là con cái. Bạn không còn là người để bàn bạc với con mình chuyện chúng nhảy việc, vì lý lẽ của bạn cổ điển rồi. Bạn trung thành với nghề nghiệp, chịu đựng khó khăn, thậm chí thiệt thòi để xây dựng nên truyền thống.
Với chúng, tư duy đó cũ rồi, ở cái thời không có lựa chọn nên mới phải trung thành. Còn con bạn, chúng đi tìm trong suốt đời, các cơ hội. Bạn thì tìm sự lão luyện cho một nghề nghiệp, con bạn tìm cơ hội thăng tiến, kiếm nhiều tiền hơn, không sợ di chuyển, không ngán dọn nhà, không sợ thất nghiệp chờ thời. Còn bạn, thì cuống quýt sợ đủ thứ trong cuộc đời.
Dưới mắt con, bạn thật yếu đuối, nếu không muốn nói là vô tích sự. Những quá khứ hào hùng của cha ông, những chịu đựng dũng cảm can trường của cha mẹ, chúng hiểu cả, nhưng bây giờ không còn hợp thời nữa. Bây giờ là thời của con cái, chúng quyết định là vì thế. Cha mẹ nghe lời con cái cũng là vì thế.
Truyền thống ngày xưa, ở một số làng quê, cha mẹ làm ruộng mù chữ, có con đỗ đạt trên tỉnh, học nhiều biết rộng. Cha mẹ kính trọng con, đón con như đón quan về làng. Cha mẹ thấy hạnh phúc, an phận của người hiểu biết kém, vâng phục con là điều tự nhiên. Nhưng nhiều bậc cha mẹ thời hiện đại có học hành, hiểu biết, một thời làm sếp thét ra lửa, hoặc buôn bán thành công bây giờ họ sẽ là người bị tước quyền và khó hòa hợp với địa vị mới của mình.
- Xem thêm: Làm mẹ thời nay sướng không?
Mà họ không phải loại ăn bám. Họ có tài sản. Con còn lâu mới kiếm bằng họ, là vì họ đã phấn đấu suốt cuộc đời dài. Còn con, tân tiến hơn, nhưng cũng chỉ là đang bắt đầu. Những người này không hạnh phúc như cha mẹ mù chữ ở quê. Họ chính là trường hợp thí dụ điển hình cho câu “khổ vì trí tuệ”. Nhiều người con lớn lên trong sự che chở của cha mẹ, được đi du học thành tài. Trở về “tiếp quản” công ty của cha.
Lúc này dễ sinh mâu thuẫn giữa kiểu làm ăn, mối quan hệ xã hội của cha, nay bị con “cải cách”, dù đúng với lý thuyết hiện đại nhưng không phù hợp “thương trường đặc thù” kiểu Việt Nam. Thiếu gì đứa con đã tách ra làm ăn riêng, trở thành đối thủ cạnh tranh với cái công ty già cỗi “mãi vẫn không chịu chết” của cha mẹ.
Rồi sẽ làm con của con, tin tôi đi, chắc chắn ngày ấy sẽ đến.