Do nằm ở vị trí chiến lược gắn kết kinh tế trong khu vực, Việt Nam trở thành đối tác viện trợ ODA của nhiều chính phủ, trong đó chiếm tỷ lệ cao trong các khoản vay quan trọng xuất phát từ Chính phủ Nhật Bản. Đây được xem là đồng vốn có giá rẻ, thời gian trả nợ kéo dài, thậm chí được ân hạn.
Các lĩnh vực trọng điểm tập trung vốn ODA rất đa dạng:
- Tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam như viện trợ giúp cải cách thể chế kinh tế thị trường, cải cách hệ thống tài chính, tiền tệ, phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
- Đối phó với những bất cập như vấn đề môi trường đô thị, môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu, giảm nghèo đói, hỗ trợ về y tế, bảo đảm xã hội, hoàn thiện thể chế, phát triển nông thôn…
- Nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực của hệ thống pháp luật, đảm bảo tính công bằng, trung lập, trong sáng của bộ máy hành chính, tăng cường năng lực hành pháp, tư pháp…
Vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam gần đây có sự chuyển hướng căn bản. Nếu như trước đó các dự án ODA của Nhật Bản thường phân bổ ở nhiều lĩnh vực với quy mô nhỏ lẻ thì nay chủ yếu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Nhật Bản xem đây là yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, nhiều vụ tiêu cực diễn ra có sự thỏa hiệp của các công ty tư vấn Nhật và phía doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây xuất hiện nghi án Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2008, Nhật đã phát hiện hối lộ tại các dự án ở Việt Nam. Trước đó là vụ Huỳnh Ngọc Sĩ với dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM và vụ PMU 18 ở Hà Nội.
Sự kiện này thêm một lần nữa làm nhức nhối các cơ quan có trách nhiệm trong việc điều phối vốn ODA. Nặng nề hơn cả là những lời cảnh báo khiến chúng ta dễ bị tổn thương.
Trong cuộc họp báo thường niên về ODA tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 4 vừa qua, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ông Mutsuya Mori khá cứng rắn khi phát biểu khuyến cáo Việt Nam không để xảy ra thêm vụ tham nhũng nào trong các dự án ODA nữa, nếu không nước này có thể sẽ dừng viện trợ.
Ông nói rõ: “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba, tôi nghĩ là người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ dừng viện trợ ODA cho Việt Nam”.
Hiện nay JICA đang phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thiết kế một cơ chế giám sát độc lập đối với các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Kể từ khi tiếp nhận lại vốn ODA từ năm 1993, Việt Nam đã tiếp nhận cam kết ODA trị giá hơn 80 tỉ USD, 65% trong số đó đã được giải ngân.
Điều đáng nói là tất cả những nghi án tham nhũng ODA tại Việt Nam lâu nay đều do phía nước cung cấp vốn phát hiện. Sơ hở lớn nhất trong các dự án ODA chính là ở khâu đấu thầu, giám sát, ký kết hợp đồng. Điều này cho thấy hệ thống kiểm soát có lỗ hổng rất lớn, việc công khai minh bạch, giám sát nội bộ chưa đầy đủ và việc chi tiêu sử dụng tiền mặt không quản lý được thu nhập thực của các quan chức.
Gần đây các công trình nghiên cứu về nguồn vốn ODA ở nhiều nước khác nhau đều có một nhận định giống nhau là hiệu quả sử dụng đồng vốn này không cao bằng đồng vốn của nước sở tại, mà nguyên do chủ yếu là vì con đường đi của ODA thường có lắm vấn đề.
Đây là khoản viện trợ của các chính phủ dành cho những nước nghèo để phát triển và có hai loại: 1) Vốn không hoàn lại được sử dụng ưu tiên cho các chương trình hay dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, dân số, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, một số dự án giải quyết công ăn việc làm và (2) Vốn có hoàn lại với lãi suất ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, thông tin liên lạc…
Để được hưởng vốn ODA là việc không đơn giản mà phải có chương trình dự án và luận chứng kinh tế kỹ thuật chi tiết. Sau khi được Chính phủ duyệt rồi thì chủ dự án cùng với bên nước cấp vốn lập báo cáo khả thi, rồi lại còn phải thông qua đấu thầu quốc tế. Nói chung con đường đi của ODA qua nhiều ngõ ngách trong nước đã đành mà qua cả ngõ ngách ở nước ngoài. Phần lớn các dự án chịu chỉ định thầu cho các đơn vị nước ngoài tham gia, nghĩa là phải có lợi cho doanh nghiệp của nước cấp viện trợ theo kiểu “lọt sàng xuống nia”.
Một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mang tầm chiến lược của Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản:
- Cảng biển: Cảng Hải Phòng, cảng Lạch Huyện – Hải Phòng, cảng Cái Mép – Thị Vải.
- Sân bay: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành.
- Đường bộ cao tốc: Quốc lộ 1, Quốc lộ 10, đại lộ Đông Tây.
- Đường sắt: Đường sắt Bắc-Nam, đường sắt nội đô tại Hà Nội và TP.HCM.
- Cầu và đường hầm: Cầu Bãi cháy, cầu Tân Đệ, cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân; đường hầm Hải Vân, đường hầm Thủ Thiêm.
- Năng lượng: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
- Khoa học công nghệ: Khu công nghệ cao Hòa Lạc…
Có nhiều nguyên nhân khiến ODA không có hiệu quả cao, mà chủ yếu là đồng vốn này phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian và như một dòng nước chảy, dễ bị thất thoát khi qua mỗi trạm.
Một nguyên nhân khác là các nước nghèo rất cần vốn và các khoản viện trợ cho nên có tâm lý được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhiều nơi vốn ODA không phát huy được phân nửa hiệu quả mong muốn, thậm chí còn có ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể, hai quốc gia Myanmar và Philippines đã gặp khó khăn trong thập niên 60 vì “nghiện” ODA mà không phát triển nhanh được. Trong khi đó Thái Lan và Malaysia đã sớm thoát ly nguồn vốn này và đã phát triển nhanh chóng.
Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định ODA không phải là nguồn vốn tốt nhất so với vốn FDI cũng như vốn vay trong nước qua hình thức phát hành trái phiếu và lại càng kém hiệu quả hơn vốn tự có của chính doanh nghiệp. Mặc dù được hưởng lãi suất thấp, nhưng để có được vốn ODA thì phải qua quá nhiều thủ tục mà bộ máy điều hành nguồn tiền này đã chiếm phần chi phí không nhỏ. Đó là chưa kể những tiêu cực của cả hai phía cho và nhận, như trường hợp Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật Bản đã phải lo lót đến 10% giá trị dự án đại lộ Đông Tây để được thầu tư vấn.
Cựu giám đốc Cơ quan Hợp tác Phát triển Anh (DFID) tại Việt Nam, ông Alan Johnson, từng có lần phát biểu về vấn đề này: “Thông thường, trong một dự án ODA 100 triệu USD thì hết 30 triệu là chi phí thuê chuyên gia, 20 triệu dành cho chi phí hành chính và như thế Việt Nam chỉ thực sự nhận được 50 triệu USD mà thôi”.
Chính do mức chi phí cao ấy nên hiện nay nhiều nước đã từ chối nguồn ODA. Nhưng Việt Nam đang thiếu vốn để phát triển lại được các nhà tài trợ sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ phục hồi kinh tế, nên từ năm 1993 đến nay chúng ta vẫn xem ODA là nguồn vốn cần thiết.
Gạt ra ngoài các yếu tố chính trị và tâm lý, ai trong chúng ta cũng đều hiểu rằng điều lớn nhất mà đồng vốn ưu đãi lãi suất mang lại là tính hiệu quả. ODA là đồng vốn mà người cho vay, người nhận và cả người trung gian đều có thể hưởng lợi bởi được vận hành theo một cơ chế tưởng chừng như chặt chẽ nhưng trong thực tế còn nhiều kẽ hở. Xài đồng tiền không phải của mình, nếu thiếu các biện pháp chế tài thì quy trách nhiệm về tính hiệu quả cũng không dễ dàng. Sử dụng ODA có hiệu quả thì nền kinh tế được nhờ, sử dụng không hiệu quả thì cuối cùng gánh nặng công nợ lại đặt trên vai người dân phải đóng thuế để trả nợ cho những khoản vay đáo hạn.
Đây là bài toán khó đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có đáp số mà biểu hiện rõ nhất là những lời than phiền của phía cấp vốn ưu đãi cho chúng ta. Chừng nào cách điều hành và quản lý vốn ODA chưa được thay đổi tốt hơn thì vấn đề này vẫn là câu chuyện dài nhiều tập. Và khi ấy liệu chúng ta có nên tiếp tục nhận đồng vốn ODA nữa hay không?
Hoàng Hải (DNSGCT)