Nhắc tới Hà Nội, người ta không chỉ nghĩ tới phở bò, một loại “nu-đồ” mà Tây ba lô cứ nhắc tới là xuýt xoa, sao mà thơm, mà thanh thế, nước sao mà đậm đà thế.
Tôi có người bạn gốc Việt mới bển về, rủ nó đi ăn bún. Tôi hỏi hắn, ở nước hắn có bún không – cái thứ bún mà đa sắc màu như bún Hà Nội. Hắn lắc đầu, nói ở bên chỗ hắn làm quái có bún, chỉ có nu-đồ, mà nu-đồ cũng không lắm thứ nước chan như ở mảnh đất này. Tôi choàng vai hắn, kêu hắn để bụng đói chút, rồi dắt hắn làm vài vòng Hà Nội để thử hết các loại bún.
Bên cạnh “nu-đồ” phở bò, ta sẽ bắt gặp loại “nu-đồ” khác, ấy là bún – sợi mảnh, ăn hơi chua, kết hợp nhuần nhị với tất thảy loại nước dùng, như thể mối tình bún – nước dùng là thứ duyên kiếp tự ngàn đời nay.
- Xem thêm: Bún chả Hà Nội – đại sứ ẩm thực Việt
Tôi dắt hắn tới hàng bún chả quen. Hắn sợ nước mắm lắm, tôi kì kèo mãi mới dám lấy thìa xúc… húp thử. Và sau đấy, hắn xin thêm hai bát nước mắm để húp.
Phải thôi, thứ nước chấm bún chả không mặn quá, cũng chẳng ngọt quá, cứ dìu dịu trôi vào cổ họng mỗi người, làm hài lòng đến cả những kẻ khó tính nhất.
Chả phải nướng bằng than hoa, hơi cháy một chút nhưng không được cháy quá, kẻo ung thư. Có hai loại chả – chả viên và chả mỡ. Với tôi, cả hai thứ chả ấy đều ngon theo mỗi cách khác nhau. Chả mỡ làm từ thịt mỡ, ăn bùi bùi. Chả viên làm từ thịt xay, viên tròn lại, nướng khéo để không bị khô, mất ngon.
Chấm một gắp bún rối, lại gắp thêm miếng chả bỏ miệng, nhai thật chậm để cảm nhận sự nhuần nhị toàn mỹ của cái ngọt, mặn, thanh thanh và hơi cháy, để khi nuốt vẫn thòm thèm.
Kế đến, tôi đưa hắn tới hàng bún đậu mắm tôm. May thay, hắn lại ăn được mắm tôm, liều mình gọi một mẹt đầy đủ, cả đậu, cả bún, cả thịt lợn luộc và thêm ít lòng dồi. Mùi mắm tôm – ai không biết ăn thì sợ lắm, nhưng ai mà nghiện thì chung tình cả đời.
Đậu rán giòn rụm, vàng ươm, cháy một mặt vì bà chủ mải buôn chuyện, nóng hổi, bắc lên đĩa còn thấy dầu đang nổ lép bép. Dồi với lòng hàng này khỏi bàn, vừa sạch vừa tươi, dai dai, chấm chút mắm tôm, làm thêm chén rượu thì hết ý.
Và bún, lần này không phải bún rối tinh, mà là bún lá, cắt thành từng miếng gọn ghẽ. Tôi gọi thêm mấy miếng chả cốm rán cho hắn thử. Hắn chép miệng, phải chăng được ở mãi Hà Nội, ngày nào hắn cũng đi ăn bún.
- Xem thêm: Bún riêu phương Nam
Ngang ngang bụng, hắn dần thấy ngán, đòi ăn cái gì… chua chua. Tôi dắt ngay tới hàng bún riêu gần nhà. Hàng bún bé xíu, nằm trong cái hẻm tẹo teo mà mùi thơm điếc mũi bay tận ra ngoài phố.
Bún riêu có riêu cua, mấy viên đậu rán vuông vắn, hành phi thơm lừng. Nước bún chua nhẹ, húp hết lại muốn húp tiếp. Ăn bún riêu, sẽ thật thiệt thòi nếu thiếu ít bò trần, rau sống và thêm mấy lát giò bày lên trên. Bún riêu làm người ta cảm giác ăn nhanh hết, hụp soạt cái đã hết bát, ăn xong trán lấm tấm mồ hôi vì nóng.
17h, chúng tôi hạ cánh ở hàng trà đá quen thuộc sau khi đã thử qua những “nu-đồ” tiêu biểu của đất Hà thành. Hắn đắc chí như trúng độc đắc, bắt tôi lùng bằng được mấy công thức làm bún gia truyền trên mạng, hứa với tôi sau khi quay về nước sẽ mở hàng Bún-Người-Việt, để khẳng định vị thế ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.
Tôi nhấp chén chè, cười khà khà.
Tôi cũng mong vậy,
Ai cũng mong vậy,
Một ngày, “nu-đồ” Việt Nam sẽ tìm được chỗ đứng của mình ở nền ẩm thực thế giới.
Ngày ấy, sẽ không còn xa.