Tôi có dịp sang công tác tại Hoa Kỳ và chứng kiến bà con ta bên này thật là đông, người đi từ rất lâu, người đi sau 1975 và cả một thế hệ trẻ đông đảo lớn lên tại Mỹ, đang học hoặc đã ra làm việc. Nhiều trí thức rất thành đạt và hầu hết đều không hề quên nơi mình đã sinh ra và trải qua hồi thơ ấu.
Tình cờ tôi có dịp đọc hết cuốn Phượng vẫn nở bên trời Hà Nội của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung.
Chị sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình trung lưu. Năm 1954, chị cùng gia đình di cư vào Nam, nghĩa là đã cách đây đã 64 năm rồi. Sau đó, chị học tiếp ở Sài Gòn, rồi chuyển sang sống tại Bruxelle, Đức và hiện nay chị sống cùng chồng và 4 con tại Reston, vùng Virginia ở Mỹ.
Tôi không sao hình dung nổi cô bé Ngọc Dung trước năm 1954 mới mười mấy tuổi mà sao có những ấn tượng sâu sắc thế về một Hà Nội cách đây trên nửa thế kỷ.
Tôi xin trích vài đoạn để các bạn đã hoặc chưa từng ở Hà Nội thời ấy biết thêm những gì mà chị Dung, cũng như nhiều người ở gần tuổi bát tuần, đã từng ghi nhớ.
“Tôi đã sống sau tiếng khóc oe oe chào đời tại Nhà thương Cống Đục, gần Hàng Cót. Nhà chúng tôi có mặt tiền với ban công lớn với mái hiên rộng ngoài gác nhì. Một giàn hoa từng chùm như những trái ớt đỏ xinh xắn leo cột ban công bên trái. Hai giàn hoa quấn quít nhau vươn gác nhì qua cửa sổ gác ba của bố mẹ và với lên cao nữa để uốn lượn theo tường hoa xung quanh sân thượng.
Cổng dưới bằng sắt kiên cố. Tường gạch bịt bùng cao quá đầu người, mảnh chai châm lên tua tủa để phòng kẻ trộm. Mặt tường bên trong có dàn nho xanh rườm rà, leo luôn sang cầu thang trong sân. Bố tự tay săn sóc những dây nho, quả chua ăn chảy nước mắt, chỉ để làm cảnh cho đẹp và lấy lá non nấu món bò kho với rượu vang đỏ ngon tuyệt vời.
Một chuồng chim bồ câu với mấy chục khuôn cửa tròn nhỏ được dựng trên mái bếp. Cả trăm con chim câu trắng bay lên sà xuống rộn ràng ngoài cửa sổ của ba tầng nhà. Tiếng chúng gù gù tình tự bên nhau suốt ngày đêm.
Những buổi tối khi đường phố bắt đầu lên đèn cho tới khuya, văng vẳng như tôi còn nghe tiếng rao dưới đường: Ai mua lúa rang, hạt dẻ, bưởi, ra mua! Tiếng rao rộn rã làm sao.
Từ cửa sổ gác nhì của ba tầng phố Chả Cá, tôi có thể nhìn thấy cái quạt trần bằng giấy được kéo qua, kéo lại quạt mát cho khách ăn trong tiệm Lã Vọng bên kia đường.
Nhà phố Chả Cá có ba tầng, nhưng chúng tôi chỉ ở tầng hai, tầng ba. Tầng dưới cùng mặt trước cho người thuê mở cửa hàng điện. Phía trong là lớp dạy làm bánh của bà nội. Nào bánh bao, bánh bò, bánh hoa hồng, bánh quế, bánh cốm, bánh xu xê, bánh Tô Châu, cà chua, củ đậu… Nào mứt quất, chanh, mận, hồng bì, khoai gừng, dừa, dứa, bí… Không có một thứ bánh, mức khéo léo nào của Hà Nội mà bà tôi không làm được. Bà còn nhận đặt hàng cưới và đủ mọi thứ tiệc. Ngoài ra, bà còn dạy cách tỉa các loại hoa hồng, hoa cúc, hoa trà bằng đu đủ, tỉa hình những con chó, con mèo bằng bưởi trông giống như thật. Bà nặn đủ các loại con giống rằm tháng tám xinh đẹp, trẻ con nào cũng phải mê thích.
Thím Hai, một thời hoa khôi Hàng Đồng đã học và theo nghề làm bánh của bà nội. Sau này, chú thím có tiệm bánh Xuân Ký bên cạnh nhà Mai Đệ góc Hàng Đường, trước cửa nhà Quảng Nghi.
Trên ngôi nhà ba tầng của phố Chả Cá, chúng tôi thích nhất cái sân thượng cao chót vót, rộng thênh thang, gió lồng lộng. Nơi đây cũng là sân chơi của gia đình. Những đêm trăng thanh, gió mát bố mẹ thường lên uống trà hay cà phê. Chúng tôi tranh nhau xay cà phê cho bố. Mùi thơm lừng quyến rũ nhưng chúng tôi chẳng được ông cho uống, dù là nếm cũng không. Có lần tôi nhấp thử cái xái nhì của mẹ, ôi thôi đắng ơi là đắng, ngon lành gì đâu mà ham. Bố không cần cấm tôi cũng chẳng đòi uống nữa, tuy nhiên đã nghiền mùi cà phê từ thuở đó.
Cũng trên sân thượng, những đêm không trăng, trời sẩm tối trong vắt không một vẩn mây, bố tôi thường tìm và chỉ cho chúng tôi những chùm sao trên trời. Nào sao Đại Hùng Tinh, Tiểu Hùng Tinh, sao Bắc Đẩu, sao Hôm, sao Mai… Dù chẳng nhận ra một vị tinh tú nào, tôi vẫn mải mê ngước mắt ngắm nhìn hằng hà sa số sao, huyền bí vô cùng tận. Điều thích thú nhất là khi bố mẹ cho giăng màn và chúng tôi được phép ngủ cả đêm trên sân thượng. Bầu trời gần như rất gần, nếu được đứng trên thang cao tôi có thể sờ vào mây, với tới trăng sao lấp lánh. Những ngày thơ ấu của tôi đã tràn đầy những giấc mơ lấp lánh trăng sao đó.
… Thường thường, chúng tôi được bố mẹ cho đi xe điện về thăm quê ngoại ở Hà Đông, cách Hà Nội độ mười một cây số. Nhà bà ngoại nhìn ra dinh Tổng đốc Hà Đông, bên cạnh có một vườn thú nào đó. Tôi thấy có voi mẹ to như cái đình, voi con to như cái nhà, ăn ngốn và nuốt những cây chuối ngổn ngang bên trong hàng rào song sắt. Ngoài sân nhà bà có vườn trăm cây hoa lan của ông ngoại để lại.
Năm học lớp tư, tôi bắt đầu làm quen bạn bè trong lớp. Cô bạn đầu tiên của tôi thân là Vũ Ngọc Diệp, nhà ở góc Hàng Than và phố Nhà Thương Khách. Con phố mang tên Hàng Than nhưng tôi không thấy nhà nào bán than, ngoài nhà Diệp và cái xưởng xay than, nắm than ở cạnh dãy nhà chúng tôi. Cửa hàng tạp hóa của bà Cả Lan, mẹ của Diệp, còn có củi, mắm muối, gạo, đường, dầu, mỡ, kẹo bánh, kim chỉ, lược gương, cao dán, dầu cù là…
Anh chị em chúng tôi thích ra ban công những buổi sáng sớm hay chiều xuống, hóng gió mát từ sông Hồng đưa về. Những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ tết càng thích thú hơn, được xem thiện nam, tín nữ, sư sãi tế lễ, chiêng trống linh đình trong sân chùa Hoè Nhai bên kia đường.
… Trước cửa nhà sách Đông Phương, gần trường Hàng Than có một hàng quà hấp dẫn hơn món bò khô, ăn rất gọn gàng cho con gái. Đó là món táo dầm ngọt lừ, ngọt lịm, giòn tan, giòn biến trong những cái miệng còn răng sữa. Các cô mê món này cũng như mê ăn ô mai vậy… Nếu mùa xuân chúng tôi thích món táo dầm, mùa hè chúng tôi mê món khế dầm, sấu xanh dầm hay sấu chín dôn dốt được các cô bán hàng dùng dao sắc như nước, gọt vỏ thật mỏng, gọt cùi thành một dây dài không đứt. Xong các cô lại cuốn cùi sấu xung quanh hột như một quả còn nguyên chưa hề cắt gọt.
Mùa thu tới, cốm màu ngọc bích, cốm thơm, cốm dẻo, cốm nằm từng lớp trên lá sen xanh. Cốm cũng được gói bằng lá sen tươi, buộc bằng lạt lúa dài. Hương cốm, hương sen thơm ngát phố phường. Cốm đã đem vào Hà Nội hương đồng, cỏ nội ngọt ngào từ làng Vòng và các vùng quê mộc mạc lân cận. Ở bên này, người xa Hà Nội chỉ có thể tìm mua cốm khô như hiệu Nguyên Ninh trên dốc Hàng Than, hiệu An Ninh giữa phố và góc đường đi lên bến nứa trên đê Yên Phụ, hiệu Ngọc Châu đầu phố gần Nhà máy nước tròn vườn hoa Hàng Đậu. Nhưng tôi không thích món bánh cốm vô duyên này.
… Nói về các hàng quà, Hàng Than và phố Hoè Nhai chiếm kỷ lục nhiều nhất so với các đường phố lân cận. Quanh năm suốt tháng, từ sáng sớm tinh mơ, trước cửa nhà ba tầng Phạm Bá Quát đã la liệt hàng xôi lúa, xôi xéo, xôi đậu xanh, xôi đậu đen… Mấy bà bán xôi thường rất hà tiện dù được trả thêm năm hào cũng không cho thêm một muỗng hành mỡ hay vừng. Nếu chúng tôi chán ăn xôi thì đã có bánh cuốn Thanh Trì của các cô gái quê khăn đen mỏ quạ, áo thắt lưng nâu, thắt lưng xanh đỏ. Trông thấy các cô cũng đủ biết bánh cuốn sẽ vừa mỏng, vừa dẻo, vừa dai và đặc biệt lắm. Các cô thường đội bánh, rêu rao đi bán từng phố này qua phố khác, chứ không cố thủ một chỗ như mấy gánh hàng xôi. Nếu xót ruột vì ăn nước mắm chanh, ớt khô, cà cuống của bánh cuốn quá nhiều, đã có một gánh cháo huyết nóng hổi, dầu cháo quẩy giòn tan đang đậu trước cửa hiệu tạp hoá của bà Cả Lan.
Giờ đi học, đi làm, ai qua toà báo Thời sự đầu phố Hoè Nhai ấy mà không hít hà mùi thơm ngào ngạt của cà phê Ô-Lê, ba tê bánh tây nướng giòn, từng gánh hàng như hai cái tủ nhỏ có lò than hồng? Hương vị đặc biệt ấy đã bay vào khứu giác người Hà Nội từ những buổi sáng sớm mùa thu lành lạnh hay mùa đông rét mướt đó.
Ở giữa Hàng Than, trước cửa nhà cậu giáo Ngô Sĩ Vân có hàng bánh đúc, bún riêu cua, mắm tôm chanh, ớt, rau muống chẻ, bẹ chuối non thái mỏng, không bao giờ thiếu tía tô, kinh giới.
Đến mùa thị chín lại càng mê man qua chơi nhà cậu giáo Vân để được ra sân sau hái thị trên cành cây xoà sang từ ngôi đền bên cạnh. Mẹ móc cho tôi những giỏ thị thật đẹp. Mắt giỏ thật sít để những quả thị nhỏ xinh thơm mùi mẫn không lọt mất.
… Trước cửa hiệu cắt tóc bên cạnh nhà cậu giáo Vân có gánh phở Đính. Một gánh phở khác trước cửa toà báo Thời sự, bên cạnh chùa Hoè Nhai. Hai hàng phở này đều rất đông khách. Gần như sáng nào mẹ cũng tự tay đập một lòng đỏ trứng gà bỏ vào bát có vung đậy, có đĩa bưng khỏi nóng và ngón tay khỏi nhúng vào bát phở.
Tôi còn phải nhắc tới món phở cuốn. Tôi ra gánh hàng phở mua mấy xấp bánh tươi để nguyên miếng, mấy đồng thịt nạc chín thái mỏng, mấy ngọn húng Láng, rau mùi, vài lát chanh và lát ớt tươi đỏ. Mẹ tôi cắt bánh phở ra thành miếng nhỏ bằng bàn tay, rải năm, sáu miếng thịt, vài cọng rau lên bánh phở và cuộn lại to như chiếc nem rán Hà Nội. Mẹ lấy nước mắm ngon nguyên chất, vắt vài giọt chanh, bỏ vài lát ớt làm nước chấm. Đấy là món phở cuốn thịt bò nạc chín, ngon lành, tươi bổ.
- Xem thêm: ‘Một nửa Hà Nội’ trong tôi
… Hình như con đường nhà tôi không lúc nào vắng hàng quà sáng. Trưa lại có hàng quà trưa như bún chả, bún ốc, bún bung, món sứa tươi đỏ cắt bằng que nứa, ăn với bún, đậu nướng vàng, rau kinh giới, mắm tôm chanh ớt. Lại còn cái món nộm chay, chỉ có rau muống chẻ, giá trần, bánh đúc thái thành miếng nhỏ như ngón tay và trộn với nước vừng trắng. Vậy mà cũng ngon đáo để.
Chiều sang lại có hàng quà chiều như chả chó nướng trên hộp than hồng, thơm lừng thơm nức mùi riềng, nghệ, mẻ để chào mời người mua ăn với cơm tối.
Ban đêm có hàng quà đêm như Lục tào xá, Chí mà phù, Xực tắc… Trong đêm khuya khoắt vắng lặng, từ phố này qua phố nọ, vang lên âm thanh của cái dùi nhỏ làm bằng cật tre khô gõ vào miếng cật tre khác lớn hơn để thay thế tiếng rao bán món mỳ nước và vằn thắn của người Hoa. Vào những đêm đông giá lạnh, bố mẹ tôi thường có hứng ăn khuya, nhất là món bánh lốc bểu nóng, một thứ bánh cuốn có nhân lạp xường, tôm khô với vài ngọn mùi thơm bầy mặt đĩa”.
Cuốn Phượng vẫn nở bên trời Hà Nội dày trên 200 trang với biết bao kỷ niệm vui buồn của một người phụ nữ xa xứ mà vẫn luôn tưởng nhớ tới quê hương, dù đã cách xa hơn nửa thế kỷ.
Để khép lại bài viết này tôi xin phép ghi lại lời của tác giả cuốn tiểu thuyết-hồi ký theo đúng nghĩa, khi chị viết ở cuối chương Những ngày cuối cùng ở Hà Nội:
“Mỗi độ hè về hoa phượng vẫn nở đỏ bên Hồ Gươm. Những người bạn của tuổi trẻ ấy vẫn chờ đợi tôi trở về như tâm hồn tôi tha thiết không nguôi”.
Là một người đọc chưa từng quen biết chị, tôi muốn gửi đến chị một lời mời: “Chị hãy gạt qua mọi mặc cảm mà ít nhiều tôi đọc được trong cuốn sách này và hãy về Hà Nội như hàng chục vạn bà con ta vẫn về thăm quê hương, nhất là trong những độ Xuân về. Chị nhắn tin cho tôi (nguyenlandung01@gmail.com), tôi xin đón chị tại sân bay quốc tế Nội Bài và đưa chị đi thăm lại Hoè Nhai, Hàng Than, Hàng Cót và các nơi chi đã từng sinh sống trong tuổi hoa niên”.