Nam Phi là thị trường không xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ hai nước đã mở đường cho các doanh nghiệp làm ăn thông qua những ký kết quan trọng như: Hiệp định thương mại song phương, dành cho nhau quy chế tối huệ quốc trong buôn bán hai chiều, thành lập diễn đàn đối tác liên chính phủ về hợp tác kinh tế… Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đôi bên, nhất là tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Lối mòn chưa hẳn dễ đi
Theo thông tin tại buổi hội thảo Xúc tiến thương mại đầu tư Việt Nam – Nam Phi và Giao lưu thương mại do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 28-3, ba trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nam Phi trong thời gian qua là gạo, ngô và hàng dệt may. Trước khi quyết định có nên tiếp tục đẩy mạnh ba sản phẩm này hay không, chúng ta nên xem xét những thông tin sau:
Nông nghiệp Nam Phi phát triển mạnh và là nhà xuất khẩu các sản phẩm từ trang trại lớn. Cuối năm 2013, Nam Phi đã xuất khẩu 92.055 tấn ngô vàng sang Nhật Bản và hứa hẹn sẽ xuất nhiều hơn trong năm nay. Đầu năm 2014, lượng ngô tồn kho của Nam Phi là khoảng 516 nghìn tấn, nếu năm nay chúng ta vẫn tăng xuất khẩu ngô sang thị trường này e là không phù hợp. Hơn nữa, loại ngô ưa chuộng ở Nam Phi là ngô trắng trong khi chúng ta lại có xu hướng xuất khẩu ngô vàng là chủ yếu.
Nhập khẩu gạo ở Nam Phi tăng nhanh trong mấy năm trở lại đây là do sự tăng giá của các mặt hàng thay thế gạo như ngô và lúa mì. Ước tính trong năm 2013, Nam Phi nhập khoảng 925 ngàn tấn gạo mà lượng gạo Việt Nam xuất sang Nam Phi trong năm chỉ trên dưới 10 ngàn tấn với kim ngạch 2,8 triệu USD. Gạo Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường này là do giá cao, do không thể xuất khẩu trực tiếp mà phải qua nhiều trung gian. Năm nay, gạo Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻẤn Độ và Thái Lan trên thị trường châu Phi. Mặt khác, để bảo đảm an ninh lương thực, nhiều quốc gia châu Phi đẩy mạnh việc triển khai các chương trình tự túc lương thực, trong đó có việc phát triển trồng lúa nước.
Thủy hải sản chế biến là lônh vực đang được chính phủ Nam Phi khuyến khích nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Nam Phi khá lớn, chiếm khoảng 20 – 25% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của toàn châu lục. Các sản phẩm dệt may đang tiêu thụ mạnh tại thị trường Nam Phi là quần áo vải bền (chủ yếu là quần jeans và áo thun) và giá rẻ. Dệt may Việt Nam dễ dàng đáp ứng nhu cầu của thị trường này nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may lại không thuận lợi. Lâu nay, Trung Quốc và Ấn Độ gần như chi phối thị trường này nhờ lực lượng kiều bào đông đảo, lại có sự phối hợp chặt chẽ giữa nguồn cung cấp (quê gốc) với thị trường tiêu thụ (nơi đang sinh sống). Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ mở các nhà máy sản xuất tại Nam Phi, nên tận dụng được lợi thế về giá cả cạnh tranh (không chịu thuế nhập khẩu) vừa tạo được mẫu mã sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng (nhờ tiếp cận ngay thị trường). Hiện nay, Nam Phi đang tiến hành đàm phán ký kết Hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ nên cơ hội “chen chân” của hàng dệt may Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.
Tăng xuất khẩu những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư
Muốn tăng xuất khẩu gạo và sản phẩm dệt may sang Nam Phi, các doanh nghiệp trong nước cần tích cực tham gia các buổi triển lãm, các đoàn đi khảo sát thị trường, nhằm mục đích quảng bá, chào hàng trực tiếp sang phía đối tác để người tiêu dùng Nam Phi có sự so sánh giữa sản phẩm Việt Nam với sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan. Thêm vào đó, chúng ta nên chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng có sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Gạo chất lượng cao và quần áo có chất liệu tốt, thiết kế sáng tạo chính là điều kiện cần để doanh nghiệp xuất khẩu nước ta tiến sâu hơn vào thị trường còn đầy tiềm năng này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tập trung xuất khẩu vào các lĩnh vực được chính phủ nước này khuyến khích, bao gồm: thiết bị và dịch vụ viễn thông và thủy hải sản chế biến. Hiện Nam Phi đang có những ưu đãi về thuế và cả thủ tục nhập khẩu tạo điều kiện giao thương thuận lợi trong lĩnh vực này.
Từ những năm đầu 1990, kinh tế Nam Phi tăng trưởng nhờ ngành dịch vụ, bao gồm ngành bán lẻ, kinh doanh buôn bán, du lịch và truyền thông. Đến nay, kinh tế Nam Phi đã chuyển mình thành một nền kinh tế tri thức, tập trung nhiều hơn về công nghệ, thương mại điện tử, tài chính và các ngành dịch vụ khác. Nam Phi cũng đang hướng đến việc đầu tư thiết bị công nghệ cao cho giáo dục. Vì vậy, Nam Phi đang tăng cường nhập khẩu các thiết bị điện tử, viễn thông. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, so cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam sang Nam Phi 11 tháng đầu năm 2013 đạt 445,6 triệu USD, tăng 103,4%, gần gấp đôi so cả năm 2012. Riêng tháng 11 năm 2013 đạt 49,6 triệu USD, tăng 92,2%. Nam Phi là một trong các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang khu vực châu Phi, Tây Á và Nam Á về điện thoại và linh kiện, chỉ đứng sau hai thị trường lớn là UAE và Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam sang Nam Phi vẫn đang trên đà phát triển tốt trong những năm gần đây và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Theo số liệu Bộ Công thương Nam Phi, trung bình mỗi năm, Nam Phi nhập khẩu khoảng 200 ngàn tấn thủy hải sản với kim ngạch khoảng 110 triệu USD. Các loại cá nhập khẩu chính gồm cá hồi, cá lưỡi trâu, cá bơn, cá ngừ, tôm… và giá bán trong nước khá cao. Năm 2012 Nam Phi nhập khẩu từ Việt Nam 179,5 tấn phi-lê cá tra trị giá 625,5 nghìn USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 3,5 USD/kg. Ngành nuôi trồng thủy sản, nhất là cá nước ngọt tại Nam Phi kém phát triển nên phải nhập hải sản nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thị trường này ưa chuộng cá da trơn vì cho là có lợi cho sức khỏe hơn. Phần lớn người dân Nam Phi hầu như chưa biết đến cá basa của Việt Nam. Với nguồn cung cá tra, basa và cả tôm sú Việt Nam dồi dào với mức giá ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này.
Kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Nam Phi là doanh nghiệp nên tập trung vào những sản phẩm chất lượng vừa phải, dễ sử dụng, giá phải chăng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý đến phương thức thanh toán, tránh rủi ro khi giao dịch vì hệ thống ngân hàng ở Nam Phi chưa phát triển đồng bộ.
Xuân Lộc